Hiện châu Phi là nơi có số người nhiễm HIV cao nhất thế giới, với 70% số người nhiễm HIV trên toàn thế giới tập trung tại châu lục này. Mỗi năm, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của 3 triệu người trên toàn cầu, trong đó, gần 2/3 sống ở vùng hạ Sahara ở châu Phi, nơi tỷ lệ bệnh nhân nữ đang tăng với tốc độ kinh hoàng.
Từ hủ tục cướp cô dâu
Đối tượng phụ nữ bị nhiễm HIV tăng lên đột ngột là do niềm tin mù quáng của nhiều nơi trên lục địa đen tin rằng máu xuất hiện khi cưỡng hiếp một trinh nữ sẽ làm sạch máu của người bị nhiễm bệnh. Đáng nói, việc cưỡng hiếp này đa số đều được các bậc cha mẹ của nạn nhân đồng ý, họ đánh đổi trinh tiết của con gái lấy vài con gia súc hoặc ít tiền. Sự hiển nhiên này bắt nguồn từ một hủ tục có tên là “Ukuthwalwa - Bắt cóc cô dâu” từ tộc người Xhosa tại đất nước Cộng hòa Nam Phi.
Trong truyền thống của dân tộc Xhosa, hủ tục Ukuthwalwa đã có lịch sử nhiều thập kỷ và được đưa vào các cuộc hôn nhân của họ đến tận ngày nay. Phong tục này cho phép người đàn ông bắt cóc các cô gái trẻ và ép họ kết hôn, thường có sự đồng ý của cha mẹ họ.
Người đàn ông có thể chọn một người phụ nữ mà anh ta thích làm cô dâu của mình và tiến hành đàm phán với gia đình cô dâu mà không cần cô ấy biết hoặc đồng ý. Họ sẽ trả cho gia đình cô dâu một số tiền hoặc vài loại gia súc. Về phần mình, cô dâu dù có phản đối cũng không được và phải làm theo truyền thống.
Một thông điệp phản đối hủ tục Ukuthwalwa. |
Theo truyền thống thì những cô dâu bị bắt cóc hầu hết đều chưa tới 18 tuổi, có những cô dâu chỉ mới 8 tuổi. Các cô dâu tuổi teen bị ép kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi. Ở thị trấn Lusikisiki (Cộng hòa Nam Phi) năm 2009, đã có những trường hợp các cô gái trẻ từ các trại trẻ mồ côi bị ép buộc phải kết hôn với những người đàn ông góa vợ già từ khoảng 55 đến 70 tuổi.
Nghi lễ truyền thống này đã bị dư luận và truyền thông tại Cộng hòa Nam Phi và nhiều quốc gia trên khắp lục địa đen lên án và phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn diễn ra hàng ngày dưới sự phản ứng yếu ớt của luật pháp.
Tới niềm tin mù quáng
Đáng báo động hơn khi đại dịch HIV/AIDS bắt đầu hoành hành tại các quốc gia châu Phi thì người ta truyền tai nhau về chuyện “Cưỡng hiếp trinh nữ sẽ chữa khỏi HIV”.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, mầm mống cho quan điểm đáng sợ này xuất hiện lần đầu ở châu Âu vào thế kỷ 16 và trở nên nổi tiếng ở nước Anh thời Victoria vào thế kỷ 19 như một cách chữa bệnh giang mai và bệnh lậu cùng các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nguồn gốc của tư tưởng này không được biết rõ, nhưng sử gia Hanne Blank viết rằng ý tưởng này có thể đã phát triển từ quan niệm về trinh nữ - những người tử vì đạo, người mà sự thuần khiết được dùng như một hình thức bảo vệ khi chiến đấu với ma quỷ.
Khi tư tưởng này xâm nhập vào châu Phi nó đã trở thành hi vọng cứu rỗi cuối cùng cho những cuộc đời của hàng trăm triệu đàn ông mắc căn bệnh thế kỷ. Theo Betty Makoni của Mạng lưới Trẻ em gái ở Zimbabwe, tư tưởng mù quáng này được lưu truyền bởi các thầy lang khuyên những người đàn ông nhiễm HIV chữa khỏi bệnh bằng cách quan hệ tình dục với các cô gái còn trinh. Ở Zimbabwe, một số người cũng tin rằng máu tiết ra khi cưỡng hiếp một trinh nữ sẽ làm sạch máu của người bị nhiễm bệnh.
Một cuộc khảo sát của Đại học Nam Phi (UNISA) ở Nam Phi cho thấy 18% người lao động nghĩ rằng quan hệ tình dục với một trinh nữ có thể chữa khỏi HIV/AIDS. Một nghiên cứu trước đó vào năm 1999 của các nhà giáo dục sức khỏe tình dục ở tỉnh Gauteng (Nam Phi) đã báo cáo rằng 32% những người tham gia khảo sát tin vào điều hoang đường này.
