Gian nan “gieo” chữ ở thung lũng Lũng Oong

(PLO) - Khuất nẻo dưới thung lũng đá là lớp học vá chằng vá đụp của hơn 20 đứa trẻ ở bản Lũng Oong thuộc xã Công Trừng, huyện Hòa An (Cao Bằng). Trong cái lạnh tê tái của miền sơn cước, những em học sinh vẫn chân trần tới trường, ngồi rúm ró nghe giảng bài, răng va vào nhau cầm cập...
Gian nan “gieo” chữ ở thung lũng Lũng Oong
Bám trường “gieo” chữ 
Tờ mờ sáng, xe chúng tôi chuyển bánh đến điểm trường ở bản Lũng Oong. Dù đã mặc mấy lần áo ấm song chúng tôi vẫn thấy tê buốt vì lạnh. 
Để đến được với điểm trường, chúng tôi phải gửi xe ở bên ngoài ngọn núi đá. Men theo thung lũng, sau một giờ đồng hồ thì đến Lũng Oong. Khi biết chúng tôi là phóng viên, cô giáo Liêu Thị Phụng (50 tuổi) thốt lên: “Phóng viên đến thật rồi, chúng tôi trông mong các anh mãi. Ở đây khổ lắm các anh à, vừa dạy học chúng tôi vừa phải vận động các em đến lớp. Bà con ở đây không biết tiếng phổ thông nên việc vận động các em đi học là điều cực kỳ khó khăn. Các cô giáo trẻ chỉ ở lại trường một đến hai năm là chuyển công tác rồi”. 
Cô Phụng dẫn chúng tôi vào nơi ở tạm bợ với không gian chật hẹp, gió lùa từng đợt qua phên nứa khiến cho cái rét càng trở nên buốt lạnh hơn. Cô Lương Thị Niềm lập cập đun nước. Ngọn lửa bùng lên làm cho chúng tôi có cảm giác như được xích lại gần nhau hơn. Cô Niềm tâm sự: “Hôm nay nhà báo đến sớm một chút còn thấy các em đi chân đất, mặc một, hai áo phong phanh. Chân, tay run bần bật khi ngồi học ạ, thương các em lắm nhưng không biết phải làm thế nào”.
Theo cô Niềm, ở điểm trường Lũng Oong có tổng số học sinh là 24 em, 100% là dân tộc Dao, chủ yếu là con nhà nghèo. Hầu như cuộc sống của đồng bào bị cô lập với thế giới bên ngoài. Trong bản có 46 hộ dân, trình độ nhận thức chưa cao. Ngoài thời gian lên lớp, các thầy cô giáo còn phải tuyên truyền về vấn nạn tảo hôn. Cô Niềm bùi ngùi: “Cứ 14 đến 15 tuổi là họ lấy chồng, lấy vợ rồi. Các cô cứ phải khuyên rằng, kết hôn sớm sau này đẻ con ra thì nó không có trí thông minh mà học đâu. Ở đây họ quá lạc hậu các anh à, nếu mình không biết nói tiếng dân tộc thì họ không nghe đâu”.
Là điểm trường tiểu học nên mỗi lớp cũng chỉ có 1 đến 7 học sinh. Cô Phụng chủ nhiệm lớp 5 nhưng chỉ có 7 học sinh, các cô phải dạy 9 môn tiểu học. Vào mùa đông, cái lạnh của gió núi làm các em và các thầy cô tưởng như không thể chống chọi được. Các lớp học chật hẹp, nằm sát nhau, hai lớp cạnh nhau có thể nghe rõ từng tiếng động nhỏ của lớp bên kia, thậm chí có thể nhìn thấy nhau, vì vậy các em không thể tập trung học khi ở vào hoàn cảnh “một lớp hai người giảng” như vậy.
Giáo viên và học sinh tại điểm trường này luôn thiếu thốn đủ thứ.
Giáo viên và học sinh tại điểm trường này luôn thiếu thốn đủ thứ. 
