Góc khuất trên miền Tam giác mạch

(PLO) - …Sẩm chiều, bó cỏ trĩu nặng trên vai như muốn ghim bàn chân bé nhỏ của Pó xuống con đường đá ngoằn nghèo xuống núi, như muốn trùm lấp lên tấm thân bé nhỏ của em. Trời rét căm căm, khách du lịch áo trong, áo ngoài đủ các sắc màu và chất liệu mà Pó chỉ muốn cởi tung chiếc áo Tà pủ phong phanh phơi ráo những giọt mồ hôi, mong sớm về đến nhà để chăm sóc chú bò quý báu….
Người lạ ở miền lạ
T., một cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, đang là Giám đốc miền của một tập đoàn bán lẻ ở Việt Nam, với doanh số hàng trăm tỷ mỗi năm, đã thu xếp hơn 2 tháng nay, vẫn chưa thể tách mình ra khỏi công việc. 
Khi những dòng viết này lên trang thì chuyến đi của đoàn cô đã được sắp xếp xong, book tour của hãng SaigonTourist, với chặng đường đi: Bay Sài Gòn – Hà Nội, lên xe thẳng tiến Hà Giang, ngủ 1 đêm nhà sàn trước khi bắt đầu hành trình khám phá vùng cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc, vẫn được giới thiệu là cao nguyên địa chất đá Đồng Văn. 
Cô háo hức với chuyến đi dự báo là đầy trải nghiệm, trèo lên những mỏm đá tai mèo sắc hơn dao cứa, ngắm hoa tam giác mạch nở tràn ven mép núi, được gặp những người đồng bào mà họ nói thứ ngôn ngữ chắc chắn cô không hiểu. 
Trong hành trang lên vùng cao địa đầu Tổ quốc chuyến đi này, cô cũng mang theo rất nhiều kẹo và bánh ngọt. Cô nói rằng cô chỉ được kể là trẻ em trên đó rất thích đồ ngọt, cô cũng không hiểu lý do tại sao, vì đồ ngọt là thứ trẻ em ở thị thành được người lớn khuyên không nên ăn nhiều vì dễ bị sâu răng.
Nhưng điều cô nói quan trọng nhất là nếu có gặp được những đứa trẻ vùng cao ấy, cô sẽ tận tay mang những món quà đó xuống, dù có phải xin cả đoàn chờ đợi. Bởi, cô không biết có cần phải vội vã đến mức không kịp dừng xe, để phải ném mấy cái kẹo ra đường cho những đứa bé ở miền cao chưa nhiều người gặp đó, phải lúi húi nhặt, như những đứa trẻ ăn xin như vậy không? 
Cô đã vội vã suốt một năm nay, và chuyến đi này cô đi ngắm hoa tam giác mạch, trải nghiệm về một vùng đất mà cô chỉ mới biết qua những tấm hình, những câu chuyện đọc vội qua sách, báo và Internet. 
Cô muốn đi chậm để nhìn lại, sau quá nhiều vội vã đã qua, và những bận rộn đang chờ, để thư thái hiểu mình đang cần làm gì sắp tới.
Ném kẹo cho trẻ em vùng cao.
T. sẽ phải đối mặt với cổng trời Quản Bạ, nơi xe phải cắm số 1 khi lên dốc và cài số 2 khi đổ dốc, để được nếm quả hồng ngâm bé xíu nhưng ngọt lịm vị đường vùng cao. 
T. sẽ được thưởng thức cảnh tắc đường khi nhiều đoàn cùng lúc lên Đồng Văn vào dịp cuối tuần, nhưng sẽ học được nguyên tắc lên miền núi muốn đi nhanh cũng không được. Xe đi đúng mép đường, người xuống dốc nhường đường cho xe lên dốc khi vào những góc cua tay áo. Bởi, ở vùng đất này chỉ cần đi vội, thì “phía trước là bầu trời”, hình ảnh cánh lái xe miền cao vẫn thường ví von, cả bờ vực đang chờ sẵn.
T. cũng sẽ hiểu được vùng đất năm xưa tưởng chừng như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, đến khi hàng vạn nhân công phải treo mình lên vách đá, mở con đường xuyên sơn độc đạo sẽ dẫn cô vượt cao nguyên đá từ Quản Bạ sang Yên Minh, lên Đồng Văn, qua Mèo Vạc, rồi trả cô về lại Hà Giang, được gọi tên là con đường Hạnh phúc, ngồi bên bờ sông nhấm nháp ly cà phê sau 2 ngày đêm xuyên sơn, để ngẫm lại một hình ảnh rằng tại sao những đứa trẻ vùng cao ấy thấy khách lạ là vẫy tay chào.
Những đứa trẻ ấy ít khi gặp người lạ. Những đứa trẻ ấy luôn lặng lẽ nép mình vào góc nhà, vệ đường khi gặp du khách. Đã nhiều năm qua, khi những thầy cô giáo cắm bản phải miệt mài rất nhiều, để xóa đi sự e dè, sợ hãi trong tâm lý của những đứa trẻ ấy, để hôm nay chúng nó biết cởi mở cười chào những vị khách vùng xuôi lên thăm miền cao nguyên đá, miền hoa tam giác mạch mỗi năm chỉ nở một lần.
Những đứa trẻ ấy không phải đang chờ đợi vài đồng bạc lẻ hay nắm kẹo được ném vội qua cửa kính xe. Chúng được dạy đón bạn như những người sẽ tới với tấm lòng chân thành ở một vùng đất thật thà, tưởng chừng tách biệt, khi chặng đường đi được tính bằng “mấy quăng dao” chứ không phải là bao nhiêu km/giờ, thì các cửa hàng tạp hóa bày bán kẹo đầy ắp không phải là thứ dễ gặp như ở thành phố. 
Những người Mông, Dao, Giáy, Hoa… ở đây phải chờ đợi suốt 1 tuần lễ để có được 1 phiên chợ, đàn ông xuống núi uống bát rượu ngô, râm ran trò chuyện; phụ nữ và trẻ em xuống núi tìm que kem mát, cái kẹo ngọt, bởi trong núi họ không làm ra được. 
Giá thực phẩm vùng cao sẽ đắt hơn bữa cơm bình thường ở các đô thị, bởi họ sản xuất để tự cấp, tự túc, khi mà hàng chục năm về trước, những phiên chợ đang diễn ra với tính chất hàng đổi hàng.
Người ở miền hoa tam giác mạch
Sinh ra trên mảnh đất biên giới thừa đá, thiếu đất, thiếu nước, khí hậu khắc nghiệt của xóm Tua Ninh, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, cậu bé Dinh Mí Pó nhìn nhỏ bé hơn nhưng khuôn mặt lại già dặn hơn nhiều so với cái tuổi 13 của mình. 
Thường ngày, sau khi hết giờ học ở trường PTCS Lũng Táo, Pó lại tất tả về nhà giúp mẹ làm những công việc gia đình. Gia đình có 6 người nhưng chỉ có Pó và mẹ là lao động chính bởi lẽ ông của Pó đã già lắm rồi, chẳng còn sức lao động. 
Cha Pó thì sức khỏe yếu, ốm đau thường xuyên, chỉ nhúc nhắc được những việc nhẹ. Hai đứa em còn nhỏ không những chưa biết làm việc mà còn phải trông nom chúng. Nên, mọi việc lớn, nhỏ đều dồn lên đôi vai của Mẹ Pó và Pó. 
Nương ngô nhà Pó chẳng nhiều nhặn gì, hàng năm phải chịu khó lắm mới đủ ăn. Có năm mất mùa, trời không thương, mẹ Pó phải đi làm thuê, làm mướn quanh xã để kiếm bát mèn mén nuôi gia đình. Cũng may có con bò là tài sản lớn nhất, quý giá nhất của gia đình. 
Để nuôi nó, thường ngày Pó phải leo lên những vách đá cheo leo để cắt cỏ rừng. Mùa này cỏ hiếm do thời tiết quá lạnh nên phải đi xa, leo cao mới đủ cỏ cho bò ăn. 
Ở nơi lưng chừng núi đá, nhiều khi vừa hái cỏ, vừa ngắm những đoàn khách du lịch từ dưới xuôi tấp nập đi ô tô, xe máy vào thăm Cột cờ Lũng Cú, ngắm hoa Tam Giác Mạch, Pó cũng rất vui. Rồi Pó ước, nhà mình cũng có một mảnh nương Tam Giác Mạch để mọi người đến chụp ảnh, ngắm hoa và để mẹ Pó có đồng ra đồng vào từ mảnh nương ấy. 
Nhưng thật tiếc, nhà Pó chỉ có nương ngô tít trên sườn núi cao, không có nương Tam Giác Mạch gần đường! 
Pó lại cặm cụi hái cỏ, thỉnh thoảng đưa ánh mắt tiếc nuối về phía chân núi, nơi tấp nập xe cộ, người và hoa...
Sẩm chiều, bó cỏ trĩu nặng trên vai như muốn ghim bàn chân bé nhỏ của Pó xuống con đường đá ngoằn nghèo xuống núi, như muốn trùm lấp lên tấm thân bé nhỏ của em. Trời rét căm căm, khách du lịch áo trong, áo ngoài đủ các sắc màu và chất liệu mà Pó chỉ muốn cởi tung chiếc áo Tà pủ phong phanh phơi ráo những giọt mồ hôi. Pó chỉ mong sớm về đến nhà để chăm sóc chú bò quý báu….
10.000 đồng cho mỗi khách vào ngắm hoa, hái hoa, chơi với hoa Tam giác mạch, nhiều du khách thấy ngỡ ngàng. Cô giáo trẻ giấu tên ở xã Lao Và Chải (huyện Yên Minh) lắc đầu ngậm ngùi: “Chúng em có muốn thu tiền đâu. Nhưng để có được sườn hoa đẹp như thế này, để đón các anh chị lên chơi, đoàn thanh niên, học sinh, giáo viên trong xã đã được huy động nhiều tháng trước phát nương, làm cỏ, bón phân… trên diện tích 5ha đất ven mép núi. Chúng em phải mua tới 2,5 tạ hạt giống gieo xuống đúng vụ, nay mới trổ hoa. 
Tiền đó không phải thu cho chúng em, mà thu để xã giữ lại để năm sau còn mua hạt giống gieo chờ hoa nở, đón du khách lên thăm đấy chứ. Thứ 7, chủ nhật là ngày nghỉ, chúng em được phân công ra đây đứng, có được nghỉ đâu. Vậy mà có đoàn các bạn trẻ còn cau có: “Đứng chụp có một tý mà cũng đòi tiền à?”, nghĩ cũng tủi lắm”.
Chiều xuống muộn ở Phó Cáo, ruộng hoa tam giác mạch nở tràn, khách vùng xuôi ào ào chụp ảnh, Cử Mý Xín ôm chiếc khèn Mông cất tiếng gọi bạn réo rắt. Xín nói rằng cái quán nước này Xín xin chủ ruộng hoa vừa mở vội, mỗi ngày bán nước, hạt hoa tam giác mạch và vài lít rượu tam giác mạch với vị khá lạ, cho khách vùng xuôi làm quà. 
Chén rượu tam giác mạch gắt nồng khi trời miền núi đang xuống tối rất nhanh, Xín kể rằng những đồng tiền nhặt nhạnh vào mùa này, Xín dùng để mua sách vở và mấy bộ quần áo ấm cho các con đến trường, khi vùng đá núi nhiều hơn đất này sắp vào mùa lạnh cuối năm. 
Tiếng khèn của Xín réo rắt vẳng phía sau, khi những đoàn ô tô, xe máy vội vã rời Phó Cáo, hướng thẳng về thị trấn Đồng Văn tràn ánh điện.
"Tôi cũng như nhiều người từng vượt đỉnh Mã Pí Lèng, từng say rượu ngô trong những phiên chợ tình Khau Vai, từng ngất ngây trong mùa tam giác mạch đã không thể kiềm được bức xúc trước hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội vừa qua. Chiếc ô tô sang trọng gắn biển Hà Tây cũ (Hà Nội mới) từ miền xuôi lao vụt tới miền cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Những bàn tay trẻ con vẫy chào hồ hởi như bị tát gáo nước lạnh vào mặt, dù nước là thứ quý hiếm như vàng ở vùng đất núi đá tai mèo này, khi cửa kính được hạ xuống vội vàng và những cái kẹo được ném ra"...

Đọc thêm