Giữ gìn, lan tỏa nét đẹp văn hóa dựng cây nêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong phong tục lâu đời của dân tộc Việt Nam, phong tục dựng cây nêu ngày Tết, lễ hội dân gian, ngoài ý nghĩa xua đuổi ma quỷ còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Nguồn: Giang Ngọc)

Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Nguồn: Giang Ngọc)

Cây nêu - đa dạng sắc màu văn hóa

Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ Thượng tiêu là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết, lễ hội mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.

Tại Kinh đô, khi cây nêu trong hoàng cung được dựng lên, nêu tại các đền miếu và trong dân mới được dựng. Cây nêu được dựng trong hoàng cung không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma mà còn là sự cầu chúc, là sự gửi gắm khát vọng của các bậc đế vương cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Việc hưởng Tết Nguyên đán từ hoàng cung đến dân gian hầu như đều lấy ngày dựng nêu và hạ nêu làm mốc bắt đầu và kết thúc của Tết.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi trong ngày Tết và ở một số lễ hội dân gian.

Cây nêu là biểu tượng của tâm linh, người Ê Đê gọi là Gơng drai. Cây nêu được trang trí những họa tiết, hoa văn khác nhau tùy theo ý nghĩa của từng nghi lễ tạ ơn hoặc cầu an, cầu sự no đủ cho gia đình hoặc cộng đồng. Mỗi cây nêu được trang trí những họa tiết khác nhau và mang ý nghĩa theo từng nghi lễ.

Trong đời sống hằng ngày của người Cơ Tu, cây nêu và bàn lễ luôn chiếm vị trí quan trọng, không chỉ thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, là vật thiêng liêng kết nối với thần linh, ông bà và chuyển tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc mà còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian Cơ Tu. Cây nêu người Cơ Tu thường gọi là cột buộc trâu hiến tế mỗi khi làng tổ chức lễ hội, là vật thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng, đâm trâu hiến tế mừng đám cưới...

Những ngày Tết của người Mường không thể thiếu tục dựng cây nêu bởi việc trồng cây nêu có ý nghĩa là sự trấn trị ma quỷ bảo vệ nhà cửa, con người. Đó cũng là cầu mong nhà cửa, gia đình sang năm mới được yên lành, mùa màng tươi tốt, vật nuôi khỏe mạnh.

Cây nêu và bộ gu là hai đồ vật linh thiêng không thể thiếu trong lễ hội ăn trâu của đồng bào dân tộc Cor. Trong lễ hội ăn trâu của người Cor, có nêu dù, nêu đu đủ, nêu phướn, nêu thượng, thì bắt buộc trong nhà cũng phải có bộ gu. Người Cor quan niệm, gu là một loại “nêu trong nhà” để giao hòa với thần linh...

Tôn vinh Nghệ thuật trang trí cây nêu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo Quyết định, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Cây nêu của người Cor thường có ba loại ứng với mỗi sinh hoạt văn hóa xã hội khác nhau. Nhưng cao nhất là cây nêu được dựng vào ngày Tết Ngã rạ (chừng 10 - 15m). Đáng chú ý, phần thân cây nêu được trang trí hoa văn hai màu đen đỏ, tượng trưng cho trời đất. Thân cây nêu còn được treo những bộ gu (bằng gỗ có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh hay họa tiết mang yếu tố tâm linh của người Cor) và mâm thờ. Bộ gu chỉ có ở tộc người Cor. Có thể coi đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc.

Cùng với bộ gu, cây nêu còn được treo những con chim chèo bẻo gỗ. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào, để bảo vệ cây lúa. Người dân tộc Cor coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế, người Cor không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo. Nghệ thuật tạo hình của người Cor chủ yếu là khắc vạch phối hợp với tô màu. Hoa văn chủ yếu thể hiện trên công cụ lao động và trên các đồ cúng. Phương thức tạo hình của người Cor gồm cả 3 lối thức: tả thực, cách điệu và văn hình học. Hình ảnh tả thực như hình chòi lúa một cột, hình lấy mật ong, hình khiêng heo rừng đi săn về, mặt trời, mặt trăng... Những hình ảnh cách điệu được sử dụng nhiều nhất là hình cây hoa pnon, hình cây hoa ba tầng...

Mỗi khi dựng cây nêu, người Cor phải làm lễ cúng với những nghi thức rất thiêng liêng. Cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh. Những bài cúng trong những bước khác nhau khi ghép nối cây nêu hoặc khi treo những bộ gu.

Theo thời gian, việc dựng cây nêu ngày Tết tuy có nhiều thay đổi theo tập quán của từng địa phương. Song ý nghĩa tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc thì không thay đổi. Chính vì vậy, việc dựng cây nêu ngày Tết, tái hiện mỹ tục này ở một số lễ hội của các dân tộc khẳng định nét văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa. Qua đó, giáo dục cho các thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Đọc thêm