Giai đoạn không quên của người già
Một Hà Nội bình dị và đầy thân thương của những năm 1975-1986, với cửa hàng mậu dịch tem phiếu, với chiếc xe đạp “cọc cạch” cho đến chiếc tivi Nhật vỏ đỏ mà nếu hỏng chỉ cần đập đập vài cái là lại dùng như thường... đang được tái hiện sinh động trong Triển lãm “Bao cấp - Xếp hàng về quá khứ” tại Hà Nội.
Được coi là một “gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại, thu hẹp khoảng cách về nhận thức giữa các thế hệ, giúp những người trẻ ngày nay phần nào thấu hiểu được thời kỳ khó khăn mà cha anh mình đã trải qua, từ đó trân trọng những thành quả của gần 30 năm đổi mới một giai đoạn không thể nào quên...
Ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi, ở quận Tây Hồ) xem kỹ lại từng bức ảnh, từng vật dụng đã đi cùng ông hơn nửa cuộc đời chia sẻ: “Hôm nay là lần thứ 3 tôi đến triển lãm. Xem rồi lại muốn xem nữa vì nó gợi nhớ gần cả cuộc đời mà nay thì quá khó để tìm lại. Một giai đoạn đã xa nhưng không thể nào quên và không có quyền quên. Tôi vẫn thường bảo con cháu như vậy”.
Xúc động hơn cả là suốt những ngày triển lãm qua, cứ tầm 5 - 6h chiều, có hai ông bà 75 tuổi, đi xe bus từ Trường Chinh tới xem triển lãm. Mỗi lần tới ông bà đều ngắm nghía rất kỹ từng bức ảnh, từng cây bút, quyển sách, từng vật dụng cả một đời thân thuộc như: chiếc chăn con công, cặp lồng nhôm hay cái xe Phượng Hoàng với đôi săm dán vá chằng chịt cho đến những câu thơ vè vui… đều được ông bà dành cho hàng phút đồng hồ thương quý.
Sự trải nghiệm hiếm có của lớp trẻ
Lạ ở triển lãm này là lớp người trẻ chính là những người đứng ra tổ chức, dù rằng đa phần trong số họ chỉ biết đến thời bao cấp qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Trao đổi với phóng viên, bạn Trần Khánh Ly - thành viên Ban Tổ chức triển lãm tự hào: “Ban đầu chúng mình chỉ định làm giống những sự kiện nhỏ thường niên, nhưng như có một cái duyên đưa đẩy khiến chúng mình làm nên được một sự kiện thành công đến thế này”.
Trong vòng 3 tháng kể từ ngày lên ý tưởng, làm hồ sơ tài trợ cho đến liên hệ mượn các vật dụng đang được trưng bày này đều tương đối suôn sẻ.
Do địa điểm đặt tại khu trung tâm thương mại nên phải đến 9h tối mới được chuyển đồ đạc đến. Trong khi những vật dụng ở đây lớn, bé, cồng kềnh đủ cả mà người cho mượn rất trân quý nên cứ phải đến khi chắc chắn họ mới cho di chuyển.
“Mình nhớ nhất là chiếc tủ gương lệch, mượn ở Tôn Đức Thắng. Bởi nó không thể tháo dỡ được như chiếc giường nên di chuyển rất khó khăn. Được coi là “dấu ấn thời gian” nên dù khá muộn nhưng chủ nhân của nó nhất quyết đòi đi cùng và chờ đến khi bài trí xong xuôi mới yên tâm trở về” - Ly chia sẻ.
Theo các thành viên Ban Tổ chức: “Chúng tôi rất vui khi có một anh đến hỏi vì sao hôm nay lại không được lật xem báo xuất bản thời bao cấp nữa vì hôm trước đến anh ấy chưa đọc được nhiều. Hay có bác gái tươi tắn nói nhỏ với mình rằng: “Các cô mậu dịch ngày xưa không tươi cười thế này đâu! Phải nhăn nhó, cáu kỉnh và kiêu kỳ hơn mới đúng cái không khí của mậu dịch bao cấp cháu ạ!”.
Mặc dù đã vào những ngày cuối của sự kiện, triển lãm vẫn thu hút rất đông đảo người đến xem. Thú vị hơn khi đa số khán giả đến tham dự là giới trẻ và ngày một nhiều. “Thật sự lần đầu bước vào là đã thấy thích rồi! Như được trở về thời bao cấp trước kia mà ông bà, bố mẹ và một chút tuổi thơ đã từng trải qua. Từ tờ tiền đến bộ bàn ghế, tivi, tất cả quá quen thuộc!” - Đức Anh (24 tuổi ở Bắc Giang) hồ hởi cho biết.