Tự Đức có tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, lúc nối ngôi có tên là Thì. Vua là con trai thứ hai của vua Thiệu Trị và Từ Dũ (Dụ) Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng.
Nguyễn Phúc Hồng Nhậm khi mới lọt lòng mẹ, thể chất yếu ớt, đau ốm liên miên. Ấy nhưng, bù lại vốn dòng con vua cháu chúa, nên khi lớn lên, Hồng Nhậm cũng “thông minh vốn sẵn tính trời”.
Điềm báo làm vua
Điểm này, được ghi lại trong Nguyễn Phúc tộc thế phả, xin chép lại hầu bạn đọc xem qua. Khi Hồng Nhậm học viết chữ “có người hỏi viết chữ gì thì ngài đáp: “Chữ Trạng” (tức Trạng nguyên), ai cũng lấy làm lạ. Khi để chỏm, ngài được giao cho sư phó dạy bảo, ngài đã làm được câu đối.
Một hôm Hiến Tổ (vua Thiệu Trị - Người dẫn chú) vui hỏi các con tên gì và ý nghĩa thế nào, ai cũng theo ý mình mà đáp, đến phiên ngài, ngài tâu theo lời dạy của sư phó: “Hồng là nặng nề, to lớn, Nhậm là gánh vác”.
Hiến Tổ mỉm cười nói: “Gánh gì mà nặng, gánh củi sao?” Ấy, cái tên Hồng Nhậm – gánh vác trách nhiệm nặng nề, to lớn, đó chẳng phải là dự báo cho trách nhiệm của người đứng đầu thiên hạ, gánh vác sơn hà, xã tắc đó sao?
Lại như Đại Nam thực lục cho hay, mẹ Hồng Nhậm “trước đây bà chiêm bao thấy một vị thần, mặc áo rộng thắt đai to, đầu râu, tóc bạc, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu ngọc và một chuỗi hạt minh châu trao cho. Vua sinh ra, đúng ứng vào điềm ấy”.
Cũng sách này viết Hồng Nhậm khi còn ở tiềm để chỉ ham kê cứu kinh sách ngày đêm, sách của các nhà trước tác không sách nào không đọc qua. Vua Thiệu Trị bởi thế cho là giống tính mình nên yêu mến vượt bậc, vẫn thường gọi vào chầu để dạy đạo học của đế vương, rồi cho ngâm vịnh nối theo.
Vua Thiệu Trị còn thường dạy vị hoàng tử Hồng Nhậm rằng: “Cho ngươi vàng bạc cũng không đủ quý, chi bằng thưởng cho ngươi một câu “vô thiểm sở sinh”, nghĩa là đừng để thẹn đến người sinh ra (tức cha mẹ). Ngươi nên nhớ kỹ”.
Lần khác khi tiến chầu ở đại đình, Hồng Nhậm được vua cha ban cho bộ Chỉ Thiện đường thi văn hội tập do ngài tự làm và “dụ ngay trước mặt rằng: “Đấy là tâm pháp của hoàng tổ trao truyền cho con cháu, sự nghiệp về trị nước bình thiên hạ, đầu mối ở đó, nên cố gắng đấy. Vì trong khi rảo qua sân thi lễ, mà lòng tiên đế đã dự có sự ký thác truyền ngôi sau này vậy”. Việt sử mông học thì ngợi ca:
Vua tư chất thông minh,
Lại rộng về học thức.
Rất sùng chuộng đạo Nho,
Khéo giữ gìn mực thước.
Dẫu là con thứ hai của đức Thiệu Trị, nhưng sau rốt, ngai vàng lại thuộc về Hồng Nhậm, dĩ nhiên là đăng quang đường đường chính chính. Nhưng cũng từ sự lên ngôi của Hồng Nhậm, mà sau đấy, sinh ra vụ án “răng cắn lưỡi” hết sức đau lòng trong nội tộc hoàng gia.
|
Vua Tự Đức |
Người anh trưởng không được lòng cha
Anh khác mẹ của Hồng Nhậm, ấy là Nguyễn Phúc Hồng Bảo (1825 - 1854), dẫu là con trưởng của vua Thiệu Trị, nhưng mẹ lại là vợ thứ. Khi Hồng Bảo 15 tuổi, năm Canh Tý (1840) đời vua Minh Mạng, được vua ông phong làm Yên Phong đình hầu, Đến năm Quý Mão (1843) khi cha ngồi ngai vàng, Hồng Bảo được phong làm An Phong công.
Ghi chép về ông hoàng này qua sử nhà Nguyễn, rặt toàn thấy việc không hay, đơn cử như Đại Nam thực lục làm chứng. Như tháng 8 năm Tân Sửu (1841), thuộc binh ở phủ của Hồng Bảo là Hứa Văn Tài mạo bằng trát ức hiếp dân Quảng Trị, bị vua sai chém răn, còn Hồng Bảo thì bị tước cả áo mũ.
Hay tháng 5 năm Ất Tỵ (145), cũng vì thuộc binh trong phủ Hồng Bảo là Hoàng Văn Lợi cậy thế bắt người giam khảo phải bị tội chém đầu, còn Bảo không biết quản thuộc hạ của mình nên bị phạt lương 6 tháng. Rõ là quản kẻ hầu hạ trong phủ mình còn không nghiêm, thì quản sao được nước.
