Giảm giá ỡm ờ, lừa khách ghé thăm dịp cuối năm

(PLO) - Nhiều chiêu trò khuyến mãi mang tính chất đánh bóng hơn là thực chất làm mất đần đi niềm tin từ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những tấm băng rôn "khuyến mãi, giảm giá" (Ảnh minh họa))
Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những tấm băng rôn "khuyến mãi, giảm giá" (Ảnh minh họa))

Giăng biển đánh lừa

Dịp cuối năm dễ dàng bắt gặp những tấm biển đầy kích thích: “Thanh lý cửa hàng, bán cắt lỗ”, “Bán lẻ rẻ hơn bán buôn”, “Sale off 50%”, “Hết tết trả cửa hàng, giá thanh lý rẻ như cho”…
Sự thực đến đâu?

Sáng 9/1, anh Hải (quận Đống Đa, Hà Nội) đến một trung tâm thương mại trên phố Bà Triệu. Tới gian hàng quần áo anh bị mê hoặc bởi tấm biển “Giảm giá 50-60%” của nhãn hiệu quần bò nổi tiếng Levis’.

“Cứ tin thế và mải mê chọn, mỗi chiếc quần ở đây có giá 1-3 triệu, nghĩ được giảm 50%, chọn xong tôi hỏi nhân viên thì họ nói sản phẩm giảm giá đã hết” - anh Hải kể và cho biết đây là lần thứ hai anh “mắc lừa” ở đây và sẽ không có lần thứ ba.

Hôm 10/1 vợ chồng chị Hằng, anh Công (quận Hai Bà Trưng) đưa hai con gái đi mua sắm quần áo trên phố Chùa Bộc. Cứ thấy biển “giảm giá” là họ vào, nhưng chỉ chuốc lấy thất vọng.

“Rút kinh nghiệm cửa hàng đầu tiên, khi vào các cửa hàng sau tôi đều hỏi giá trước nhưng họ ỡm ờ. Đến khi ra thanh toán họ nói đã hết hàng khuyến mãi nên đành trả lại. Thật mất thời gian” - chị Hằng kể.

Mất niềm tin vào cửa hàng treo biển khuyến mại, giảm giá, cặp vợ chồng này vào một cửa hàng “Made in Việt Nam”, mua nhiều nên họ được khuyến mại. Anh Công chia sẻ: “Số tiền giảm không lớn nhưng đỡ mất thời gian và không có cảm giác bị lừa”.
“Họ không nên treo biển khuyến mại, giảm giá nữa. Chỉ đến lần thứ hai khách hàng sẽ không còn tin, và không bao giờ quay lại” - Trang (sinh viên Cao đẳng múa) bày tỏ sau khi bị một cửa hàng quần áo tại Cầu Giấy “lừa” vì tin vào tấm biển: “Giảm 70% cho sinh viên”.
                      Sát tết nguyên đán, những tấm biển như thế này xuất hiện ngày càng nhiểu (Ảnh Q.M)
Sát tết nguyên đán, những tấm biển như thế này xuất hiện ngày càng nhiểu (Ảnh Q.M) 
Theo khảo sát, hiện tại nhiều hệ thống siêu thị đồ gia dụng, cửa hàng điện điện tử điện máy tại Hà Nội đang vào mùa cao điểm chạy các chương trình khuyến mại. Song người tiêu dùng tỏ ra e dè với các chương trình khuyến mại.
“Không hòng “ăn” được cái gì đâu. Họ đẩy giá lên cao rồi bán với giá họ muốn” - chị Huyền (quận Thanh Xuân) nghi ngờ và tin rằng nhiều người có suy nghĩ giống mình.  
Không được khuyến mại quá 50%

“Rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt họ thực tâm muốn tri ân khách hàng, chia sẻ điều mình có từ khách hàng” - giám đốc một chi nhánh ngân hàng cho biết.

Theo giám đốc nhà băng này, dịp cuối năm các ngân hàng cũng là những đơn vị đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, nhằm vào đối tượng gửi tiền tiết kiệm, khách hàng bán lẻ cá nhân.

“Khuyến mại phải xuất phát từ tư duy đôi bên cùng có lợi, mới mong thu hút được người tiêu dùng đến và gắn bó” - anh Trung, giám đốc makerting một siêu thị điện máy, nói.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khẳng định không có dấu hiệu về hành vi bán dưới giá thành do không có DN nào đủ sức mạnh chi phối toàn bộ thị trường và chế độ bảo hành nên dù khuyến mại “khủng” đến cỡ nào, người tiêu dùng vẫn khó được hưởng giá bán thấp hơn giá thực của sản phẩm. 

Một đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời điểm này đơn vị chức năng của Sở luôn theo dõi sát sao diễn tiến thị trường. Những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh sẽ bị xử lý nghiêm.

“Với DN sẽ dễ dàng xử lý, song họ đã có nhiều bài học cho chiêu trò tung khuyến mại ảo. Nhưng với cửa hàng, đại lý bán lẻ sẽ khó hơn. Họ không chịu nhiều ràng buộc từ Luật Canh tranh và họ thường chỉ trưng biển kéo khách” - đại diện Sở Công thương, nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, thời điểm cuối năm, để chuẩn bị ra mắt những mặt hàng mới, thường có chương trình khuyến mại giảm giá để xả hàng. Tuy nhiên, người mua nên tỉnh táo trước các thông tin khuyến mại này.

Luật Thương mại 2005, và nghị định 37 hướng dẫn thi hành quy định: DN không được khuyến mãi bằng hình thức giảm giá vượt quá 50% giá bán sản phẩm.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động khuyến mại bị ngăn cấm bởi Luật Cạnh tranh, gồm: Tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng; Khuyến mại không trung thực gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng; Phân biệt đối xử với khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khác nhau trong cùng một chương trình khuyến mại. Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hóa cùng loại do DN khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình.

Đọc thêm