“Giải mật” lời nguyền khiến các gia tộc quyền lực bị bệnh tật đeo bám

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, hoàng tộc Habsburg có thế lực nhất trong lịch sử châu Âu, từng trị vì 200 năm ở Tây Ban Nha đã bị sụp đổ hoàn toàn do hậu quả của hôn nhân cận huyết. Đây cũng chính là tình trạng mà nhiều gia tộc quyền lực khác ở châu Âu trước kia từng phải gánh chịu.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Các hoàng gia xưa luôn rất xem trọng việc duy trì gia tộc và đảm bảo sao cho toàn bộ thành viên gia tộc đều mang dòng máu thuần quý tộc cũng gặp phải tình trạng này. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, chính việc coi trọng dòng máu của mình dẫn đến loạn luân hay hôn nhân cận huyết đã dẫn đến những căn bệnh di truyền trong các gia tộc hùng mạnh thời xưa. Thậm chí trong lịch sử cũng đã có các triều đại hùng mạnh bị sụp đổ vì vấn đề này.

Những bí ẩn về vị vua Ai Cập

Ở thời Ai Cập cổ đại, những vị Vua (Pharaoh) tự coi mình là con của thần mặt trời đã giao phối cận huyết. Người ta đã tin rằng, các á thần không thể giao phối với người bình thường. Kết quả là, các vị vua đã sinh ra những đứa trẻ yếu đuối với những bệnh lý rõ ràng. Rõ ràng, hậu duệ của các vị Pharaoh đã mắc nhiều bệnh bẩm sinh mà nguyên nhân được cho là hệ lụy của hôn nhân cận huyết. Năm 2014, các nhà khảo cổ học đã tái tạo được khuôn mặt của Vua Tutankhamun sau khi lăng mộ của ông được phát hiện. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây không chỉ là ở kho báu được chôn kèm theo di hài của ông mà còn ở việc khuôn mặt của ông rất khác lạ.

Kết quả phục dựng chân dung cho thấy Vua Tutankhamun bị biến dạng gương mặt, dị tật bàn chân và một bộ gene đầy khiếm khuyết. Theo hình ảnh chụp cắt lớp, Vua Tutankhamun đã bị hoại tử xương bàn chân; chân trái của ông ta ở mắt cá chân và bàn chân bị uốn cong đến mức ông ta chỉ có thể bước đi với gậy. Ngoài ra, vị Pharaoh còn có vai rất hẹp và hông rộng. Chi tiết này khiến các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London, Anh suy nghĩ về một căn bệnh di truyền.

Không tìm ra nguyên nhân bệnh tật, người ra cho rằng các gia tộc bị một lời nguyền bí ẩn đeo bám.

Không tìm ra nguyên nhân bệnh tật, người ra cho rằng các gia tộc bị một lời nguyền bí ẩn đeo bám.

Theo các nhà khoa học, Vua Tutankhamun được sinh ra từ mối quan hệ cận huyết giữa vua cha và chị ruột của ông này. Kết quả của cuộc hôn nhân này là việc Vua Tutankhamun bị mắc một dạng động kinh hiếm gặp, trong đó các cơn động kinh bắt đầu ở thùy thái dương của não. Đây cũng chính là bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất hormone. Điều này có thể giải thích cho việc vị Pharaoh này có vẻ bề ngoài rất nữ tính, với bộ ngực to như ngực phụ nữ còn khuôn mặt đầy vẻ nữ tính.

Theo sử sách, Vua Tutankhamun qua đời ở tuổi 19. Dù mắc một loạt các rối loạn di truyền nhưng nguyên nhân khiến ông tử vong không phải do các căn bệnh vốn là kết quả của việc hôn nhân cận huyết. Lịch sử ghi lại rằng vị vua này chết do bị ám sát.

Năm 2005, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra kết luận từ thi hài nguyên vẹn của nhà vua rằng ông đã bị gãy chân trong một chuyến đi săn và tử vong do vết thương bị nhiễm trùng. Đến năm 2010, từ kết quả phân tích ADN, các nhà khoa học lại khẳng định nguyên nhân tử vong của ông vua này do mắc bệnh sốt rét thông thường.

Căn bệnh ám ảnh cả gia tộc Habsburg

Trong suốt một thời gian dài, người ta hoang mang, thậm chí là lo sợ khi những đứa trẻ ra đời trong Hoàng tộc Habsburg hoặc tử vong khi mới lọt lòng hoặc mắc phải một loạt các bệnh di truyền, khiến chúng trở thành những người tàn tật nặng.

