Dự án cùng phát triển tên lửa
Sau khi Israel giành được độc lập vào năm 1948, Iraq tiến hành trấn áp các công dân Do Thái ở nước này, khiến nhiều người phải bỏ chạy sang Israel để định cư. Thời gian này, Iran đóng vai trò như một “trạm nghỉ chân” của những người Do Thái trên đường trốn chạy. Giới chức Iran về sau đã được trả công hậu hĩnh cho việc này. Về mặt chính thức, Iran đã bỏ phiếu chống lại Kế hoạch phân vùng của Liên hợp quốc cho Palestine vào năm 1947.
Sau khi Nhà nước Israel thành lập, Iran đã phản đối chấp nhận Israel là một nước thành viên Liên hợp quốc. Tuy nhiên, vào năm 1950, Iran lại trở thành quốc gia có đa số dân là người theo đạo Hồi thứ 2 trên thế giới, sau Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận Nhà nước Israel trên thực tế. Một thập kỷ sau đó, sự công nhận của Iran với Israel trở nên chính thức và được công khai.
Trên thế giới, mỗi nước có lý do riêng để thúc đẩy quan hệ với nước khác. Với Iran thì Israel được coi là một phương tiện để thông qua cộng đồng người Do Thái gốc Mỹ giành được sự bảo trợ của Mỹ - nước khi đó đang tìm kiếm các đồng minh để phục vụ cho cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới với Liên Xô.
Ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Iran là một trong những nước cung cấp dầu mỏ chính của thế giới. Thực tế này cộng với việc nắm quyền kiểm soát con đường tiếp cận Vịnh Ba Tư khiến Iran trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ. Israel cũng là trường hợp tương tự.
Thời gian này, giữa các lực lượng Hồi giáo và thế tục trong nội bộ Iran vẫn có bất đồng về hàng loạt những vấn đề, trong đó có việc các nhà lãnh đạo tôn giáo như Lãnh tụ tối cao của Iran lúc bấy giờ là ông Ayatollah Ruhollah Khomeini yêu cầu Iran phải gia nhập trục Ả-rập trong cuộc chiến chống Israel. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị phe của Nhà vua Mohammad Reza Pahlavi thân Mỹ lấn át. Ông Pahlavi là người đã khôi phục được quyền lực sau một cuộc đảo chính năm 1953 do Mỹ hậu thuẫn.
Từ quan điểm của Israel, Iran phù hợp với “Học thuyết ngoại biên” của Thủ tướng lập quốc của nước này David Ben-Gurion. Theo học thuyết này, Israel đã cố gắng tăng cường mối quan hệ với những kẻ thù không thuộc nhóm nước Ả-rập của kẻ thù của nước này. Những nước này bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia...
Trong mối quan hệ giữa Israel và Iran, Iran đã bán dầu cho Israel khi không một nước giàu dầu lửa nào khác trong khu vực làm như vậy. Tehran cũng trở thành một nhà nhập khẩu lớn hàng hóa và dịch vụ của Israel, bao gồm từ các dự án nông nghiệp, dân cư, y tế và cơ sở hạ tầng tới việc đào tạo cảnh sát mật khét tiếng Savak cho các cơ quan tình báo của Israel. Mối quan hệ giữa 2 nước thân thiết đến mức, 2 năm trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Israel và Iran đã từng hợp tác trong Dự án bông hoa - một kế hoạch để phát triển tên lửa có thể mang một đầu đạn hạt nhân chung của 2 nước.
Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, Israel có rất nhiều nhà thầu và cố vấn quân sự trú ngụ tại Tehran. Tại thủ đô của Iran khi đó còn có một trường dạy tiếng Do Thái được mở cho trẻ em Israel. Còn hãng hàng không El Al cũng đã mở các chuyến bay thường xuyên giữa 2 thủ đô của 2 nước.
