Hình ảnh bà Yokohama Mary trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật. |
Yokohama Mary là một huyền thoại của thành phố Yokohama (Nhật Bản). Bà cụ với chiếc váy trắng tinh khôi và lớp trang điểm đặc trưng của những nàng Geisha từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân thành phố. Thế nhưng thân phận và cuộc đời của bà vẫn là một ẩn số. Câu chuyện về cụ bà Mary được lan truyền như một giai thoại và trở thành nguồn cảm hứng cho những người làm nghệ thuật.
Cụ bà kỳ lạ
Nhiều năm qua, cái tên Yokohama Mary gần như trở thành một truyền thuyết của thành phố. Những người dân địa phương ít nhiều đều đã từng được nghe kể về người phụ nữ bí ẩn này và có người còn từng nhìn thấy cụ bà Mary trên các con phố. Lúc nào bà cũng mặc bộ váy trắng tinh và lang thang một mình.
Mái tóc điểm màu bạc của năm tháng được vấn lên gọn gàng. Khuôn mặt già nua phủ lớp phấn dày cùng đường kẻ mắt đen khiến cho diện mạo có phần kì dị. Lớp trang điểm đậm như để che đi nỗi buồn và sự cô đơn ẩn chứa trong tâm hồn của người phụ nữ vô gia cư.
Bà Yokohama Mary. |
Có người nói Mary từng xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Life. Những người khác thì cho rằng bà ấy không phải là người vô gia cư mà sống trong một khu sang trọng tại quận Yamate đắt đỏ. Thậm chí còn có tin đồn Mary là hậu duệ của gia đình Hoàng gia bị thất sủng, từng được gọi là “nữ hoàng”. Chẳng một ai thực sự biết rõ về xuất thân hay cuộc đời của bà.
Năm 1995, hình dáng cụ bà quen thuộc đột ngột biến mất khỏi các con phố Yokohama. Có thể bà đã qua đời hoặc có thể là đã trở về quê hương, trải qua phần đời còn lại trong viện dưỡng lão ở Fukushima hoặc Hiroshima. Và từ đó, câu chuyện về cuộc đời bà Mary thành giai thoạilan truyền qua năm tháng. Giai thoại kể về một người phụ nữ dùng nửa cuộc đời chờ người mình thương quay trở về.
40 năm mong ngóng một lời hứa
Yokohama Mary tuổi 20 là một cô gái giải khuây. Năm 1946, nàng Mary 25 tuổi trở thành “pan-pan” (những cô gái đứng đường hành nghề mại dâm phục vụ cho quân đội Mỹ chiếm đóng tại Nhật Bản). Thời còn trẻ, bà được biết đến không chỉ là một người có nhan sắc mà còn rất đa tài. Bà biết chơi đàn dương cầm, viết chữ thư pháp và thông thạo cả tiếng Anh. Mary là hoa khôi được săn đón lúc bấy giờ.
Năm 1954, ở độ tuổi 33, bà rơi vào lưới tình với một sĩ quan người Mỹ. Vì tình yêu, bà theo người sĩ quan đến thành phố Yokosuka. Khi này bà vẫn là một người phụ nữ có khuôn mặt diễm lệ, khoác lên mình những bộ trang phục thời thượng. Vẻ ngoài xinh đẹp cùng tài hoa giúp Mary nhận được vô số lời tán thưởng và ngưỡng mộ. Thậm chí nhiều người còn gọi bà là “Kōgō heika” (Hoàng Hậu bệ hạ).
Năm 1961, Mary chuyển đến sinh sống tại Yokohama. Ở ngưỡng tuổi tứ tuần, nhan sắc của bà vẫn chưa phai nhạt. Mang một diện mạo kiêu sa, cao quý với lòng tự trọng ngút trời nhưng bà vẫn luôn lễ phép chào hỏi mọi người.
Những tưởng cuộc sống bình yên có thể cứ thế trôi qua trong êm đẹp,nhưng rồi cũng đến lúc vị sĩ quan kia phải về nước. Ngày ông rời thành phố, bà tiễn người yêu ở bến tàu. Có người nói, bà đã ôm hôn thắm thiết người mình thương. Chuyến tàu lăn bánh, Mary vẫn đuổi theo để tranh thủ ngắm nhìn bóng dáng của vị sĩ quan cho thỏa lòng tiếc nuối. Khi đoàn tàu khuất bóng, bà mới dừng lại cất tiếng hát chua xót trong dòng nước mắt chia xa.
Bởi lời hứa sẽ quay trở về của chàng sĩ quan ấy, thời gian sau đó Mary luôn ở lại thành phố Yokohama lặng lẽ chờ đợi. Bà đến quán bar Negishiya nổi tiếng nhất của thành phố để kiếm sống. Khi quán bar bị lửa thiêu rụi, Mary ở tuổi 59 không còn nhan sắc cũng chẳng có nhà, lang thang một mình trên phố. Năm tháng trôi qua, mái tóc đen đã ngả màu bạc trắng mà người bà thương thì mãi chưa trở lại.
