Giai thoại về “Cây đa bến ngự” nơi chúa Nguyễn từng đóng binh ở Đồng Tháp

(PLVN) - Trước ngôi miếu Gia Long (ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có một cây đa lớn độ 5-6 người ôm, tương truyền là “cây đa bến ngự”, nơi chúa Nguyễn Ánh thường ngồi câu cá trong thời gian bôn đào và đóng quân lại đây. Liên quan đến những dấu tích này dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ.
Cây đa cổ thụ trước ngôi miếu gắn liền với những giai thoại ly kỳ.

Miếu thờ vua trên nền đồn cũ

Miếu Gia Long hay còn gọi là Cao hoàng thái miếu hay là Đức Cao hoàng Miếu nằm cạnh bờ sông Nước Xoáy và cách chợ Nước Xoáy chừng vài trăm mét. Ngôi miếu này được nhân dân xây dựng trên nền đồn cũ Hồi Oa (Nước Xoáy) để lưu dấu thuở bôn đào của vị vua mở đầu triều đại nhà Nguyễn.

Các tài liệu lịch sử ghi chép, sau nhiều lần bại trận trước quân Tây Sơn, với lần đại bại là trận Rạch Gầm - Xoài Mút, chúa Nguyễn phải lưu vong bên Thái Lan một thời gian. Đến năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Ánh về nước đặt bản doanh đồn trú ở Hồi Oa, tức Nước Xoáy. Đây là nơi hai nguồn nước Tiền Giang và Hậu Giang giáp nối, cùng các sông rạch khác chảy dồn vào khiến cho con nước chảy xoáy vòng lại.

Đây cũng được đánh giá là nơi có địa thế thuận lợi cho chúa Nguyễn trong việc tiến quân đi các nơi. Ngược lại có nhiều yếu tố bất lợi cho việc tấn công của quân đối phương. Ngoài ra, vùng này đất đai trù phú cho nguồn lương thực, hậu cần dồi dào, dễ dàng quy tụ lòng người để củng cố lực lượng và tiến đánh các nơi.

Sách “Gia Định thành thông chí” chép rằng: “Hồi luân tam kỳ, tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long, chỗ này nước chảy xoáy quanh, là đường thông suốt bốn hướng từ nơi giao hiệp của sông Tiền, sông Hậu. Năm Đinh Mùi (1787), lúc mới Trung hưng, Thế Tổ (tức chúa Nguyễn Ánh-PV) tạm đồn trú ở đây để hiệu lịnh binh tướng các lộ, giữ lấy thế chính giữa chặn lấy nơi hiểm yếu, thu được nhiều công lớn ấy là một vùng đất có hình thắng vậy...”.

Miếu Gia Long được xây dựng trên nền đồn cũ năm xưa chúa Nguyễn đóng binh.

Cũng đề cập đến chuyện này, sách “Ðại Nam thực lục chánh biên” chép rằng: “Tháng 8 năm Ðinh Mùi (1787), Nguyễn Vương trở về đóng ở Hồi Oa, sai binh tướng đắp xây thành lũy bằng đất. Hoàng Văn Trương và Tống Phước Ngạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Ðoài đóng bên hữu. Quân Tây Sơn kéo đến đắp lũy bao vây, hai bên đánh nhau suốt mấy ngày không phân định thắng thua. Nguyễn Vương nghe lời tham mưu chế ra súng bằng gỗ, lấy hột cau khô kết làm đạn, bắn hiệu quả vô cùng; quân Tây Sơn phải rút lui…”.

Trong cuốn “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” xuất bản năm 1909, tác giả Nguyễn Liên Phong cũng có đoạn ghi ghép về sự việc này: “...Chỗ sông Nước Xoáy tác quanh chảy dồn. Hồi Luân chữ đặt lưu tồn. Cao hoàng thuở trước ngự đồn đóng binh”.

Trong thời gian đóng quân ở đồn Hồi Oa, Nguyễn Ánh đã tạo được nhiều thiện cảm đối với dân chúng. Nhiều gia đình đã không tiếc tiền của công sức, sẵn sàng góp gạo và lương thực, xung phong phục vụ hậu cần cho quân lính chúa Nguyễn. Về sau Nguyễn Ánh thấy Nước Xoáy là một nơi nhân hoà, địa lợi, nơi giúp cho ông trung hưng phục nghiệp, nên cho đổi tên Nước Xoáy thành Long Hưng.

Khi chúa Nguyễn cùng quân binh rời khỏi đồn cũ Hồi Oa, khu vực này được trả lại cho dân làng. Như để lưu giữ dấu tích về nơi nhà vua từng dừng chân trên hành trình khôi phục cơ nghiệp tổ tiên, người làng không phá bỏ mà giữ gìn nền đồn cũ qua năm tháng. Đến năm 1819, vua Gia Long băng hà, dân làng thương nhớ dựng ngôi miếu nhỏ bằng tre lá trên nền đồn năm xưa để thờ cúng.

Có ý kiến cho rằng, miếu Gia Long được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sách “Sa Ðéc nhơn vật chí” của Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Cứng viết rằng, vào năm 1849, Tổng Ðốc An Hà là Doãn Uẩn khi đi qua nơi đây đã cho dựng bia kỷ niệm tại nền đồn. Năm 1920, khi làm chủ quận Lai Vung, ông Nguyễn Ðăng Khoa thường đến đây thăm viếng, chiêm bái và nhắc nhở dân địa phương trông nom gìn giữ.

Miếu được xây dựng với kiến trúc đơn giản với diện tích khiêm tốn nhưng nổi tiếng tôn nghiêm và linh thiêng.

