(PLO) - Lệnh cấm đã qua vài tháng, tuy nhiên ở rất nhiều địa điểm, công tác giải phóng các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vẫn dậm chân tại chỗ.
Khó xử lý triệt để
Qua khảo sát, trên địa bàn Hà Nội, nhiều điểm trong giữ xe đã chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cấm. Song cũng không ít điểm vẫn “án binh bất động”. Tiêu biểu như đoạn gầm cầu Vĩnh Tuy, đoạn cắt phố Minh Khai và cắt đường quốc lộ 5; đoạn đường vành đai 3 qua cầu Dậu (đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Xiển); gầm cầu Long Biên, gầm cầu Thanh Trì, gầm cầu vượt Ngã Tư Sở một thời gian giải tỏa được trông giữ xe máy và bán nước chè, thì nay một số người vẫn cài chốt để làm nơi sửa chữa khóa…
Theo quy định, gầm cầu giao thông là kết cấu hạ tầng phục vụ cho nhu cầu giao thông. Chẳng may nếu xe hoặc hàng hóa dưới gầm cầu bị cháy, sẽ ảnh hưởng đến kết cầu dầm cầu. Lúc đó, chắc chắn sẽ phải kiểm tra lại toàn bộ dầm cầu. Hơn thế, nếu chẳng may cầu sập thì hậu quả thật khó mà tưởng tượng nổi. Và bất cứ việc kinh doanh, hoặc dùng làm điểm đỗ xe cũng đều đe dọa đến độ an toàn của công trình.
Cụ thể hơn, trong Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.
Biết là thế, song với tốc độ gia tăng đến chóng mặt các loại phương tiện, đặc biệt là ô tô thì Hà Nội thiếu nghiêm trọng các điểm đỗ xe. Theo đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiến hành cấp phép một phần các gầm cầu, để đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh trên địa bàn, đồng thời nhằm chống lấn chiếm, đổ phế thải ra khu vực gầm cầu. Rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thuê địa điểm làm nơi trông giữ xe nhằm kiếm lời. Đến nỗi, có thể nói hở chỗ nào là biến thành nơi trông giữ xe.
Từ đầu năm 2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm đỗ xe, trông giữ xe; kiểm tra, rà soát sắp xếp lại các điểm đỗ xe, trông giữ xe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, đầu năm 2013 Sở Giao thông Vận tải đã ra thông báo thu hồi, giải tỏa một số điểm trông giữ xe, tại các khu vực gầm cầu.
Tiếp đó, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội phải tiến hành kiểm tra, giải tỏa, trả lại mặt bằng gầm cầu cạn vành đai 3, gầm cầu: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Pháp Vân… trước ngày 30/5. Ấy vậy, đầu tháng 11, nhiều địa điểm vẫn… phớt lờ lệnh cấm.
Người dân để xe ở đâu?
Gọi điện hỏi xin đăng ký chỗ gửi xe theo số điện thoại của công ty hiện đang kinh doanh bãi tại gầm cầu Vĩnh Tuy đoạn cắt phố Minh Khai, người trực điện thoại cho biết: “Đúng là đã có ý kiến chỉ đạo giải tỏa nhưng vẫn chưa tìm được chỗ nào để đi. Anh cứ đến đăng ký, được ngày nào hay ngày đó, rồi đâu lại vào đó cả thôi”.
Hỏi một số người dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh bãi, họ tỏ ra hết sức lo lắng vì sẽ không biết gửi xe ở đâu. Thậm chí, một số người nắm rất rõ thông tin rằng ở Hà Nội hiện chỉ có 700 điểm đỗ xe có phép, và chỉ đáp ứng 8 đến 10% nhu cầu, nên tin tưởng rằng Hà Nội chỉ “mạnh tay” một thời gian, rồi do thiếu địa điểm, sẽ lại phải… cấp phép (?!).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải từng nói, khi phía Bộ yêu cầu giải tỏa toàn bộ bãi đỗ xe dưới gầm cầu và gầm đường vành đai 3, TP.Hà Nội đã có đề xuất để lại một số khoang cầu không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông làm bãi đỗ xe, do đang rất thiếu bãi đỗ. Ông Huyện cũng cho biết thêm: “Việc dẹp bãi đỗ xe nếu không làm nghiêm túc thì không bao giờ Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh được!”.
Nói gì thì nói, bảo vệ kết cấu gầm cầu là rất quan trong, bởi nó liên quan đến tuổi thọ của cầu. Nhưng TP.Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải cũng nên khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu đỗ xe, số lượng các phương tiện, đồng thời nhanh chóng kết hợp cùng các ban ngành liên quan, quy hoạch, xây dựng các bãi đỗ xe. Các gầm cầu có bớt lộn xộn, giao thông Hà Nội có bớt căng thẳng và bế tắc hay không, chẳng những phụ thuộc rất lớn đến công tác quản lý, mà cốt lõi nhất là vấn đề quy hoạch bãi đỗ xe, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân.