Giữ nếp nhà, ăn hiền ở lành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Ăn hiền ở lành" cho con cháu có ở xa đến đâu thì khi nghĩ đến quê nhà, là đều thấy mình đang được mong đợi, là tiếng gọi để mong được trở về để tiếp bước mẹ cha vun xới thêm vào quê nhà. Bước về nơi quê nhà ấy, hay chỉ là nhớ và nghĩ đến thôi, đã cho mình thấy bình yên.
Giữ nếp nhà, ăn hiền ở lành

1. “Ở lành” là mong sống sao cho yên lành, sống bình an. Sống yên bằng cách cư xử với người hàng xóm, luôn bỏ chín làm mười. Nhà bạn dù ở nơi đâu trên trái đất này thì cũng không dễ gì chỉ gặp toàn người hàng xóm tốt bụng. Ít nhiều, bạn cũng gặp một người hàng xóm khó tính. Tệ hơn là ta gặp một người hàng xóm hay kiếm chuyện "làm quà", thêm bớt, nói không thành có.

Thường những lần có chuyện dạng "đầu chợ con gà ra cuối chợ thành con bò", ba mẹ tôi đều nhịn và nhận không phải về mình. Chuyện ngoài làng ngoài xóm, khi mẹ tôi đi làm nghe được, nếu đem về nhà kể, ba tôi gạt đi. Quan điểm của ông không đem chuyện chẳng đâu ngoài đường về trong nhà. Theo ba tôi, cứ để thời gian trả lời đúng sai. Tranh đua, phân bua hơn thua không đem đến đúng sai rõ ràng ngay được.

Tôi chứng kiến có những điều hoàn toàn không có, thế mà dửng dưng đâu đâu đem đến, dựng chuyện chẳng hay. Những lúc như vậy, ông bà đều nhịn.

Nhiều lần ở nhà tôi bị mất cắp, truy ra là biết thủ phạm, nhưng ông cũng xua đi và cho qua chuyện. Có một lần đến vụ, năm đó nhà tôi làm ăn sao không biết lại bị mất mùa riêng, họ đổ miệng tiếng vào chê bai, nào là lo tu tinh tiến thế mà sao Phật và Tổ tiên không phù hộ cho, lại bị thất bát... Ba tôi vẫn im lặng.

Nhiều những điều như vậy tôi nghe, biết và chứng kiến trong đời sống của gia đình lúc tôi lớn lên. Tôi chỉ biết ba mẹ tôi cố gắng vun xới sao êm ấm trong lành lặn khéo léo nhất cho từng ngày con cái yên vui có cái ăn cái mặc lớn lên. Ông gần như "vô tranh" với xã hội.

Tôi lớn lên trong gia đình, từ ấu thơ đã chứng kiến bố ăn chay. Vì ăn chay nên ông gần như không giao du trong những dịp đám cưới đám giỗ với linh đình rượu thịt. Có những trường hợp thật đặc biệt, họ quý trọng ông nên làm riêng một mâm cỗ chay và nhất định mời ông có mặt trong giờ khắc thiêng của nhà họ. Tôi thấy ông nhận lời những trường hợp như vậy.

Việc đời, những năm vừa thống nhất lãnh thổ Bắc Nam, ba tôi tham gia việc hợp tác xã chăn nuôi. Ông được đưa đi học ở Quỳnh Lưu, Nghệ An để về làm trại trưởng trại chăn nuôi Hải Vĩnh. Thời hợp tác xã nông nghiệp, ông có trình độ nên làm kế toán chéo, phụ trách ăn chia tính điểm cho các hợp tác xã trong xã. Nghĩa là ông không từ chối việc tham gia vào xã hội.

2. Lớn lên tôi mới hiểu lý do. Ông nói, nhà mình có truyền thống nên trọng nếp sống ông cha truyền lại. Đó là nếp "ăn hiền ở lành". Ông cũng nói thêm, gia đình Việt nào cũng thừa kế được nếp sống nhiều ngàn năm của một dân tộc có đạo, đạo ấy là Đạo Thờ Tổ Tiên, đạo ấy là đạo Bụt. Sống có niềm tin sâu vào Đạo Bụt, mình phải luôn xét mình để sửa mình khi có người bình phẩm lên án.

Hơn nữa, ông nội là người nhân nghĩa và trí dũng, nhà có gia phong, được giáo dục nên làm con phải xứng danh. Ông bảo, nhà mình luôn cầu nguyện và chăm lo cho Tổ tiên, mình không được trách cứ họ. Vì, trên tất cả, theo ông, đó là thử thách, và chúng ta cần vượt qua. Tin Bụt, tin ở Tổ tiên là vì muốn "ở lành". Đạo Bụt, học và hành trong niềm tin này, ông dạy an em chúng tôi, gặp khó khăn và ngang trái, chính là đang trả nghiệp nên không được oán trách ai cả. Phải nỗ lực hơn, sau mỗi khó khăn và ngang trái.

