Hà Nội để sổng 'con gà đẻ trứng vàng'?

(PLO) - Một trong những lý do khiến lượng khách Tây Âu đổ sang các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia... là khi đến Việt Nam họ không có gì để giải trí, tiêu tiền. Hay nói cách khác, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lâu nay đã để sổng “con gà đẻ trứng vàng”?.
Du khách trải nghiệm ẩm thực Hà thành

Đêm mới là thời điểm du khách mở hầu bao

Từ lâu lắm rồi, du khách đến Hà Nội vẫn chỉ loanh quanh với các điểm tham quan cũ mèm. Ngoài việc đi tham quan phố cổ, chợ đêm với những món “hàng chợ”, xem rối nước, du khách chẳng biết khám phá Hà Nội gì về đêm. Mặc dù là trung tâm văn hóa hàng đầu của Việt Nam nhưng bấy lâu nay sản phẩm du lịch của Hà Nội vẫn kém hấp dẫn.

Các quán bar, vũ trường đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách nước ngoài rất khan hiếm, lại phải đóng cửa trước 0 giờ. Du khách chẳng có chỗ nào chơi và thưởng thức ẩm thực trong khi thành phố đã dần chìm vào giấc ngủ. Nhu cầu ăn đêm của du khách cũng bị hạn chế vì quy định giờ giới nghiêm. 

Khách Tây đang quen với múi giờ sinh hoạt của nước họ, việc bị đuổi khỏi nhà hàng vào lúc 12h khiến ai cũng thất vọng tràn trề. Anh Lars, giáo viên tiếng Anh ở Trung tâm Acet, một người nước ngoài hay đến phố Tạ Hiện, Hà Nội nuối tiếc chia sẻ: “Tôi đã ở Việt Nam gần 10 năm rồi, cuối tuần tôi và vợ hay đến bar để uống bia. Chúng tôi thích đi chơi về muộn, nhảy và ăn uống. Chẳng người bạn nào của chúng tôi muốn về trước 12h cả. Đó là thời điểm vui nhất, nhưng ở Hà Nội mọi thứ đều đóng cửa trước 12h”. 

Quả thật, khoảng 23h30, cảnh tượng ở Tạ Hiện, một con phố tiêu biểu cho du lịch Hà Nội đột nhiên chìm vào im lặng, khác hẳn với không khí nửa tiếng trước đó đã khá quen thuộc với người dân. Bàn ghế vội được kê vào trong, những cánh cửa đành hạ xuống. Chủ quán đành cáo lỗi với khách, đa phần là khách nước ngoài trong tiếng kêu đầy thất vọng của họ. Có lẽ đã đến lúc Hà Nội cần thay đổi!

Chị Nguyễn Quỳnh Cúc Hương, chủ một quán ăn tại 63 Hàng Buồm cho biết: “Bỏ quy định cấm buôn bán sau 24h là cực kỳ hợp lý. Chúng tôi không kinh doanh chất cấm, không gây mất trật tự công cộng mà mỗi khi đêm về lại phải chịu cảnh chui lủi. Khách đến phố cổ đa số là người nước ngoài, khách du lịch, thanh niên, vậy mà lại đuổi họ về đi ngủ khi họ chưa muốn”. 

Khách đi tham quan di tích, sau bữa ăn tối họ muốn khám phá văn hóa, cuộc sống Hà Nội về đêm thì các điểm vui chơi đã chuẩn bị đóng cửa, hoặc đã tắt nhạc. Nhiều du khách thốt lên: “Hà Nội buồn tẻ về đêm!”. Chính vì thế, từ lâu nay Hà Nội vẫn chỉ là điểm trung chuyển khách du lịch. Thời gian lưu trú của khách thường không quá 2 ngày vì ở đến ngày thứ 3 thì không biết vui chơi tại đâu.

Một số nước: Hồng Kông, New York, Thái Lan, Singapore, Philippines… người ta cũng không giới hạn thời gian khách du lịch chơi đêm. Bởi, càng mở rộng thời gian sẽ tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm thú vị về đêm. Du khách sẽ mở hầu bao chi tiêu nhiều hơn, tăng hiệu quả kinh doanh du lịch. Rõ ràng đây là lúc “đốt tiền” của du khách.

Vào ban ngày, du khách đi chơi và gần như không mua sắm gì do chi phí đã nằm trong giá tour. Ban đêm chính là thời gian khách tiêu tiền nhiều nhất, chứ không phải ban ngày. Trong khi bữa tối theo tour giá chỉ chừng 10 USD/người, thì việc họ chi tiêu trong đêm có thể cao gấp nhiều lần, lên 100 - 200 USD/người.

Khách Việt Nam đến Thái Lan có thể tiêu 100 USD/ngày; đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu tiêu 130 - 150 USD/ngày. Nhưng theo khảo sát mới đây của Tổng cục Du lịch thì một khách quốc tế ở Việt Nam có đến 33,14% chi phí là tiền thuê phòng; 23,74% ăn uống; mua hàng hóa 18,34%; vui chơi giải trí chỉ 3,56%... Rõ ràng, để tăng doanh thu du lịch, không còn cách nào khác là tăng chi tiêu cho vui chơi giải trí về đêm.

Sẽ “mở cửa” suốt đêm đón khách?

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, tổ chức tại Hội An, Quảng Nam ngày 9/8 , Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung không ngần ngại chỉ ra một số tồn tại du lịch Hà Nội. Theo đó, Hà Nội thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp; thiếu khu vui chơi giải trí; lượng khách ở lại Hà Nội đạt tỉ lệ thấp; số lượng người dân tham gia vào mạng lưới du lịch cũng còn yếu và thiếu. Sự hấp dẫn du khách của Hà Nội hiện nay để du khách quay lại cũng còn yếu”.

Và đặc biệt, Hà Nội vẫn còn một số rào cản hạn chế vui chơi giải trí về ban đêm. Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Hà Nội sẽ rà soát lại và sẽ mở cửa để làm sao khách du lịch quốc tế có thể vui chơi, mà người ta đánh giá các điểm vui chơi ban đêm là “đặc sản” riêng của Hà Nội”, ông Chung nói. “Hiện nay chúng ta đang cấm, chỉ chơi đến 24h. Ngay trong mùa thu này sẽ mở cửa lại”.

Lời hứa của Chủ tịch UBND thành phố đã thành hiện thực khi UBND thành phố vừa mới có thông báo bước đầu thành phố sẽ thí điểm hoạt động kinh doanh các nhà hàng, quán bar sau 24h, đến 2h sáng ngày hôm sau, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.Việc nới “giờ giới nghiêm” được thực hiện từ 1/9 và bước đầu chỉ thực hiện trong 3 ngày cuối tuần.

Mọi hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán bar sau 24h phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh. Nhà hàng đăng ký kinh doanh với quận Hoàn Kiếm, có cách âm tốt không gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh và nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em.

Việc gỡ bỏ quy định giờ giới nghiêm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo do Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ký ngày 26/6. Theo đó, Nghị quyết đặt ra đến năm 2020 đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và Thủ đô thân thiện môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn khách du lịch, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn, quan trọng của cả nước và khu vực, có đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Việc Hà Nội sẽ “thâu đêm”- gỡ bở lệnh cấm kinh doanh sau 0 giờ mở ra cơ hội cho ngành du lịch phát triển. Du khách, người dân đến Hà Nội sẽ được thoải mái vui chơi khám phá thành phố cả về đêm. Du khách đến Hà Nội sẽ không bị buộc đi ngủ sớm, ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch sẽ có cơ hội tăng doanh thu...

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch , trong 6 tháng đầu năm 2016, Hà Nội đã đón khoảng 1,5 triệu khách quốc tế, tăng 39,3% so với cùng kỳ, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 55.000 tỷ đồng. Hay nếu tính riêng tháng 7/2016, lượng khách được ghi lại ước đạt 192 nghìn người, tăng 12,4% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 5 năm tới, Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Về thực trạng ngành du lịch Hà Nội, ông Chung nêu có các nội dung chính: Năm 2015, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 20 triệu lượt khách, trong đó có trên 3,2 triệu lượt khách quốc tế và trên 16,4 triệu lượt khách nội địa. Ngành du lịch Hà Nội tăng 15% bình quân hàng năm, doanh thu đạt trên 55 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,2% GDP của Hà Nội. Hà Nội được tạp chí du lịch quốc tế bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn của châu Á. 6 tháng đầu năm 2016 được bình chọn là 1 trong 8 điểm du lịch hấp dẫn của thủ đô các nước trên thế giới.

Đọc thêm