Chính niềm tin mù quáng đó đã gây ra những sự việc đau lòng mà nạn nhân là các cô bé chưa bước vào tuổi vị thành niên, thậm chí là trẻ sơ sinh. Ngày 3/2/2013, cô Mihloti (sống tại thị trấn Soweto, CH Nam Phi) đau đớn báo với cảnh sát về việc con gái mới 15 tháng tuổi của mình bị chính cha ruột cưỡng hiếp.
Mihloti chia sẻ với truyền thông rằng, cô hối hận vì đã không xem trọng những tuyên bố của người đàn ông đó vào năm 2012, khi anh ta hỏi cô rằng liệu cô có biết quan hệ tình dục với một trinh nữ có thể chữa khỏi HIV hay không. “Tôi nghĩ rằng ông đã nói đùa. Tôi hỏi anh ta ngày nay anh ta sẽ lấy một trinh nữ ở đâu. Anh ấy nói ngay cả một đứa trẻ cũng có thể chữa khỏi nó”, cô nhớ lại.
Mặc dù người đàn ông dương tính với HIV, Mihloti cho biết cô đã cười trừ và bác bỏ những lời nói của anh ta “như một trò đùa bệnh hoạn”. Cô có linh cảm chẳng lành khi chồng mình nói ra những điều hoang đường đó, nhưng cô đã kìm nén cảm xúc của mình. Nỗi sợ hãi của cô trở thành sự thật khi vào ngày 3/2/2013, cô phát hiện ra con gái của họ đã bị cưỡng hiếp.
“Con gái liên tục khóc, nhất là khi đi tiểu hoặc bài tiết. Cô bé chỉ vào vùng kín của mình, nói rằng cha cô đã làm tổn thương cô bé. Khi kiểm tra, tôi thấy con có những vết cắt quanh vùng kín”, Mihloti cho biết thêm.
Lo lắng, sợ hãi cô đã trình báo sự việc với đồn cảnh sát Moroka vào ngày hôm sau. Sau khi đưa ra tuyên bố, cảnh sát đã cùng cô đến Trung tâm Chăm sóc Nthabiseng Thuthuzela tại Bệnh viện Học thuật Chris Hani-Baragwanath, nơi vụ hiếp dâm được xác nhận. Người đàn ông sau đó đã bị bắt.
Nhà nhân chủng học Suzanne Leclerc-Madlala nói rằng niềm tin sai trái này là một yếu tố tiềm ẩn trong việc hiếp dâm trẻ sơ sinh bởi những người đàn ông nhiễm HIV ở Nam Phi. Ngoài các cô gái trẻ, những người được cho là còn trinh vì họ còn ít tuổi, những người “mù, điếc, khiếm khuyết về thể chất, thiểu năng trí tuệ hoặc khuyết tật về sức khỏe tâm thần” đôi khi bị cưỡng hiếp với giả định sai lầm rằng các cá nhân khuyết tật không hoạt động tình dục và do đó là các trinh nữ.
Sau những đau đớn về thể xác họ còn phải chịu những đả kích lớn về tinh thần. WAC đang nỗ lực giúp các nạn nhân, bao gồm cả những em đã bất hạnh nhiễm HIV sau những vụ cưỡng hiếp. Tại Trung tâm Palmerton, các em được dạy nghề, chăm sóc và tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, rất ít người muốn về nhà vì ở đó, họ bị chính gia đình và bạn bè kỳ thị, xa lánh.
Tại nhiều quốc gia châu Phi, các bé gái, thiếu nữ, phụ nữ đã lên án và đấu tranh mạnh mẽ giành lại quyền tự quyết đối với cuộc sống hơn nhân của mình. Đồng thời, họ phản đối niềm tin sai lầm chữa HIV bằng việc quan hệ với trinh nữ để xóa bỏ tình trạng hiếp dâm ở trẻ em. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ vẫn chưa thực sự có hiệu quả, khi tại đa số các quốc gia châu Phi luật pháp dường như bất lực trước các hủ tục truyền thống.
Các tổ chức nhân đạo đã nhiều lần báo động với chính quyền nhưng đến nay công tác điều tra và xét xử vẫn hết sức trì trệ. CNN dẫn thông tin từ tổ chức nhân đạo World Aids Campaign (WAC) cho biết trong năm 2011 chỉ có 11 người ở Nam Phi bị truy tố về tội bắt cóc, quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên và cố tình lây nhiễm HIV.