Người có niềm tin, ba tôi nói, phải là người luôn trách mình trước, và mọi chuyện luôn nghĩ là thử thách để cần vượt qua.

"Ở hiền gặp lành", điều lành đó còn là cảm nhận trong những lần khi tôi đi xa về thăm nhà. Không gian vui vầy của anh em chúng tôi, chúng tôi không quên được lời kinh của ba vang lên thân thuộc, ấm ấp. Là cây hương trên tay trong dáng ba chân thành thong thả đi thắp từ trong nhà ra đến ngoài ngõ.

Ở quê, từ nhỏ tôi thấy một ngày ông hai lần thắp hương trước ban thờ Bụt và ban thờ Tổ tiên. Ông bảo, thắp hương chính là thắp lên niềm thương tưởng kính trọng Tổ tiên, đó là nhớ ơn. Thắp như thế là ta đang chiêu cảm sự tốt đẹp nơi Tổ tiên về tưới tẩm vào mình, và nơi mình ở. Ông nói, đó là "có thờ có thiêng".

Điều lành ấy là dáng mẹ với vườn rau, vun cây bí cây bầu luống khoai để ngày ngày cả nhà ăn được thứ nhà mình làm. Thủa tôi lớn lên ở quê, tôi không thấy mẹ tôi đi mua rau bao giờ, vì rau gì mà ở vườn nhà không trồng đâu. Bây giờ ở quê, lại nhiều người quê ăn rau từ chợ mua về.

Chất liệu lành và thân thương đó của mẹ lan vào đất, vào cây, vào không gian nếp nhà chúng tôi lớn lên như bóng cây như tán lá che chở anh em chúng tôi. Đôi khi, điều lành thật đơn giản, là cảm giác bình an, ấm áp trong lòng, loang tràn ra nơi không gian mình sống và có khả năng tiếp sức.

Dáng mẹ bóng cha, là ở đó, đi vào hồn con trẻ chúng tôi khi lớn lên rồi đi xa.

Đó là quê hương…

3. Nếp sống thuận hòa ấy, là "ăn hiền ở lành" cho con cháu có ở xa đến đâu thì khi nghĩ đến quê nhà, là đều thấy mình đang được mong đợi, là tiếng gọi để mong được trở về để tiếp bước mẹ cha vun xới thêm vào quê nhà. Bước về nơi quê nhà ấy, hay chỉ là nhớ và nghĩ đến thôi, đã cho mình thấy bình yên, thấy được nương nhờ trong cảm giác an vui trong lòng.

Hôm nay, tôi ngồi ghi lại đôi dòng không phải kể về ba và mẹ tôi mà là về quê hương. Tôi nhớ từ thuở lớn lên, ba dạy bài học về lòng biết ơn nguồn cội. Bài học ấy đến từ cách ông sống hằng ngày, cách ông cung kính nơi ban thờ gia tiên, từ thói quen chăm chút hương hoa và những lời dặn dò của mẹ. Ba mẹ lại dạy tôi về bài học biết ăn hiền, ở lành. Từ nơi mẹ cha, tôi được học bài học đầu tiên, từ bài học ấy, nuôi dưỡng tôi trong suốt chặng đường học để hiểu và để thương sau này.

Tôi không thể quên được khi ba tôi chăm ông nội khi ông nội ốm đau bệnh tật. Ông nội tôi bị mù khi lớn tuổi. Thế mà tất cả việc ăn uống vệ sinh cho ông, đều do ba tôi tự tay làm. Làm cần mẫn, nhẹ nhàng trong chăm chút. Bài học chúng tôi học là ở đó, ở từ nơi nếp nhà mình sống về cư xử mà không phải ở học đường.

"Ăn hiền" không phải là triết lý trên sách. Mẹ tôi hay hái đọt lá cây chuổng chuổng ngoài hàng rào bao quanh vườn, cây me đất, cây mã đề… vào nấu canh tập tàng. Canh tập tàng là loại canh nấu với nhiều loại lá hái ở vườn, thuần cây tự mọc. "Ăn hiền" là vậy, biết nâng niu ngọn cây cọng cỏ mà mình không bỏ công chăm bẵm vun xới, nhưng là cây lành có dược tính, và quan trọng là làm ngon lành bữa ăn.

Các loài cây này mọc tự nhiên, đến mùa là mọc. Ở vườn quê nơi nào mà không có những cây có ích và bổ ngon mọc tự nhiên. Cây lá lốt, cây ngải cứu, cây bồ công anh, cây rau má… vừa là thuốc và làm thức ăn, thức uống đều rất bổ. Bổ và lại lành.

Mẹ tôi cho rằng đó là "ăn hiền", vì mình không xâm phạm gì cả, không cày xới mà ăn thuận theo tự nhiên. Buộc phải cày xới cũng là làm nát thân thể bao loại côn trùng. Nhưng các loại rau đó đâu cần mình trồng. Đạo lý đó, ôi sao mà thâm thúy! Tôi lớn lên giữa vườn quê với mẹ như thế, thật tự nhiên, mà thấy mình hấp thụ bao nhiêu lý lẽ về sống đẹp và lành.

