Giảm giá, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển gặp khó do COVID - 19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhằm chia sẻ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chạy tuyến nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp hoa tiêu và lai dắt tàu biển giảm giá và được các doanh nghiệp này đồng ý, bắt đầu từ 1/8/2021.
Đã có ít nhất 8/12 doanh nghiệp hoa tiêu hàng hải giảm giá dịch vụ với đội tàu hoạt động tuyến nội địa.
Đã có ít nhất 8/12 doanh nghiệp hoa tiêu hàng hải giảm giá dịch vụ với đội tàu hoạt động tuyến nội địa.

Giá dịch vụ giảm 10%

Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam vừa ký ban hành Văn bản số 2668/CHHVN-VTDVHH kêu gọi các doanh nghiệp (DN) hoa tiêu, lai dắt giảm giá dịch vụ cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, hỗ trợ DN vận tải biển Việt Nam trong thời gian dịch COVID-19, góp phần giảm chi phí vận tải biển.

Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam kêu gọi các công ty hoa tiêu hàng hải và công ty lai dắt tàu biển áp dụng mức giá dịch vụ tối thiểu quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đối với tàu, thuyền Việt Nam hoạt động trên tuyến nội địa.

Sau lời kêu gọi của lãnh đạo Cục Hàng hải, các DN hoa tiêu hàng hải và lai dắt tàu biển đã đồng loạt giảm giá, cam kết bắt đầu thực hiện từ ngày 1/8/2021 đến hết năm 2021.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, ít nhất đã có 8/12 DN hoa tiêu hàng hải đồng ý giảm giá 10% đối với tàu Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, bao gồm Hoa tiêu I, Hoa tiêu II, Hoa tiêu III, Hoa tiêu IV, Hoa tiêu VI, Hoa tiêu VII, Hoa tiêu Tân cảng và Hoa tiêu Vũng Tàu. Trong khi đó, các DN lai dắt tàu biển tại các khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng mức giảm 10% từ năm 2020 đến nay.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đơn vị này đã từng kêu gọi các DN hoa tiêu và lai dắt giảm giá dịch vụ sau khi Việt Nam bùng phát dịch COVID-19 từ năm 2020. Từ đó, các DN này đã có nhiều chính sách giảm giá dịch vụ đối với tàu, thuyền Việt Nam hoạt động trên tuyến nội địa.

“Cục Hàng hải Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao các công ty hoa tiêu và lai dắt tàu biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm cho tàu thuyền ra, vào hoạt động tại các cảng biển an toàn trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh và diễn biến phức tạp như hiện nay”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Cục này cũng đề nghị các cảng vụ hàng hải tiếp tục phổ biến, tuyên truyền đến các công ty hoa tiêu hàng hải, công ty lai dắt tàu biển tại khu vực giảm giá dịch vụ sâu hơn nhằm hỗ trợ DN vận tải biển Việt Nam vượt qua những khó khăn được dự báo sẽ nhiều hơn trong thời gian tới khi dịch bệnh kéo dài.

Phòng dịch để hàng hóa thông suốt qua cảng

Trong một diễn biến khác, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã quán triệt chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các DN cảng áp dụng các giải pháp phòng dịch ở mức cao tại khu vực cảng biển nhằm bảo đảm hàng hóa vận chuyển thông suốt qua cảng.

Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang, đến thời điểm này, ngành Hàng hải vẫn duy trì hoạt động an toàn, thông suốt và hiệu quả. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm từ các hướng tiếp cận đến cảng biển hiện nay là rất cao, bao gồm tàu biển, phương tiện thủy nội địa, ô tô ra vào cảng và nhân viên bốc xếp, hoa tiêu…

Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị hàng hải đã xây dựng phương án phòng chống dịch cho tàu thuyền ra, vào làm hàng, phù hợp với đặc điểm và tình hình địa phương, đảm bảo mục tiêu giao thông thuận lợi, hàng hóa không bị ách tắc. Trong đó, các thủ tục điện tử được đẩy mạnh triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho DN hàng hải.

“Hiện nay các cảng vụ hàng hải nói chung và cảng vụ hàng hải nằm trong khu vực giãn cách xã hội nói riêng vẫn kiểm soát được tình hình dịch; các sự cố phát sinh được giải quyết, tháo gỡ kịp thời”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá.

Tuy nhiên, các cảng vụ hàng hải phải luôn phối hợp chặt chẽ với DN cảng tăng cường kiểm soát lực lượng lái xe ra, vào cảng. Tại các địa phương giãn cách xã hội, để đảm bảo an toàn tại khu vực cảng biển, các lái xe ra vào cảng bắt buộc phải khai báo y tế và tiến hành xét nghiệm COVID-19 theo chỉ đạo của các địa phương.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm