Gián điệp “nằm vùng” suốt 18 năm gây ra vụ rò rỉ thông tin lớn nhất cho Hải quân Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong vòng 18 năm làm gián điệp cho Liên Xô, John Walker là người đứng đầu đường dây gián điệp bao gồm toàn người cùng nhà...
John Walker.
John Walker.

John Walker không phải là cái tên được người ta nhớ đến ngay khi nói về hoạt động gián điệp. Nhưng trong 18 năm làm gián điệp cho Liên Xô, ông ta là người đứng đầu đường dây gián điệp bao gồm toàn người cùng nhà, gây ra vụ rò rỉ gây thiệt hại nặng nề nhất trong sử của Hải quân Mỹ. Hành động của ông ta cũng được cho là khiến Chiến tranh Lạnh trở nên “nóng” hơn.

Bi kịch của hai thế hệ

John Anthony Walker Jr. gia nhập lực lượng hải quân Mỹ năm 1955 với vai trò một nhân viên điện đài chuyên phục vụ trên tàu khu trục. Lúc bấy giờ, ông ta được đặt cho biệt danh “Jack cười” vì luôn vui vẻ với nụ cười thường trực trên môi. Nhìn vào Walker khi đó, ít ai biết được rằng ông ta đã trải qua tuổi thơ vô cùng khổ cực vì có người cha nát rượu đến mức bị công ty đuổi việc. Cả gia đình Walker vì thế phải sống trong căn nhà tồi tàn, thiếu thốn trăm bề.

Tuổi thơ khó nhọc khiến Walker luôn mang trong mình ý chí phấn đấu. Sau khi được tiếp nhận vào lực lượng hải quân, nhờ chăm chỉ và năng nổ, ông ta được cho đi học tại trường đào tạo về tàu ngầm. Hoàn thành khóa học, ông ta được điều làm việc tại tàu Razorback hoạt động ở Thái Bình Dương. Trong thời gian này, ông ta đã thi qua Chương trình nhân sự tin cậy – một cuộc đánh giá về tâm lý để đảm bảo rằng chỉ những nhân viên đáng tin cậy nhất mới được tiếp cận các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Tiếp sau đó là quãng thời gian Walker hoạt động tích cực và cũng nhận được đánh giá đầy triển vọng. Từ một nhân viên điện đàm, ông ta dần được cất nhắc lên thành sĩ quan chỉ huy, được giao điều hành hệ thống điện đàm trên 6 tàu của Mỹ, trong đó có một tàu ngầm tên lửa hạt nhân.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Walker dường như lại tỉ lệ nghịch với sự thành công trong cuộc sống của ông ta. Đặc biệt, giữa ông ta và cha có điểm giống nhau ở chỗ cả 2 đều gặp khó khăn về tài chính, phải chật vật tìm mọi cách để kiếm đủ tiền lo cho vợ và các con. Có điều, với trường hợp của người cha, lỗi lầm là do ông ta say rượu thì với Walker - vợ của ông lại là người gây rắc rối khi nghiện rượu, bỏ bê gia đình.

Trong bối cảnh như vậy, gián điệp là cách thức mà Walker lựa chọn để giải quyết những khó khăn.

John Walker bị bắt giữ và dẫn giải.John Walker bị bắt giữ và dẫn giải.

Mầm mống tai họa

Một ngày gió rét tháng 10/1967, một chiếc xe hơi thể thao màu đỏ tiến thẳng vào Đại sứ quán Liên Xô tại Washington. Người lái xe nhanh nhẹn bước xuống và đề nghị được gặp nhân viên an ninh của Đại sứ quán. Trên tay người này là một tập tài liệu khá dày.

Người đứng đầu KGB tại Đại sứ quán của Liên Xô khi đó là Boris A. Solomatin ngay lập tức xác định những thông tin mà người đàn ông mang tới, bao gồm các mã số mã hóa mới nhất sử dụng trong việc truyền tin của Mỹ là thật. Thỏa thuận hợp tác nhanh chóng được 2 bên gật đầu, theo đó người đàn ông lạ mặt sẽ cung cấp tin mật của Mỹ cho Liên Xô, đổi lại, điều kiện duy nhất ông ta đặt ra là tiền.

Người đàn ông được nói đến ở đây chính là Walker - lúc bấy giờ đang giữ vai trò sĩ quan giám sát tại trụ sở Hạm đội tàu ngầm Đại Tây Dương của Mỹ. Một ngày trước khi đến Đại sứ quán Liên Xô, ông ta đã sao chép một tập tài liệu được lưu trữ tại nhiệm sở. Ngay khi bước ra khỏi tòa đại sứ, Walker đã có được vài nghìn USD trong túi - số tiền không nhỏ thời bấy giờ. Chuyến viếng thăm bất ngờ của ông ta cũng là sự kiện mở màn cho vụ gián điệp gây tổn hại nặng nề nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ.

Theo thỏa thuận, Walker chỉ chuyển tài liệu cho KGB 2 lần mỗi năm. Tuy nhiên, các thông tin mà ông ta chuyển đi đều là những thông tin quan trọng, bao gồm các chỉ thị hoạt động, phương án chiến tranh, các thông tin kỹ thuật và nhiều thông tin mật khác.

Về bản chất, những thông tin này cho phép Moscow giám sát được các hoạt động của Hải quân Mỹ trên khắp thế giới, đặc biệt là các tàu ngầm, cũng như khiến các tàu ngầm của họ ít bị phát hiện hơn.

Mức độ thiệt hại chính xác của những hành vi gián điệp của Walker cho đến nay là điều chưa đong đếm được rõ nhưng một điệp viên Liên Xô đào tẩu từng nói rằng những bí mật do ông ta chuyển cho phía Moscow có thể thay đổi số phận của bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữa 2 siêu cường nếu nổ ra.

Điều đáng nói ở đây là trong khi khá may mắn vì vượt qua được hết các hàng rào an ninh ở công sở thì Walker lại bị vợ nghi ngờ ngoại tình. Để chứng minh rằng mình trong sạch, Walker thú nhận việc làm của mình, thậm chí còn đưa vợ tới một điểm trao tài liệu, bất chấp cảnh báo của KGB.

Về sau, Walker bị điều sang bộ phận khác nên không còn tiếp cận được những thông tin tuyệt mật như trước. Thêm vào đó, an ninh cũng được thắt chặt khiến cho việc chuyển tin khó khăn hơn.

Do đó, ông ta quyết định rời khỏi lực lượng Hải quân Mỹ và thay vì tự làm gián điệp, ông ta bắt tay vào xây dựng một mạng lưới gián điệp do chính mình quản lý. Nhân vật đầu tiên trong mạng lưới điệp viên của Walker là một người bạn cũ của ông ta trong lực lượng hải quân tên Jerry Whitworth, cũng từng là một sĩ quan phụ trách mảng điện đàm.

Ban đầu, Whitworth hoạt động khá năng nổ và đã tuồn cho Walker khá nhiều tin mật, đến mức ông ta đề nghị KGB tăng mật độ trao đổi thông tin nhưng bị từ chối. Song, khi một nhóm điều tra của Hải quân Mỹ đến đơn vị của Whitworth để điều tra một vụ án hiếp dâm, vốn “có tật giật mình” nên dù chưa để lộ bất cứ manh mối gì nhưng ông ta vẫn hoảng sợ.

Nhận thấy rõ Whitworth ngày càng do dự, năm 1983, Walker một lần nữa bất chấp lời hứa và quyết định lôi kéo con trai tên Michael vừa được nhận vào phòng quản lý tàu Nimitz cùng tham gia hoạt động gián điệp. Tổng cộng, Michael đã sao chép hơn 1.500 tài liệu của Mỹ để chuyển cho KGB, bao gồm thông tin về hệ thống vũ khí của Mỹ, kiểm soát vũ khí hạt nhân, trình tự chỉ huy và nhận dạng kẻ thù, danh sách các mục tiêu dự phòng...

Trước đó, vào năm 1979, Walker cũng đã tìm cách dụ con gái ruột là Laura Walker Snyder tham gia đường dây của mình nhưng không thành do Laura khi đó đang mang thai và có ý định rời lực lượng hải quân. Ngoài Michael, Walker còn lôi kéo thêm anh trai là Arthur L. Walker - vốn là một trung úy hải quân đã về hưu, đang làm việc cho một nhà thầu quốc phòng gia nhập đường dây.

Sa lưới

Hoạt động gián điệp của Walker kết thúc vào năm 1985 dù trong suốt 18 năm làm gián điệp ông ta không bị nghi ngờ gì. Nguyên nhân là do bà vợ Barbara tố cáo. Ngày 20/5/1984, John Walker đã bị FBI bắt giữ cùng với bằng chứng là 127 tài liệu mật mà ông ta đã để lại điểm hẹn với KGB. Tại phiên tòa diễn ra năm 1986, John Walker và Arthur đã bị kết án tù chung thân còn Michael nhận án 25 năm tù.

Tháng 8/2014, chỉ ít ngày trước khi dự kiến sẽ được ân xá, Walker đã chết trong nhà tù liên bang của Mỹ. Ông ta được miêu tả là một trong những điệp viên đáng chú ý nhất của thế kỷ 20. Các nhà quan sát cho rằng đường dây gián điệp của Walker đã đưa đến vụ xâm phạm an ninh nghiêm trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh. Chuẩn Đô đốc William O. Studeman (cựu Giám đốc cơ quan tình báo của Hải quân Mỹ) cũng từng tuyên bố không một hình phạt nào có thể bù đắp lại “thiệt hại và và sự phản bội chưa từng có tiền lệ” mà Walker đã gây ra cho hải quân này.

Đọc thêm