“Giai thoại” về những “bố già” yakuza

(PLVN) -Nói đến yakuza không thể không nhắc đến những “ông trùm” khét tiếng mà tên tuổi của chúng gắn liền với chiến tích của những băng nhóm tội phạm này.

Yoshio Kodama

Trong những năm sau Chiến tranh thế giới II, số thành viên yakuza đã tăng một cách nhanh chóng, lên thành 184.000 người, chia thành 5.200 băng nhóm, hoạt động trên khắp cả nước Nhật. Số thành viên yakuza khi đó còn lớn hơn lực lượng quân đội Nhật. Việc tranh giành lãnh thổ giữa các băng nhóm là không thể tránh khỏi, kéo theo những cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc. Và, người đã đưa đến hòa bình và thống nhất yakuza chính là bố già đầu tiên trong thế kỷ 20 của nhóm này, chính là Yoshio Kodama.

Tài năng của Kodama chính là khả năng cân bằng giữa các thành viên yakuza ở cả các nhóm chính trị cánh tả lẫn cánh hữu và các băng nhóm tội phạm, dùng phe này để kiểm soát phe kia. Kodama dính líu đến nhiều hoạt động, từ tham nhũng, gián điệp cho tới các giao dịch bẩn khác. Trong thời kỳ những năm 1930-1940, “bố già” này đã thiết lập được một mạng lưới gián điệp hoạt động khá hiệu quả ở Trung Quốc và bán các thông tin nhận được cho chính phủ Nhật Bản. Ngoài ra, y cũng thu được những khoản lợi nhuận lớn từ việc vận chuyển các vật liệu như nickel, cobalt, đồng và phóng xạ. Đôi khi, Kodama còn đổi các vật liệu nói trên lấy heroin để bán kiếm lời. Kodama thậm chí còn được phong tướng hải quân và ở thời điểm chiến tranh kết thúc vào năm 1945, y sở hữu khối tài sản khoảng 175 triệu USD.

Tuy nhiên, khi quân Nhật đầu hàng phe Đồng minh, Kodama bị xếp vào nhóm tội phạm chiến tranh hạng A - mức độ được áp dụng đối với các bộ trưởng trong chính phủ hay các lãnh đạo quân sự cấp cao. Song, tên này cũng chỉ phải ngồi tù 2 năm rồi được phóng thích trong một đợt ân xá lớn.

Là một người có tư tưởng chống cộng nên Kodama sau đó đã được phe chiếm đóng chú ý. Y đóng vai trò liên lạc giữa yakuza và phe chiếm đóng, đôi khi cũng huy động các thành viên trong mạng lưới của mình cho một số chiến dịch lực lượng chiếm đóng.

Kodama cũng được cho là một nhân vật có liên quan đến vụ bê bối tai tiếng của Lockheed, với một số nguồn tin nói rằng hãng sản xuất máy bay khổng lồ đã chi cho “bố già” này hơn 2 triệu USD để làm xấu danh tiếng của các hãng McDonnell-Douglas, Boeing và tạo tiếng vang cho Lockheed tại Nhật Bản. Để làm được việc này, Kodama được cho là đã cử một nhóm người tới phá cuộc họp của các cổ đông của All Nippon Airways.

Người của hắn đã lan truyền những tin đồn rằng Chủ tịch của All Nippon Airways Tetsuo Oba đã vay trái phép hàng triệu USD. Ông Tetsuo Oba trước đó đã bác bỏ việc mua các máy bay của Lockheed cho đội máy bay chở khách mới của hãng. Những tin đồn sau đó đã buộc ông Oba phải từ chức, nhường chỗ cho một Chủ tịch mới ủng hộ việc mua máy bay của Lockheed. Một số nguồn tin nói rằng Chủ tịch của All Nippon Airways khi đó Carl Kotchian do chính Kodama lựa chọn.

Dù cảnh sát sau đó không phát hiện bằng chứng để khởi tố Kodama trong vụ việc của Lockheed nhưng trong quá trình điều tra, họ phát hiện bố già này đã trốn thuế đến hơn 6 triệu USD. Hành vi trốn thuế có hệ thống của y sau khi bị phát giác đã dấy lên sự phẫn nộ trong người dân Nhật Bản. Trên thực tế, một diễn viên trẻ đã tìm cách lao một chiế máy bay nhỏ vào ngôi nhà của Kodama ở ngoại ô Tokyo. Ông trùm này sống sót sau vụ việc nhưng đế chế của hắn đã sụp đổ. Hắn sau đó bị khởi tố về các tội khai man, hối lộ và vi phạm luật chứng khoán nhưng đã tử vong sau một cơn đột quỵ vào ngày 17/1/1984, trước khi phải ra hầu tòa.

Kazuo Taoka

Một trong những bố già được xếp vào dạng “huyền thoại” khác của yakuza là Kazuo Taoka - ông trùm của băng nhóm tội phạm lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi. Đế chế của Taoka tồn tại trong vòng 35 năm, cho đến khi hắn qua đời vào năm 1981. Trong suốt thời gian này, dưới sự lãnh đạo của Taoka, số thành viên của Yamaguchi-gumi đã tăng lên thành 13.000 tên, hiện diện ở 36 trong tổng số 47 tỉnh của Nhật khi đó. Thành viên của Yamaguchi-gumi kiểm soát hơn 2.500 doanh nghiệp, hoạt động mạnh trong lĩnh vực cờ bạc và cho vay nặng lãi cũng như trong lĩnh vực thể thao và giải trí.

