"Giảm vi phạm bản quyền phần mềm tạo nhiều việc làm tốt"

Các nhà phát triển phần mềm Việt Nam cho biết, cách tốt nhất để tạo ra được những việc làm kĩ thuật cao, chất lượng cao với mức lương cao là giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam từ mức 83% xuống gần hơn với tỉ lệ trung bình của khu vực là 60%...
Các nhà phát triển phần mềm Việt Nam cho biết, cách tốt nhất để tạo ra được những việc làm kĩ thuật cao, chất lượng cao với mức lương cao là giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam từ mức 83% xuống gần hơn với tỉ lệ trung bình của khu vực là 60%.

Các nhà phát triển phần mềm hàng đầu Việt Nam thống nhất với ý kiến rằng, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực cần thiết để trở thành một nhân tố năng động và có tầm ảnh hưởng trong nền công nghiệp phần mềm thế giới.

Họ cũng đồng ý rằng, những hành động ngăn chặn các đối tượng vi phạm bản quyền phần mềm gần đây như việc thanh tra phát hiện 4 công ty sử dụng phần mềm bất hợp pháp có giá trị lên đến gần 1 triệu USD hồi tháng 9 đã tạo nên một tác động tích cực.
Ông Hà Thân (trái) và ông Nguyễn Minh Đức (phải).
Theo ông Hà Thân, Giám đốc Công ty Lạc Việt, việc giảm vi phạm bản quyền phần mềm sẽ làm tăng đáng kể khả năng tạo ra việc làm mới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc An ninh mạng BKIS nhận định: “Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao tại Việt Nam là một rào cản cho việc tăng số việc làm trong ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam”.

Cả ông Đức và ông Thân đều cho rằng, trong số các công ty sử dụng phần mềm trái phép, có nhiều công ty có vốn đầu tư lớn vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật bản quyền Việt Nam bằng cách sử dụng phần mềm không có giấy phép hoặc sử dụng quá mức giấy phép cho phép trong các hoạt động kinh doanh của mình.

Khác với 10 năm trước đây, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin đã dần chậm lại, làm cho nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường có trình độ nhưng phải thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm các công việc không liên quan đến CNTT trên thị trường.

Theo một báo cáo từ Dự án Giáo  dục đại học của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, tỉ lệ sinh viên CNTT tốt nghiệp không có việc làm năm 2010 cao nhất trong những năm vừa qua, ở mức 12,38%.

Vấn nạn xài “chùa” phần mềm thật sự làm nản lòng các nhà phát triển phần mềm và ngăn cản việc mở rộng kinh doanh của những công ty này. Điều này dẫn đến số lượng việc làm trong ngành CNTT ít hơn,  đổi mới ít hơn, nguồn thu từ thuế cho nhà nước thấp đi và mức tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Ông Thân nhận định: “Tác động của nạn vi phạm bản quyền phần mềm ảnh hưởng tới tất cả những ai làm việc trong ngành CNTT, bao gồm các nhà phân phối, nhà bán lẻ, các đối tác trong chuỗi cung ứng mà hầu hết họ là công ty trong nước. Kết quả là nhà nước thất thoát nguồn thu thuế trong lĩnh vực CNTT vì thu nhập của các doanh nghiệp CNTT giảm. Nếu việc tuân thủ bản quyền phần mềm được cải thiện thì có lẽ số việc làm công nghệ cao với mức thu nhập cao được tạo ra trong lĩnh vực CNTT sẽ cao hơn”.

Theo nghiên cứu trong năm 2010 của Công ty nghiên cứu IDC, ước tính nếu tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cá nhân Việt Nam giảm 10% trong vòng 4 năm thì sẽ có thêm 2.100 việc làm CNTT được tạo ra, với các các hoạt động kinh tế trị giá 1,17 tỷ USD và sẽ có thêm 60 triệu USD được bổ sung cho nguồn thu thuế của nhà nước.

Ông Đức đúc kết: “Tất cả các bên liên quan  gồm chính phủ, các hiệp hội ngành và người dân Việt Nam đều có vai trò trong việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm. Đây là thời điểm để tất cả chúng ta phải nhận thấy tác động của nạn ăn cắp phần mềm và phải đấu tranh bảo vệ quyền của các nhà sáng tạo”.
Ông Hawkes, Chủ tịch Rochdale Spears cho biết: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã đầu tư nhiều cho phần mềm chính hãng. Là một công ty đa quốc gia, chúng tôi muốn đảm bảo luôn tuân thủ chuẩn quốc tế trong mọi lĩnh vực doanh nghiệp. Hiện nay, với luật mới “Nhà sản xuất Việt Nam gắn với luật mới của Mỹ về bản quyền phần mềm” tại Mỹ,  chúng tôi  nghĩ là, các công ty cạnh tranh từ  Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác cũng sẽ được yêu cầu sử dụng phần mềm chính hãng".

Tại Việt Nam, tầm quan trọng của thị trường Mỹ cho các nhà xuất khẩu được củng cố năm 2001 nhờ phê chuẩn hiệp định thương mại cho giảm thuế quan đối với lô hàng Việt Nam từ 40% về 3%. Nhờ đó, Rochdale Spears xuất khẩu 90% sản phẩm của mình sang Mỹ.


P.Nam

Đọc thêm