Từ đêm 14 đến chiều nay, 15/9, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra mưa to, kèm theo gió lớn đã khiến nhiều nhiều cây cối bị gãy đổ, hàng ngàn ngôi nhà của các hộ dân bị ngập úng, 1 người dân đã thiệt mạng trong phòng chống mưa bão…
12h hôm nay, tại Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió cấp 11,12 giật cấp 15; trên địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa vừa mưa to, lượng mưa đo được tại các trạm thủy văn tính từ 07 giờ ngày 14/10 đến 12 giờ ngày 15/10 như sau: Linh Cảm 140,8mm; Sơn Kim 83,2mm; Sơn Diệm 75,9mm; Chu Lễ 253,4mm; Hòa Duyệt 166,3mm; Thạch Đồng 212,2mm; Cẩm Nhượng 182,7mm; Hà Tĩnh 282,6mm; Kỳ Anh 158,5mm; Hoành Sơn 189,4mm; Hương Khê 265,0mm; Hương Sơn 128,7mm ; Kẽ Gỗ 185,0mm; Sông Rác 169,0mm.
Thông tin từ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), trong lúc chằng chéo nhà cửa để tránh bão, trước sức gió mạnh của cơn bão số 10, một người dân ở xã Xuân Thành của huyện tử vong. Danh tính người đàn ông xấu số được xác định là anh Trần Văn Lập (SN 1987, trú tại thôn Thành Hải, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện là chủ của nhà hàng Cúc Bổng đóng trên địa bàn.
Mưa bão khiến cây cối tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh gãy đổ |
Tại thị xã Kỳ Anh, được coi là "tâm bão" của tỉnh Hà Tĩnh, sức gió giật mạnh cấp 10, nước bờ biển dâng cao, khu vực sông suối tràn qua bờ, lan chạy vào tận khu dân cư, nhất là sông Trí. Dọc đường ở thị xã Kỳ Anh, do gió quật mạnh, mưa lớn khiến cây cối, tốc mái nhiều nhà dân. Không một người dân nào ra đường, chỉ có xe công an và lực lượng an ninh trật tự. Nhiều mái nhà hai bên Quốc lộ 1A đoạn qua Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã bị tốc mái, bay xuống đường.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng đồn công an Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh cho biết mưa gió rất lớn. Ở điểm xã Kỳ Nam, thuộc thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh là tâm điểm của bão. Hiện gíó giật rất mạnh khiến một xe tải bị lật, 2 xe máy bị ngã khiến 2 người bị thương.
Đặc biệt, vào sáng 15/9, do gió giật mạnh, cột sóng đài truyền hình thị xã Kỳ Anh bị rung lắc dữ dội nên 13 hộ gia đình (34 nhân khẩu) sống xung quanh khu vực tháp đài truyền hình thị xã Kỳ Anh phải di tản dân đến Trường THCS Sông Trí để trú ngụ. Đến 11h cùng ngày, cột đài truyền hình thị xã Kỳ Anh đã bị gãy đổ do không chịu được sức quật quá mạnh của mưa bão.
Các tuyến đê ven biển bị sóng đe dọa |
Tại huyện Cẩm Xuyên, khu vực các xã ven biển huyện này có gió mạnh. Một số khu vực tại xã Cẩm Nhượng nước biển đã dâng vào đường thôn do sóng lớn vượt qua kè Cửa Nhượng. Công tác sơ tán dân tại vùng này cơ bản hoàn thiện trước đó nên ít gây thiệt hại.
Chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng cung cấp nhu yếu phẩm liên tục cho người dân đang đươc sơ tán đi tránh bão. Cũng tại huyện Cẩm Xuyên, tính đến trưa ngày 15/9, có 20 thôn bị ngập nước với khoảng 2.700 hộ ảnh hưởng. Có 31ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, thuyền bè nổi nuôi cá bị nước cuốn trôi.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, sáng 15/9, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác đã đến thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để chỉ đạo công tác ứng phó ở cơ sở. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát vùng nguy hiểm để xem ai còn trong nhà ở vùng nguy hiểm thì di dời hết.
Người dân phải đến các trường học để trú ngụ tránh bão |
Cũng trong ngày 15/9, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã về kiểm tra việc ứng phó cơn bão số 10 tại thị xã Kỳ Anh. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão tại KKT Vũng Áng và đến động viên bà con nhân dân Kỳ Lợi tránh trú bão ở Đồn Công an Vũng Áng.
Đoàn công tác Bộ xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng dẫn đầu cũng đã về kiểm tra tình hình ứng phó cơn bão số 10 ở thành phố Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đi với đoàn.Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đã đi kiểm tra toà nhà 18 tầng trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc phường Trần Phú (thành phố Hà Tĩnh).
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng kiểm tra ở Hà Tĩnh |
Qua kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phải bố trí lực lượng giám sát chặt chẽ, sắp xếp các nguyên vật liệu cẩn thận đề phòng gió bão gây nguy hiểm, mất an toàn cho công trình và khu vực dân cư.
Đoàn cũng đến kiểm tra tháp truyền hình của Đài Truyền hình Hà Tĩnh. Đoàn công tác cảnh báo đã có nhiều trường hợp đỗ gãy, thiệt hại về người do gió bão, vì vậy cần theo dõi diễn biến tình hình để chủ động ứng phó khi có vấn đề xảy ra.
Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức vận hành và quản lý để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; Hồ Kẽ Gỗ bắt đầu xả tràn từ 16h ngày 13/9 với lưu lượng 50m3/s-150m3/s; 7h ngày 14/9/2017 các hồ Bộc Nguyên, Sông Rác, Kim Sơn, Thương Sông Trí, Tàu Voi đã đồng loạt xả lũ điều tiết với lưu lượng từ 20-150m3/s, hồ Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả tràn điều tiết từ lúc 6h ngày 15/9 với lưu lượng 34m3/s đến 11 giờ ngày 15/9 đã tăng lưu lượng xả lên 660m3/s. Tùy tình hình thời tiết các hồ sẽ chủ động sẽ tăng lưu lượng xả để giảm thiểu ngập lụt cho nhân dân.
Thực hiện các công điện của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chiều 14/9. Hà Tĩnh đã huy động 11.979 cán bộ chiến sỹ và 30 ô tô các loại; 3 ca nô; 150 xe máy cá nhân của các lực lượng Công an (500 người), Quân sự (10.979 người), Biên phòng (500 người) giúp các địa phương trong công tác di dời dân và thu hoạch lúa, hoa màu các loại.