Taoka lên nắm quyền tại thành phố cảng Kobe - nơi các băng nhóm dưới quyền hắn tìm mọi cách để đẩy những người lao động không có kỹ năng đi nơi khác để giành lấy quyền phục vụ cho các công ty vận tải biển các loại hình dịch vụ với giá rẻ mạt. Các băng nhóm yakuza khác cũng cạnh tranh để giành thị trường béo bở này nhưng dưới sự lãnh đạo của Taoka, Yamaguchi-gumi vẫn chiếm được thị phần lớn trong lĩnh vực lao động.

Kazuo Taoka. 

Không giống như Yoshio Kodama - người vốn coi thường bạo lực ở cấp độ đường phố - Taoka lại gắn liền với những phi vụ ẩu đả diễn ra trên các tuyến đường. Mồ côi từ thủa nhỏ, Taoka đã buộc phải làm việc trên những bến cảng ở Kobe. Lớn hơn một chút, y được thủ lĩnh một băng nhóm ở địa phương thu nạp và nhanh chóng leo lên được những “chức vụ” cao hơn nhờ vào bản tính lỳ lợm của mình.

Từ khi còn trẻ, Taoka đã chứng minh rằng hắn là một “chiến binh đường phố” vô cùng dữ tợn. Hành động được “cộp” mác đối tượng này chính là việc dùng tay để móc mắt đối phương, khiến hắn được đặt cho biệt danh Kuma, nghĩa là Con Gấu. Năm 1936, ở tuổi 23, Taoka bị kết án 8 năm tù giam vì tội sát hại một thành viên của băng nhóm đối thủ.

Khi được tha tù vào năm 1943, Taoka nhanh chóng được thu nhận lại vào băng nhóm cũ và đến năm 1946, y chính thức trở thành thủ lĩnh của băng nhóm này sau cái chết của kẻ cầm đầu băng nhóm lúc bấy giờ. Dưới thời của thủ lĩnh cũ, do các cuộc bố ráp của cảnh sát và quân đội nên sức mạnh của Yamaguchi-gumi đã sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi Taoka lên nắm quyền, uy thế của băng nhóm này đã nhanh chóng tăng lên. Tài tổ chức và bản tính hung hãn vốn có của hắn đã giúp Yamaguchi-gumi trở thành băng nhóm yakuza hàng đầu của Nhật Bản, đặc biệt là sau những vụ thâu tóm các băng đối thủ.

Năm 1972, Kodama đã đạt được một thỏa thuận lịch sử giữa Yamaguchi-gumi và băng nhóm mạnh nhất Tokyo lúc bấy giờ là Inagawa-kai. Theo thỏa thuận này, liên minh Yamaguchi-Inagawa đã tạo ra ra được một tổ chức yakuza khổng lồ, chỉ để lọt 4 tỉnh của Nhật Bản ngoài tầm kiểm soát.

Tháng 7/1978, ở tuổi 65, Taoka đã thoát chết trong một vụ ám sát ở hộp đêm Bel Ami tại Kyoto. Tại thời điểm đó, một thanh niên trẻ tên Kiyoshi Narumi đã tiến về phía bàn của bố già, rút khẩu súng 38 li ra và bắt đầu nhả đạn. Dù khi đó đang có 5 vệ sỹ vây quanh nhưng Taoka vẫn bị bắn trúng cổ và được đưa tới bệnh viện ngay lập tức, còn kẻ ám sát đã nhanh chân trốn thoát.

Narumi là thành viên của băng Matsuda, có thủ lĩnh đã thiệt mạng trong một cuộc giao tranh đẫm máu với Yamaguchi-gumi. Một vài thành viên trong băng nhóm Matsuda, bao gồm Narumi, đã uống tro của thủ lĩnh và thề sẽ trả thù cho ông trùm. Taoka sau đó thoát chết nhưng kẻ ám sát Narumi vài tuần sau đó được phát hiện đã tử vong trong một khu rừng gần Kobe.

3 năm sau đó, Taoka qua đời sau một cơn đau tim. Đám tang của ông ta là sự kiện thu hút sự tham dự của rất nhiều thành viên cộm cán của Yamaguchi-gumi từ khắp nơi trên nước Nhật cũng như nhiều ngôi sao nổi tiếng trong giới giải trí. 1.300 cảnh sát đã được huy động để làm nhiệm vụ duy trì trật tự. Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản sau đó đã tận dụng khoảng thời gian để tang 3 tháng để tăng cường trấn áp và bắt giữ 900 thành viên Yamaguchi với hy vọng có thể khiến băng nhóm này suy yếu sau cái chết của ông trùm.

Thực ra, trước khi chết, Taoka đã chọn cho mình người kế nhiệm nhưng ở thời điểm ông trùm này qua đời, người kế nhiệm lại đang ngồi tù. Do vậy, vợ góa của hắn là Fumiko đã lên nắm quyền và ngăn chặn được nguy cơ đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ nhóm. Chính sự mạnh mẽ của bà ta đã giúp cho Yamaguchi-gumi duy trì được trật tự cho đến khi người kế nhiệm khác sau đó được lựa chọn.

(Còn nữa)

Đọc thêm