Tôi biết "tiết kiệm" và yêu cỏ cây từ đấy. Khi vào chùa thầy tôi hay nói câu: "Chạy lóc xóc không bằng gốc vườn". Vậy là không chỉ mẹ tôi quý vườn, mà thầy tôi cũng sống vậy. Câu nói đó có triết lý riêng của người ở quê. Họ yêu quý mảnh vườn nhà họ, họ biết để tâm vun xới làm đẹp lên từ vườn nhà của mình.

4. Ngày nay, suy ngẫm trên tầm quốc gia, câu nói ấy vẫn đúng. Không thể chỉ chăm chăm phát triển mà bỏ quên cái thế mạnh, thế đặc thù của mình, bỏ quên nền nông nghiệp Việt ngàn đời văn minh, để chạy theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thầy tôi hay nói, đàn bà trong nhà như cái oi. Đàn ông như cái đũi đi tìm cá, đi đũi siêng năng và tìm ra nhiều cá mà cái oi thủng thì cũng như không. Hình ảnh ví von thật thâm thúy.

Ngày nay thức ăn quanh vườn người ta không chú ý. Thức ăn bây giờ không còn chứa dược tính mà ngược lại chứa quá nhiều độc tính. Rất nhiều thức uống gần như vô bổ lại còn độc hại thì con người thích tiêu dùng. Thấy biết vậy, càng ngẫm cái ý nghĩa "ăn hiền" mẹ tôi sống, càng cần gìn giữ hơn. Ăn hiền là ăn sao mà thức ăn đó có giá trị nuôi dưỡng mình mà không làm mệt nhọc cơ thể mình, không lấy sự sợ hãi, đau đớn và máu thịt của các con vật làm thỏa mãn vị giác của mình.

"Ăn hiền" còn là sự sẻ chia trong bữa cơm mà mẹ dạy anh em chúng tôi. Biết "ăn trông nồi ngồi trông hướng" để nhường nhịn. Nhiều người, cơm xới một lượt, lượt hai, phải quan sát ai hai bát rồi, ai chưa xới bát thứ hai và anh thì phải nhường cho em…

Vì chuộng "ăn hiền" nên ở quê tôi có tục kiêng. Ở quê tôi, mọi người kiêng đưa tăm cho người khắc bằng tay. Ớt, tiêu và gừng được xếp vào loại kiêng khi dùng tay đưa trực tiếp. Người ta kiêng là để nhắc nhau cái gì sắc nhọn hai đầu như tăm, cay đắng như gừng ớt thì đừng đưa cho người. Điều đó như một thứ giáo dục nhằm nhắc nhở con người trong việc "ở lành".

Muốn "ở lành" thì đừng nói lời thêu dệt, nói đâm thọc như đòn sóc, như tăm hai đầu đều nhọn châm chỉa nhau. Lời cay đắng độc địa đừng nói cho nhau.

Kiêng là để nhắc nhớ. Mà cái ăn thì diễn ra hàng ngày, nên lời nhắc nhủ nhau cũng lặp lại hàng ngày. Lặp lại để cho ta nhớ mà cư xử hiền lành với nhau. Con trẻ lớn lên trong vòng tay mẹ, càng cần được nhắc mãi nhắc mãi điều đó.

Ăn hiền và ở lành, đây là nếp nhà, nếp quê, ấm áp trong hai tiếng quê hương.

Như nếp đất luôn kiên nhẫn hiền lành, như tán bồ đề trước nhà vẫn mát xanh nơi làng quê nghèo… Đó là bóng dáng của cha và của mẹ tôi. Bóng dáng ấy bình dị mà bền bỉ yêu thương, lành lẽ mà rộng dài chở che qua năm tháng cho anh em chúng tôi lớn lên.

5. Tôi thầm cảm ơn mảnh đất quê mình, dù nơi ấy từng trải qua quá nhiều mất mát đau thương từ chiến tranh. Thầm cảm ơn mẹ cha gìn giữ và trao truyền lòng hiếu kính tổ tiên cùng nếp sống thuần hòa mà ông cha dặn dò tự bao đời… Từ nơi mảnh đất ấy, tôi đã lớn lên với lòng kính thương nguồn cội và niềm hạnh phúc.

Xin cúi đầu tri ân đến tiền nhân, xin tỏ lòng tri ân cha và mẹ, cảm ơn những tán cây ngọn cỏ, những con sông yên ả và làng quê nghèo… Tất cả cùng đang có mặt trong tôi, cho tôi và cho những gì được gọi là sự sống, là hạnh phúc, yêu thương và màu nhiệm. Xin nguyện tiếp nối và giữ "nếp nhà" của mẹ cha để luôn nhớ "ăn hiền, ở lành"!

Đọc thêm