Trong mắt của vua cha Thiệu Trị, ấn tượng về vị con trai trưởng này, thật không có nhiều thiện cảm. Vua Thiệu Trị từng nhận xét Hồng Bảo là “học thức còn nông kém”. Còn sử nhà Nguyễn thì nói ông là người “ít học, chỉ ham vui chơi”.
Có lần, tháng 3 năm Giáp Thìn (1844), Hồng Bảo hát xướng trong ngày trai giới, “vua giận, quở rằng: “Ngươi học vấn chậm và tối, chỉ thích chơi bời, trái với giáo huấn trong nhà nhiều lắm”. Bèn tước lương hai năm”. Bởi tài hèn, đức kém, nên vua cha không chăm chút, bồi dưỡng nhiều cho Hồng Bảo, ngôi trời, hẳn đã từ lâu không có sự hiện diện của đứa con ham chơi, ít học này rồi.
Âm mưu thoán đoạt
Trong Đại Nam quốc lược sử, Alfred Schreiner khi viết về vua Tự Đức, không bỏ qua ngôi thứ của vua khi viết: “Ông hoàng Nhậm lên nối ngôi cho đức vua Thiệu Trị, cải nguyên là Tự Đức, người là con thứ hai vua mà thôi.
Trưởng nam, là ông Hoàng Bảo, bất bình, mới ướm dấy loạn thử. Bị bắt cùng cầm ngục, người ta nói rằng đến sau ông ấy tự ái”. Chuyện dấy loạn ấy, kỳ sau ta xét; còn lễ đăng quang của Hồng Nhậm, có lắm điều để nói.
Khi vua Thiệu Trị sắp mất, đã cho gọi tứ trụ đại thần vào và chỉ định việc lập Hồng Nhậm là người kế vị. Trong ngày lễ đăng quang, người anh trai Hồng Bảo đã uất ức đến nỗi hộc máu và ngã ngất đi trong phòng triều yết, hầu cận phải đỡ ông dậy để tham dự lễ cho đến hết.
Đó là lời thuật trong Những người bạn cố đô Huế (BAVH). Điều đó cho thấy tâm trạng nặng nề và nỗi thất vọng lớn lao của người anh cả không được cha để lại ngôi báu cho. Và âm mưu thoán đoạt ngôi báu, theo đó dần lớn lên cùng thời gian.
|
Ngai vàng vua Nguyễn |
Sau lễ đăng quang một thời gian, là lễ thụ phong mang tính hình thức của Trung Hoa dành cho Hồng Nhậm. Lẽ ra theo truyền thống lâu nay, sẽ thực hiện ở Thăng Long – Hà Nội, có sứ giả Trung Hoa, nhưng trong BAVH có cho hay một chi tiết vì sao vua mới lại làm lễ đăng quang ngay tại kinh đô Huế, bởi Tự Đức “sợ rằng nhân dịp mình đi ra Bắc, anh cả của ngài sẽ lợi dụng lúc ngài vắng mặt để lên chiếm ngôi nên không dám rời khỏi trung tâm đất nước”. Vậy là vấn đề tranh chấp ngai vàng, đã có những manh nha rồi chứ chẳng phải không đâu.
An Phong công Hồng Bảo, để thực hiện âm mưu giành lại ngai vàng mà đáng ra vị trí con trưởng mình phải được hưởng, đã có những hoạt động chuẩn bị trong thời gian sau đó. Theo một số thư từ của các giáo sĩ phương Tây có mặt ở nước Nam bấy giờ, thì Hồng Bảo đã có sự liên hệ với giáo dân Thiên Chúa giáo những mong tìm sự ủng hộ từ bên ngoài cho một cuộc lật đổ giành lại ngai vàng:
“Ông ta đã nhiều lần tìm cách lấy lại ngai vàng mà đáng lẽ ông đã được hưởng theo quyền thế tập, và ông đã muốn lôi kéo chủ yếu là giáo dân theo phe mình bằng cách hứa với họ, chẳng những quyền tự do hành đạo mà cả sự ủng hộ của chính thế lực của ông để cải giáo toàn thể vương quốc theo đạo Thiên Chúa” - Lời trích trên từ bức thư của Giám mục Pellerin về vấn đề An Phong công dạo ấy.
Trong quá trình chuẩn bị mưu sự, thậm chí Hồng Bảo, theo lời thư của Giám mục Retord, đại diện tòa thánh tại giáo phận Tây Đàng Ngoài gửi Hội Truyền giáo nước ngoài đầu năm Tân Hợi (1851) còn cho hay, Hồng Bảo đã định trốn khỏi hoàng cung để tìm người giúp đỡ.
Và như chúng ta đã biết, Hồng Bảo sẽ có hai lần mưu sự giành ngôi, và lần đầu tiên sẽ diễn ra ngay trong năm này khi vua định trốn đi Tân Gia Ba (tức Singapore sau này) trong dịp Tết Nguyên Đán.../.