Hải Phòng: Nhà máy nước tiền tỷ đang "đắp chiếu"

(PLO) - Năm 2009, Nhà máy nước Quang Trung và Nhà máy nước An Tiến (Cty CP Cấp nước thị trấn An Lão) được đầu tư, cải tạo, nâng cấp bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Phần Lan và ngân sách địa phương với số tiền hơn 6 tỷ đồng, nhưng đến nay một nhà máy thì bỏ hoang, một nhà máy thì dư lượng Clo vượt 6,4 lần cho phép.
Ông Lịnh chua xót nói về Nhà máy nước Quang Trung bỏ hoang
Ông Lịnh chua xót nói về Nhà máy nước Quang Trung bỏ hoang
Hàng tỷ đồng “đắp chiếu”
Tháng 2/2009, UBND TP.Hải Phòng phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước thị trấn An Lão, huyện An Lão” nhằm cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước của Nhà máy nước (NMN) Quang Trung và An Tiến để cung cấp nước đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh cho dân cư thị trấn An Lão.
Tuy nhiên, NMN Quang Trung (thôn Câu Hạ A, xã Quang Trung) bỏ hoang từ lâu, thiết bị và hạng mục công trình “đắp chiếu” xuống cấp, hỏng hóc, nhiều thiết bị được tháo dỡ. Lý giải điều này, ông Đỗ Văn Lịnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thương binh 23/8, người trực tiếp quản lý NMN Quang Trung cho biết, do đường ống dẫn nước từ sông Đa Độ vào NMN bị sụt lún nên không thể dẫn được nước thô. Ông Lịnh cho biết, dù NMN không hoạt động nhưng HTX Thương binh 23/8 vẫn đang phải trả món nợ lên tới 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. 
Trước sự lãng phí này, một người dân thôn Câu Hạ đã phải thốt lên: “Chúng tôi không hiểu vì sao các ngành chức năng không có biện pháp cải tạo, thay thế đường ống dẫn nước. Nhìn NMN hàng tỷ đồng nằm phơi nắng, phơi sương như vậy thì quá lãng phí cả đất lẫn nguồn ngân sách của Nhà nước”. Nhưng có được cải tạo thì nguồn nước thô lấy từ sông Đa Độ cũng có nguy cơ ô nhiễm nặng, vì theo quan sát của phóng viên (PV)) cách NMN chừng vài trăm mét, hàng nghìn con vịt được quây và nuôi thả ngay tại điểm lấy nguồn nước. 
Ông Lịnh cho biết, để thay thế NMN bỏ hoang trên, ông đã bỏ tiền túi xây dựng một NMN khác cách NMN Quang Trung khoảng 1km. Khi PV đặt câu hỏi về giấy phép xây dựng NMN, ông Lịnh giải thích: NMN được xây dựng theo Quyết định số 4801/QĐ-UBND ngày 18/8/2011 của UBND TP.Hải Phòng về việc “Phê duyệt kế hoạch đấu thầu xây dựng các hạng mục công trình cấp nước sạch nông thôn năm 2011 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn Hải Phòng, giai đoạn 2011- 2015”, do vậy “HTX không cần phải xin phép xây dựng”(?!).
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là sự buông lỏng quản lý nhà nước trên địa bàn huyện An Lão, sự lãng phí đất đai và ngân sách của Nhà nước trong việc xây dựng NMN, trách nhiệm  thuộc về ai? Trong thời gian tới, tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô của NMN Quang Trung sẽ được xử lý ra sao?
Lượng Clo vượt 6,4 lần cho phép
Cũng có nguy cơ nước bị ô nhiễm như NMN Quang Trung, NMN An Tiến khiến bà con chưa yên tâm về chất lượng khi nước đục như gạo, nồng nặc mùi Clo. Làm việc với ông Lương Văn Khu, đại diện NMN An Tiến (thuộc HTX Sông Vàng) thì được cho biết, quá trình sục rửa đường ống định kỳ, nước sẽ có vẩn đục trong khoảng thời gian ngắn, đây là sự cố ngoài ý muốn của bất cứ NMN nào. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nguyên nhân là do sự bất cẩn của NMN khi cho thay thế, lắp đặt đường ống dẫn nước mới. 
Đặc biệt, phiếu kết quả phân tích chất lượng nước do Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng lập ngày 2/6/2015 cho thấy mẫu nước tại NMN An Tiến có chỉ tiêu Clo dư vượt 6,4 lần tiêu chuẩn cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng nước, Trung tâm Y tế dự phòng yêu cầu đơn vị kiểm tra lại quy trình khử trùng nước.
Liên quan tới chất lượng nước, ông Khu đưa ra Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được ông Nguyễn Đăng Sành, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão ký ngày 29/12/2009. Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Đào Văn Tần - Giám đốc Cty CP Cấp nước thị trấn An Lão, vị này khẳng định Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường này không còn giá trị pháp lý. Lý do là so với thời điểm 2009, NMN An Tiến sau khi được nâng cấp và mở rộng vào năm 2010  đã thay đổi hoàn toàn về quy mô, thiết kế cũng như vị trí.
Không chỉ có vậy, ngày12/4/2013 HTX Sông Vàng đã nhận chuyển nhượng của Cty TNHH Núi Voi toàn bộ tài sản gắn liền với lô đất có diện tích 2,586m2, gồm bể nước thô, trạm biến áp và đường ống nước sạch được xây dựng từ NMN An Tiến đến các xã với giá 5 tỷ đồng. 
Cơ sở pháp lý nào để Cty TNHH Núi Voi, một cổ đông của Cty CP Cấp nước An Lão chuyển nhượng toàn bộ tài sản gắn liền với đất cho HTX Sông Vàng? Việc tự ý chuyển nhượng tài sản nêu trên có đúng quy định của pháp luật hay không? Những câu hỏi này PLVN xin chuyển đến các ngành chức năng huyện An Lão và TP.Hải Phòng.

Đọc thêm