Trong đó, ông Carlos II - vị vua Habsburg cuối cùng của Tây Ban Nha đã bị bệnh động kinh, có nhiều vấn đề về xương và trí thông minh. Bên cạnh đó, ông này còn có phần hàm dưới nhô ra quá nhiều so với hàm trên, nghiêm trọng tới mức gây cản trở cho việc nói và khó có thể ăn uống hay ngậm miệng.

Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy vị vua nói trên là sản phẩm của một cuộc hôn nhân giữa chú và cháu gái. Do đó, Vua Carlos không chỉ là con trai của cặp vợ chồng này mà còn là anh em họ, và thay vì có 32 tổ tiên khi là người ở thế hệ thứ 5, ông chỉ có 10 tổ tiên. Thêm vào đó, 8 người trong số họ cũng là những người thân.

Một nghiên cứu cho hay, hệ số cận huyết - tức tỷ lệ gen giống hệt nhau nhận được từ cha và mẹ - của Vua Carlos II là 25,4. Con số này thậm chí còn cao hơn những đứa trẻ ra đời từ mối giao phối cận huyết giữa anh chị em ruột.

Phác họa về Vua Tutankhamun với dị tật thứ phát không rõ nguyên nhân ở bên chân trái.

Phác họa về Vua Tutankhamun với dị tật thứ phát không rõ nguyên nhân ở bên chân trái.

Các nhà khoa học từ Đại học Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha đã phân tích các bức chân dung của 15 thành viên trong triều đại Habsburg. Mỗi chuyên gia được yêu cầu tìm các đặc điểm nhô ra của hàm dưới, cùng các đặc điểm thụt vào từ hàm trên. Họ đã đưa ra giả thuyết và sau đó đã xác nhận rằng cả hai điều kiện này đều có liên quan, có cùng cơ sở di truyền và đã tạo nên hàm Habsburg. Từ đó, các nhà khoa học đã xác nhận rằng các vấn đề sức khỏe của Carlos II là kết quả của hôn nhân cận huyết.

Nếu tổ tiên chung của họ Habsburg là Hoàng đế La Mã có đặc điểm hàm dưới nhô ra không đáng kể so với hàm trên thì hậu duệ của ông có dấu hiệu rõ ràng rối loạn trong sự phát triển của hàm dưới. Đây là đặc điểm của Nhà vua Philip IV, con gái của ông là bà Margarita, các cháu trai Carlos I, Leopold I và Carlos II. Họ đều có dáng người thấp bé, yếu đuối, bất lực, bị thiểu năng trí tuệ, mắc nhiều vấn đề về đường ruột và thậm chí không nói được cho đến khi lên 4 tuổi.

Phát bệnh đáng sợ không rõ nguyên nhân

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bệnh ưa chảy máu hemophilia (một rối loạn đông máu hiếm gặp) đã được chẩn đoán ở nhiều vị vua châu Âu. Hoàng tử Anh Leopold, Công tử Friedrich của Hessen, 2 thành viên của hoàng tộc Tây Ban Nha là Alfonso và Gonzalo và Thái tử Alexei - người thừa kế ngai vàng của Nga, đều là những người mắc bệnh hemophilia, khiến họ đều có thể chết vì chấn thương nhỏ hoặc chảy máu nội bộ tự phát. Ngoài ra, 10 công chúa ở châu Âu cũng được cho là mang gen nguy hiểm kích thích sự phát triển của căn bệnh này.

Nữ hoàng Anh Victoria được xem là người đầu tiên mang gen hemophilia do đột biến. Bà Victoria đã kết hôn với người anh họ và sinh được 9 người con trong cuộc hôn nhân này. 3 trong số này đã nhận đột biến gen xấu từ mẹ của họ sau đó truyền lại sự đột biến này cho con cháu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, gen xấu của Nữ hoàng Victoria có thể do cha bà là Công tước xứ Kent truyền cho dù không có bằng chứng nào cho thấy ông mắc bệnh hemophilia. Những người khác tin rằng, bệnh này bắt nguồn từ đột biến mới de novo.

Trong số các hoàng tử bị bệnh máu khó đông, người con thứ 8 của bà Victoria là ông Leopold đã mất năm 31 tuổi do xuất huyết não sau khi bị ngã. Theo tiêu chuẩn thời đó, tuổi thọ như vậy được coi là một kết quả rất tốt đối với một người mắc bệnh máu khó đông. Những người chắt của Nữ hoàng về sau cũng có nhiều người mang bệnh.

Ngày nay, những người mắc bệnh này có thể sống lâu hơn nhiều, tới 60 hoặc 70 tuổi. Hơn nữa, một số loại bệnh ưa chảy máu có thể điều trị được. Đến nay, trên thế giới đã có ít nhất 13 bệnh nhân đã được tiêm một bản sao của gen khỏe mạnh vào máu để phục hồi mức độ bình thường của yếu tố đông máu VIII.

Đọc thêm