Cô Phụng chỉ tay vào lớp và nói: “Đây là lớp 3, còn kia là lớp ghép. Lớp này có hai em học sinh lớp 1, còn bên này có 3 học sinh lớp 2. Buổi chiều các cô còn phải dạy “phụ đạo”, tuy nhiên cũng chẳng có chế độ gì cả. Tan học là các cô phải tự đi gánh nước, xin củi khô ở trong bản để nấu ăn”. Chính vì quá khó khăn nên các cô chỉ mong phóng viên đến với trường với lớp. Các cô muốn gửi ảnh cho Hội từ thiện Cao Bằng mà không biết gửi cho ai. Trong lúc nói chuyện, cô Niềm phải chạy vào bản gọi học sinh đến lớp cho chúng tôi gặp gỡ. 
Mang hơi ấm cho các em nhỏ
Mùa đông xứ núi lạnh như thấu tận vào xương tủy, tuy nhiên các em chỉ mặc một đến hai chiếc áo mong manh. Cô Niềm tâm sự: “Sau trận gió mùa Đông Bắc này là học sinh bị ốm một nửa rồi. Hàng ngày cứ đến lớp là các em lại kêu: “cô ơi chuông lắm” (lạnh lắm), “cô ơi giủa na” (về ạ). Quá thương các em luôn nhà báo à. Có hôm cô giáo đang giảng bài, bỗng có em kêu: “Cô ơi chuông tại à” (lạnh chết được rồi về thôi). Nghe những lời như vậy mình gần như chảy nước mắt. Các cô cũng chỉ bảo: “Các em ơi, về nhà bảo mẹ mua cho áo ấm để mặc”, các em lại kêu là không có tiền để mua”.
Chỉ tay về phía vách núi, thầy Bế Ích Bưu nói: “Đấy, chỉ mặc một chiếc áo phong phanh mà các em đã phải lên nương rồi, cứ một buổi đi học còn một buổi lại phải  theo mẹ đi lấy củi”. Dẫn chúng tôi sang lớp 3 mà thầy chủ nhiệm nhưng chỉ có 5 học sinh, ngồi co rúm vì lạnh.
Khi được hỏi chuyện, em Bàn Mùi Sểnh học sinh lớp 3 tâm sự: “Cháu lạnh lắm chú à, mẹ cháu bảo không có áo ấm thì ở nhà thôi…”. Thầy Bưu đỡ lời: “Các Thầy cô ở đây chỉ mong muốn làm thế nào xây lớp học được kín đáo, gió không lùa vào. Thấy các em học sinh ngồi co ro, diện tích phòng học không đủ là các thầy cô thương lắm. Các thầy cũng không thể giúp các em được gì, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...”.
Cô Phụng khoe: “Năm ngoái em Bàn Tòn Mình được một suất học bổng bên thanh niên tình nguyện, tôi phải đưa em đi nhận phần thưởng. Em ấy được hai cái áo và một cái chăn ấm, khi tôi đưa đến nhà thì mẹ nó vui lắm. Từ hôm nhận được quà đến giờ, chỉ thấy em mặc một bộ, khi hỏi ra thì em bảo, cất đi rồi, đợi đến ngày tết mới đem ra mặc”.
Cô Bế Thị Hiếu phụ trách chung, người đã có gần 20 năm công tác trong nghề và là người gắn bó với phân hiệu trường Lũng Oong lâu năm nhất, cô chia sẻ: “Trở ngại lớn nhất trong việc dạy các em là do sự bất đồng ngôn ngữ. Các em không hiểu nhiều tiếng phổ thông mà chủ yếu nói tiếng Dao. Mặt khác, tiếng dân tộc của các giáo viên còn hạn chế nên kiến thức các em tiếp thu được không nhiều. Để khuyến khích tinh thần vượt khó đến trường học tập của các em, hàng năm các thầy cô đều thường xuyên tặng quà, quần áo, sách vở, giày dép cho các em học sinh”.
Vượt lên trên mọi khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô nơi đây vẫn ngày ngày thầm lặng “gieo” con chữ cho các em học sinh chỉ với một hy vọng, một nỗi niềm đau đáu là rồi đây, ở những bản người dân tộc xa xôi và khó khăn như nơi đây sẽ không còn ai mù chữ. Ai cũng biết đọc, biết viết, biết làm tính. Các em sẽ thắp sáng bản làng bằng kiến thức được các thầy cô giảng dạy... /.

Đọc thêm