Hà Nội khó kiểm soát nhập cư vì… Luật Cư trú

Qui định về quản lý dân cư nhằm giảm tải mật độ dân cư ở Thủ đô vẫn gây tranh cãi trong Dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) vì còn vướng Luật Cư trú.

Qui định về quản lý dân cư nhằm giảm tải mật độ dân cư ở Thủ đô vẫn gây tranh cãi trong Dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) vì còn vướng Luật Cư trú.

Khó thì “giao cho Chính phủ” (!?)

Hiện Dự thảo LTĐ đang băn khoăn 2 phương án về quản lý dân cư. Theo đó, nếu giữ nguyên như Dự thảo cũ thì nhược điểm là khó bảo đảm tính ổn định trong trường hợp Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung sau khi LTĐ có hiệu lực. Nhưng để không bị phụ thuộc vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú, Dự án LTĐ qui định “giao Chính phủ quy định điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành” (theo phương án 2) lại là “làm khó” Chính phủ.

Hạn chế nhập cư vào Hà Nội phải đảm bảo không hạn chế quyền công dân. Ảnh minh họa
Hạn chế nhập cư vào Hà Nội phải đảm bảo không hạn chế quyền công dân. Ảnh minh họa

Vì trong điều kiện LTĐ có hiệu lực trước khi Luật Cư trú được sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ không thể ban hành một Nghị định qui định điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô trái với các qui định của Luật Cư trú. Vậy là bàn đi tính lại, qui định về quản lý dân cư trong Dự thảo LTĐ vẫn “dậm chân tại chỗ” bởi chưa tìm được lối vượt qua cái “barie” Luật Cư trú.

Liên tưởng đến Nghị quyết số 23 của HĐND TP.Đà Nẵng, những điều kiện “hạn chế nhập khẩu ở nội đô” đã gây ra những “sóng gió” dư luận trái chiều. Dù thành phố này cương quyết bảo vệ quan điểm rằng qui định như vậy không trái Luật Cư trú, không vi phạm bất kỳ qui định nào của pháp luật hiện hành và đúng thẩm quyền, nhưng Bộ Tư pháp, cụ thể là Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL), trước sau “phán quyết” nội dung này (và một số nội dung khác) của Nghị quyết 23 phải bị “trảm” vì không hợp hiến và hợp pháp, nhất là khi căn cứ vào qui định của Luật Cư trú hiện hành.

“Lình xình” quanh Nghị quyết 23 đang tạm thời im ắng để chờ TP.Đà Nẵng thực hiện Công văn của Bộ Tư pháp về “tự kiểm tra và xử lý VBQPPL trái pháp luật” trong thời hạn luật định. Thậm chí đã có “ảo vọng” qui định “hạn chế nhập cư” trong Nghị quyết 23 được thực hiện thành công, biết đâu là “kinh nghiệm thực tiễn quý báu” cho qui định về quản lý dân cư của Dự thảo LTĐ (!!!).

Song rút kinh nghiệm từ câu chuyện Nghị quyết 23, thì qui định về quản lý dân cư trong Dự thảo LTĐ muốn “sống sót” phải đảm bảo “không động chạm đến quyền cơ bản của công dân, trên cơ sở rà soát lại các qui định pháp luật, bám sát pháp luật cư trú để sau này Luật Cư trú sửa đổi thì LTĐ vẫn phù hợp” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo LTĐ cũng lưu ý rằng, các qui định được cho là điều kiện “hạn chế nhập cư vào Thủ đô” khiến nhiều người lên án là “vi phạm quyền hiến định, quyền cơ bản của công dân là quyền tự do cư trú” thực tế chỉ là “hạn chế nhập cư vào 4 quận nội đô (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) để tạo điều kiện cho các quận này phát triển phù hợp, ngăn số lượng dân cư ngày càng “phình to” trong khi cơ sở hạ tầng của các quận này không thể thay đổi, chứ không phải hạn chế quyền nhập cư, cư trú của công dân vào Thủ đô”.

Đặc thù là “thêm” chứ không “trái” luật

Cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình xây dựng Dự thảo LTĐ, xác định những vấn đề mang tính đặc thù cho Thủ đô luôn vấp phải nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, ngoài quy định cụ thể, pháp luật cũng có những quy định riêng, ngoại lệ và đó có thể coi là cơ sở để quy định các vấn đề đặc thù trong Dự thảo LTĐ. Hiểu như vậy thì những qui định đặc thù của LTĐ chỉ là qui định thêm, chứ không phải qui định trái hay sai (có nội dung khác) so với hệ thống qui định pháp luật hiện hành.

Do vậy, Ban soạn thảo Dự án LTĐ nhất trí “xử lý” vấn đề “đặc thù” trong LTĐ bằng cách giao các ngành, các lĩnh vực rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan, điều chỉnh những nội dung cần thiết... liên quan đến nội dung cụ thể của các qui định đặc thù. Từ đó, xây dựng các qui định tạo sự “tự chủ trong giới hạn để tạo đà phát triển” trong khung quyền hạn có sự kiểm soát của Nhà nước…

Điểm đáng lưu lý của Dự thảo lần này là đã loại bỏ điều khoản “Thủ đô được giữ lại 100% khoản vượt thu ngân sách” sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH; bổ sung trách nhiệm của Hà Nội trong việc trình Chính phủ quy định lộ trình, chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để di dời trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, trụ sở cơ quan trung ương, bệnh viện không phù hợp với quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành và không xây dựng mới các tổ chức trên ở khu vực này; bố trí quỹ đất sạch, còn các cấp ngân sách thì đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở mới cho các cơ quan nhà nước phải di dời theo qui hoạch chung của Thủ đô; chủ động phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô để liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Huy Anh

Đọc thêm