Tuy nhiên, TMBB hữu danh vô thực cũng tùy thuộc ở người điều khiển. Phần nhiều các Quân Dân Chính sợ TMBB vì nó ở gần Tổng thống. Cơ quan này là một lớp vỏ thị uy, chứ thật trong ruột không có một quyền hạn nào. Nhiệm vụ hằng ngày là xếp đặt những nơi Tổng thống sắp đi kinh lý hoặc Tổng thống triệu vị tỉnh trưởng này, gọi ông tướng kia về phủ hỏi ý kiến, ra lệnh thi hành điều gì đó.
Phần đông các tỉnh trưởng (cấp trung tá, thiếu tá) có mối tương quan với TMBB. Vì thế ông nắm đầu cơ quan này rất dễ dọa nạt làm tiền các ông tỉnh trưởng trong 4 vùng chiến thuật và trường hợp này đã xảy ra trong thời gian trung tá Lê Như Hùng trông coi TMBB.
Bên ngoài dân chúng nghe đến TMBB đều cho là cơ quan gần “mặt trời” chắc có quyền rộng, to lớn. Thực tế là nơi tiếp khách dừng chân giây lát của các nhân vật trước khi Tổng thống cho vào yết kiến. Vị TMBB phất phơ tối ngày, nhiều lúc chẳng việc gì để làm.
TMBB thay chủ đổi ngôi bốn bận tất cả cho đến lúc Tổng thống Diệm bị sát hại.
Thiếu tá Nguyễn Phước Đàn là vị giữ chức TMBB đầu tiên lúc ông Diệm còn là Thủ tướng. Thật ra giai đoạn này TMBB chưa đúng danh từ của nó. Thời gian giao thời này (1954 – 1955) tổ chức dinh Độc Lập chưa hoàn tất về hành chánh bên cạnh Thủ tướng.
Thiếu tá Đàn không mấy ai biết đến vì TMBB còn trong trứng nước. Mãi đến lúc đại úy Huỳnh Văn Cao thăng chức thiếu tá nắm giữ cơ quan này thì dinh Độc Lập đã kỷ cương lắm rồi. Nhờ vậy, TMBB được cái danh uy thế là cơ quan quân đội bên cạnh Tổng thống.
Thiếu tá Huỳnh Văn Cao vị sĩ quan thứ hai của TMBB đã biết tổ chức cơ quan này theo chiều hướng của Tổng thống Diệm. Nghĩa là thiếu tá Huỳnh Văn Cao nhắm vào tâm lý của Tổng thống Diệm ưa thích thế nào, ông ta tổ chức thế đấy.
Dù con nhà lính nhưng tính nhà quan, thiếu tá Cao tạo nên TMBB ràng buộc với hệ thống hành chánh nặng nề của Phủ Tổng thống. Vì thế ông ta là người hay chạy tội khi Tổng thống Diệm trách cứ TMBB. Lối chạy tội của thiếu tá Huỳnh Văn Cao là đổ lỗi cấp dưới thừa hành. Ông ta trình bày vấn đề gì với Tổng thống Diệm là có giấy tờ chương trình sửa soạn trước. Tổng thống Diệm thấy thế tin tưởng và cho rằng thiếu tá Cao là người ngăn nắp, làm việc rất hệ thống khoa học.
Tính tình trời trói vào thân chẳng bao giờ từ nan được, khi lên đến cấp tướng chỉ huy sư đoàn, rồi đến tư lệnh quân đoàn 4, cái tính nết ấy không buông tha ông ta.
Năm 1957, ông Cao đã là thiếu tướng rồi. Ông Huỳnh Văn Cao thăng cấp tướng do chiến tháng hai ba trận đánh lớn ở vùng bốn. Những vị chỉ huy quân đội có tài cho rằng chiến công đó là cái hên trong đời ông Cao, không phải ông Cao có tài chiến lược mà những trận đánh đó trực thăng vận đã đưa ông ta lên hàng tướng lãnh quân đội VNCH. Vì rằng năm 1957 là năm chiến thuật trực thăng vận được đem ra áp dụng.
Lực lượng đảo chính năm 1963 |
Đi giữ chức sư đoàn 13 ở Tây Ninh và thăng cấp đại tá, ông Cao để lại TMBB cho đại tá Nguyễn Văn Là điều khiển. Đại tá Là là vị sĩ quan cao cấp và cũng là người thứ ba về với TMBB. Ông Là không thay đổi gì cả trong TMBB. Ông là người đứng đắn, ít nói.
Vị sĩ quan thứ tư thay thế đại tá Là là thiếu tá Cao Văn Viên. Ở TMBB một thời gian ngắn, ông Viên trở thành trung tá. Đối với những sĩ quan nắm giữ cơ quan TMBB, ông Viên là người được Tổng thống Diệm khâm phục tối đa. Tổng thống Diệm khen ngợi ông ta và hãnh diện có một sĩ quan đứng đắn, đúng mực quân đội. Cho nên những đại lễ hoặc xuất ngoại, ông Viên là sĩ quan tùy viên bên cạnh Tổng thống.