Khởi đầu của sự kết thúc
Mối quan hệ giữa Israel và Iran trong một thời gian dài như vậy nở rộ cùng với xu thế địa chính trị khu vực. Tuy nhiên, khi tình hữu hảo này đang ở giai đoạn đẹp đẽ nhất thì cũng là khi những biến chuyển của thời cuộc đẩy quan hệ giữa 2 bên chuyển biến theo chiều trái ngược hoàn toàn. Cái chết của Nasser tại Isarel vào năm 1970 và việc Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat lên nắm quyền đã khiến quan hệ giữa Ai Cập và Israel trở nên nồng ấm.
Tiếp theo đó, đến năm 1975, Iran và Iraq đã ký một thỏa thuận, theo đó Iran đồng ý ngừng vũ trang những người ly khai người Kurd ở Iraq, khiến quan hệ giữa 2 nước cựu thù này tạm thời bớt căng thẳng. Các nhà quan sát cho rằng, những diễn tiến này khiến giá trị chiến lược của Israel với Iran bị suy giảm.
|
Quan chức quốc phòng của Iran và những người đồng cấp Israel vào năm 1975. |
Trong khi đó, các giáo sĩ Hồi giáo ở Iran vẫn tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc truyền bá tư tưởng chống lại Israel. Khi chế độ quân chủ ở Iran bị lật đổ trong cuộc Cách mạng năm 1979, mối quan hệ giữa Iran với Israel là một trong những thứ đầu tiên mất đi.
Trở về Iran vào ngày 1/2/1979 sau một thời gian sống lưu vong ở Pháp, chỉ 3 tuần sau, Lãnh tụ tối cao của Iran lúc bấy giờ là ông Ayatollah Khomeini đã cắt đứt quan hệ với Israel. Ông Khomeini cũng biến Đại sứ quán Israel tại nước này thành trụ sở của Tổ chức Giải phóng Palestine - một động thái khiến Israel tức giận.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Israel và Iran sau đó vẫn tiếp tục được duy trì đến giữa những năm 80, chủ yếu là do Iran dưới thời Giáo chủ Khomeini bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Iraq dưới thời ông Saddam Hussein.
Lúc này, Israel dù không còn thân thiết với Iran như trước nhưng vẫn đã không cưỡng lại cơ hội cung cấp vũ khí cho nước này. Mối quan hệ quân sự giữa 2 nước vẫn tiếp tục được duy trì trong vài năm. Trong đó, từ năm 1981 đến năm 1983, Israel đã bán được khoảng 500 triệu USD vũ khí cho Iran, hầu hết được thanh toán bằng dầu.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự thất bại của chế độ Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, mối đe dọa chính đối với Iran chuyển thành Mỹ, kế đến là Israel. Trong những năm 90, cuộc khẩu chiến giữa 2 nước ngày càng trở nên gay gắt và mang đậm tính thù nghịch, đe dọa. Năm 1987, Thủ tướng Israel Rabin còn gọi Iran là “người bạn tốt nhất của Israel”.
Thế nhưng, chỉ ít năm sau đó, ông đã chuyển giọng, nhắc đến Iran bằng những chỉ trích mạnh mẽ. Năm 1996, Thủ tướng Israel Simon Peres khiến Tehran tức giạn khi cho rằng chế độ Hồi giáo ở Iran “còn nguy hiểm hơn Hitler”.
Cuộc khẩu chiến giữa 2 nước đạt đến đỉnh điểm dưới thời Tổng thống 2 nhiệm kỳ của Iran là ông Mahmoud Ahmadinejad. Nắm quyền từ năm 2005 đến năm 2013, ông Ahmadinejad từng kêu gọi “hủy diệt” Israel và phủ nhận cuộc diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức. Đến nay, mối quan hệ giữa 2 nước này vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu, khiến nhiều người thậm chí từng lo ngại về khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp giữa 2 nước dù trên thực tế hai nước không có chung biên giới và không có tranh chấp lãnh thổ để có những mâu thuẫn không thể hóa giải.