Chờ đợi không đáng sợ, đáng sợ là không biết phải chờ đến bao giờ. Khi nhan sắc tàn phai, chẳng có gì ngoài nỗi cô đơn nhưng bà vẫn chưa quên đi lời hứa năm nào, ngày ngày trang điểm và ngóng trông vị sĩ quan của mình trong suốt 40 năm dài dằng dặc. Xót thương thay cho sự thủy chung, son sắt của người phụ nữ.
Nguồn cảm hứng cho nghệ thuật
Nakamura lớn lên tại thành phố Yokohama. Lần đầu tiên anh gặp bà Mary là khi học trung học. Nakamura nhớ lại: “Lần đầu tiên gặp bà cụ, tôi đã rất sốc bởi khuôn mặt trắng bệch và vẻ tĩnh lặng ấy. Nhìn từ xa bà trông như một bức tượng. Sau này, sự hiện diện của bà cụ trở thành điều thường thấy. Bất cứ khi nào tôi vào thành phố, sẽ luôn bắt gặp bà đang lang thang trên các con đường”.
Và rồi sự tò mò về xuất thân và cuộc đời của người phụ nữ kì lạ đã truyền cảm hứng để anh bắt đầu thực hiện những thước phim tài liệu về cụ bà Mary. Anh dành vài năm để nghiên cứu lịch sử của bàMary. Nakamura cũng tìm gặp một số người biết về Mary để tìm hiểu về cuộc đời của bà.
Năm 2006, bộ phim tài liệu của Nakamura phát hành và đoạt giải thưởng. Từng thước phim tái hiện lại cuộc sống những ngày xế chiều của một tâm hồn cô đơn, già cỗi. Trong phim, bà Mary có mặt ở mọi nơi trong thành phố. Đôi khi, bà xuất hiện bên ngoài cửa hàng bách hoá Matsuzakaya ở quận Isezakicho với khuôn mặt trang điểm trắng toát và đường kẻ mắt màu đen. Đôi khi bà đứng cạnh thang máy trong tòa nhà nào đó.
Trời tối, bà nằm ngủ ngoài hành lang cùng với đồ đạc của mình. Có lúc người ta lại thấy bà ngồi trên một chiếc ghế khắc dòng chữ với hai thứ tiếng Trung - Nhật: “Tôi yêu bạn, Mary”.Khi thu thập tư liệu để làm nên những thước phim, Nakamura phát hiện có nhiều người thực sự quan tâm và giúp đỡ bà.
Trước kia, bà Mary thường trang điểm bằng sơn. Emiko Fukunaga - chủ cửa hàng mỹ phẩm Yanagiya đã tặng Mary những hộp phấn trắng để bà có thể rửa sạch sau mỗi lần hóa trang. Một người tốt bụng khác làKimiko Yamazaki -chủ tiệmgiặt ủi Hakushinsha đã cho bà để nhờ quần áo tại cửa hàng và thay đồ bất cứ lúc nào. Thợ làm tóc Tatsu Yuda cũng thường giúp bà chải chuốt gọn gàng mái tóc bạc.
Ganjiro Nagato là một ca sĩ. Năm 1991, khi gặp tại lối vào nhà hát nơi mình sắp biểu diễn, anh đã mời bà cùng tham dự. Sau đó Nagatotừng cố gắng giúp đỡ để bà được nhận hỗ trợ cho người vô gia cư nhưng thất bại. Thỉnh thoảng, anh cho bà tiền nhưng đều bị từ chối. Mary là một người đứng đắn,bàluôn cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ và trả ơn bằng một món quà nhỏ hoặc một lá thư viết tay đẹp mắt.
Năm 1993, nhiếp ảnh gia Hideo Mori nhìn thấy Mary trong tòa nhà GM ở Isezakicho. Bà đang giúp những vị khách bấm thang máy để nhận tiền bo. Mori liền tiến tới xin phép chụp ảnh và được Mary đồng ý. Suốt một năm sau, chàng nhiếp ảnh gia luôn đi theo để chụp lại những hoạt động thường ngày của bà. Năm 1995, bộ sưu tập cuối cùng cũng hoàn thiện và xuất bản với tựa đề “Yokohama Pass: Hama no Meri-san”. Nhưng lúc này, anh không còn cơ hộicho Mary xem những bức ảnh nữa bởi bà đã biến mất khỏi các conđường của thành phố.
Một thời gian sau, đạo diễn Nakamura tìm thấy Mary trong một viện dưỡng lão. Bà rời Yokohama từ tháng 12/1995 và sống ở nơi đó với tên thật của mình. Qua những cảnh phim tài liệu có thể thấy bà đã trút bỏ lớp trang điểm đặc trưng ngày nào và sống thật thoải mái trong những ngày cuối đời. Năm 2003, Nakamura đưa người bạn cũ Nagato mắc bệnh ung thư đến gặp Mary lần cuối. Hai người cùng nhau hát vang một ca khúc và trải qua khoảng thời gian vui vẻ cùng nhau.
Tháng 1/2005, bà Mary qua đời ở tuổi 83. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bà vẫn chưa thể gặp lại người thương của mình. Lời hứa của vị sĩ quan năm nào đã trở thành kí ức đầy tiếc nuối được chôn sâu vào trái tim theo người cô phụ về bên kia thế giới.