Những sĩ quan tùy viên dưới thời ông Viên hết lòng thán phục kính nể ông ta. Theo những người tùy viên phục vụ Phủ Tổng thống thì trung tá Viên không bị một tiếng la rầy của Tổng thống Diệm. Năm 1960 vụ đảo chính hụt, 1/11/1960, Tổng thống Diệm liền đặt trung tá Viên giữ chức tư lệnh dù thay thế đại tá Nguyễn Chánh Thi lưu vong.
Ông Viên là một sĩ quan bộ binh. Khi qua dù, ông không muốn cho quân sĩ thiện chiến binh chủng này có mặc cảm là vị chỉ huy của họ kém tài về dù. Vì vậy, ông xin đi học dù. Ít tháng sau, ông Viên học hỏi xong, mới thật thụ điều khiển binh chủng dù.
Trung tá Lê Như Hùng sau đó thay thế. Trung tá Hùng đã từng giữ chức tư lệnh Thủy quân lục chiến, lúc bấy giờ mang cấp bậc thiếu tá. Trung tá Hùng trước khi về TMBB là tỉnh trưởng Kiến Hòa. TMBB dưới thời trung tá Hùng bệ rạc không tài nào kể được. Trung tá Hùng cố gắng tạo cho mình cái uy danh để lòe các cấp không mấy hiểu rõ về TMBB.
Trong những cuộc kinh lý theo chân Tổng thống Diệm, trung tá Hùng thường gặp các tỉnh trưởng địa phương. Một khi gặp các ông tỉnh trưởng, trung tá Hùng nhai câu: “Toa bê bối lắm đó nghen. Tụi nó báo cáo tùm lum”. Bất kể ông tỉnh trưởng nào cũng có bê bối chút ít, nên rất sợ trung tá Hùng trình. Thật ra trung tá Hùng đâu có dám trình điều gì. Vả lại có trình đi nữa, Tổng thống Diệm đâu có tin ông ta mà còn bị rầy la là đằng khác.
Các ông tỉnh trưởng bê bối nghe trung tá Hùng nói thế thì vội vã dâng quà biếu, với những lời mong ước trung tá Hùng ém nhẹm để khỏi tới tai Tổng thống. Nhận quà rồi đến khi gặp lại ông tỉnh trưởng thì trung tá Hùng cho biết đã lo chu toàn rồi đừng lo lắng. Cứ thế mà trung tá Hùng học đi học lại tấu tuồng cũ này đến thuộc nằm lòng.
Trên thực tế chẳng có báo cáo nào về các tỉnh trưởng đến TMBB cả. Vì như trên tôi đã nói, cơ quan này là nơi Tổng thống sai vặt, không có ảnh hưởng gì đến cơ cấu chánh phủ.
Tổng thống Diệm không ưa thật sự trung tá Hùng. Nhưng nhiều người lấy làm khó hiểu, Tổng thống Diệm lại đem trung tá Hùng về làm việc bên cạnh. Tìm hiểu điều này thì có người cho biết, Tổng thống Diệm kính nể một ai đó đã giới thiệu trung tá Hùng về làm việc cho Tổng thống.
Cũng có lần Tổng thống nói, trung tá Hùng bê bối thật, nhưng ông tin tưởng sẽ cảm hóa được. Thật như thế, nhiều người nói từ ngày về TMBB, trung tá Hùng giữ tiếng đến mức độ tối đa. Nhưng những việc tiền bạc với các ông tỉnh trưởng không tài nào dẹm kín được.
Kể từ năm 1962, chế độ của Tổng thống Diệm chỉ còn uy lực ngoài lớp vỏ. Bên trong thật sự ung nhọt mà ngay cả chính quyền không biết triệu chứng, chỉ thay đổi nhân sự, các cấp tướng lãnh, không đúng vào phận sự của họ.
Tổng thống Diệm một mực tin tưởng ở mình sẽ cải tạo mọi lớp người, dù người ấy xấu xa đến tột độ. Vì vậy Tổng thống Diệm đã vô tình để cho trung tá Lê Như Hùng trông coi TMBB. Từ một cơ quan không quan trọng đã như thế, huống hồ những cơ quan trọng yếu thờ ơ đến bậc nào về nhân sự.
Sau đảo chánh 1/11/1963, báo chí nhắm vào bộ ba trung tá Lê Như Hùng và hai người nữa, là tướng sĩ tượng bên cạnh ông Ngô Đình Nhu. Ba vị trung tá này thuộc vào hạng ác ôn của chế độ cần phải thanh trừng.
Những lúc Tổng thống Diệm kinh lý, trung tá Hùng tháp tùng, nhưng sự có mặt của trung tá Hùng trong mọi cuộc kinh lý chẳng ích lợi. Sai bảo đã có sĩ quan tùy viên. Đến nơi nào đã thông báo trước, lính cận vệ ở dinh gửi tới và cơ quan địa phương chu toàn. Mục đích của trung tá Hùng theo Tổng thống là thực hiện những điều ám muội với các vị chỉ huy địa phương mà thôi.
Tiếng súng đảo chính nổ rền trời, không thấy mặt trung tá Lê Như Hùng nữa. Vị nắm đầu cơ quan TMBB hờ hững với dinh Gia Long. Giai đoạn khúc quanh một đời, ông Diệm được cho là cũng không màng nhắc nhở vị sĩ quan “luôn bên cạnh”.