Những năm đầu thời Việt Nam Cộng hòa, miếu bị hư hại, xuống cấp và được trùng tu, xây dựng bằng gạch, gọi là “Cao Hoàng thái miếu”. Vị quan đầu tỉnh vùng này khi đó đã dâng cúng một cặp sư tử đá đến nay vẫn còn tại miếu. Người làng cũng cắt cử một người lo việc trông coi, hương khói tại miếu.

Sau năm 1975, ngôi miếu và khuôn viên nhiều lần được tôn tạo, sửa chữa. Trước miếu có đỉnh hương bằng đá mài, hai bên cửa miếu là cặp sư tử đá. Miếu có diện tích khá khiêm tốn chừng hơn 15m2, bên trong bài trí đơn giản bàn thờ và bài vị vua Gia Long cùng với bàn thờ Tả Ban - Hữu Ban bắt trên tường. Hàng năm vào ngày 18-19 tháng Chạp (ngày mất của vua Gia Long), nhân dân tổ chức cúng giỗ trang trọng.

Ly kỳ chuyện gốc cây vua ngồi

Nếu miếu Gia Long ra đời sau khi vua Gia Long mất thì “cây đa bến ngự” (còn gọi là “cây da bến ngự”-PV) đã có từ những ngày đầu chúa Nguyễn xây dựng đồn cũ Hồi Oa. Chuyện là trong thời gian đóng đồn tại đây, chúa Nguyễn thường đến cội đa cạnh rạch Nước Xoáy (Long Hưng) để câu cá. Nhân dân sau tôn kính gọi chỗ ấy là “cây đa bến ngự”.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1946, dân làng Long Hưng đã đào gốc “cây đa bến ngự”, cho nó bật rễ ngã xuống rạch Nước Xoáy để làm chỗ tựa đắp cản ngăn tàu giặc Pháp. Hơn chục năm sau đó, khi Cao Hoàng thái miếu được xây dựng xong, có người dân mang cây đa nhỏ đến trồng cạnh miếu, thay thế “cây đa bến ngự” ngày xưa, chính là cây đa to lớn đằng sau cánh cổng khuôn viên miếu người ta thấy bây giờ.

Điều thú vị, cây đa xưa dù đã không còn nữa nhưng sau hàng trăm năm người ta vẫn còn nhắc nhớ với những lưu truyền dân gian đầy tính ly kỳ. Truyền rằng, cạnh gốc đa cổ thụ khi đó còn có một cây sao lớn, chu vi đến 2 người ôm, nơi chúa Nguyễn thường ngồi. Sau khi chúa Nguyễn thống nhất sơn hà, về kinh đô lên ngôi vua thì cây đa ngày một tốt tươi, cây sao cũng sinh trưởng nhưng dần nghiêng mình xuống dòng nước, ngâm thân dưới mặt nước.

Bàn thờ vua Gia Long.

Thấy cây sao ngâm mình dưới nước và mỗi ngày thêm tươi tốt, một người chài lưới trong lúc đi thuyền đến đây thì dừng lại bàn tính với vợ con tìm cách đốn vớt gốc cây lên để đem bán cho đám thợ thuyền. Biết rằng gốc cây sao bán được khá tiền nhưng người vợ can chồng rằng, đó là dấu tích của nhà vua lưu lại, người làng ai cũng giữ gìn. Kẻ nào dám mạo phạm thì khó tránh khỏi tai họa.

Người chồng nghe vậy cười lạt, bỏ ngoài tai những lời khuyên của vợ, bảo rằng cây cối có phải của riêng ai mà phải sợ. Nói rồi nhảy tõm xuống nước tìm cách lặn mò thân cây để tìm cách đưa lên. Anh ta vừa chạm vào thân cây thì toàn thân đau đớn quằn quại, vừa gào thét kêu cứu vừa luôn mồm cầu xin đấng bề trên tha tội. Vợ con ngồi trên thuyền nhìn cảnh tượng chỉ biết tái mặt, há hốc mồm kinh ngạc.

Người làng nghe ồn ào chạy tới xem, có người cho là anh chài lưới bị thần linh quở phạt. Nhưng trong đám người làng không phải ai cũng tin theo, có mấy người hiếu kỳ sau đó lén ra tay đốn gốc cây sao ấy. Kết cục là ai làm tổn hại thân cây thì đều gặp chung hiện tượng. Ai biết khấn xin thì hết đau đớn, người ngoan cố thì bị hành cho ốm đau liệt giường. Năm tháng bể dâu, cả cây đa bến ngự và cây sao cổ thụ sau này đều không còn, nhưng câu chuyện lạ kỳ trên vẫn được các thế hệ lưu truyền.

Miếu Gia Long hàng trăm năm qua được người dân xem như là chốn linh địa, tôn kính gìn giữ. Đó như là cách mà người dân gửi gắm tình cảm, tưởng nhớ đến vị vua từng gắn bó đất này, được nhân dân phò trợ giữa lúc gian nan mà làm nên cơ nghiệp. Nơi đây nhắc nhớ về các bậc tiền nhân đã dày công khai mở đất đai về phương Nam dưới thời các chúa Nguyễn, mà thành quả là vùng đất trù phú, nghĩa tình bây giờ.

Ngoài các ngày cúng lễ hàng tháng và ngày lễ giỗ tổ chức trịnh trọng hàng năm, thường ngày người dân mỗi khi qua lại nơi này thường ghé vào miếu hương khói cầu gia đạo bình an, mạnh khỏe và những điều tốt lành.

Đọc thêm