Hàn Quốc: Chủ tịch SK Group điều hành tập đoàn hiệu quả ngay cả khi ngồi tù

(PLVN) - Dẫn dắt SK Group trở thành tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc, Choi Tae Won là một cái tên vừa gây tranh cãi vừa được ngưỡng vọng khi cuộc đời của vị Chủ tịch này cũng gặp nhiều sóng gió khi 2 lần bị kết án vì tội gian lận tài chính.
Hàn Quốc: Chủ tịch SK Group điều hành tập đoàn hiệu quả ngay cả khi ngồi tù

Sunkyung Textiles, tiền thân của SK Group, được thành lập vào năm 1953 khi Chiến tranh Hàn Quốc vừa kết thúc và được dẫn dắt bởi bác ruột của Choi Tae Won là Choi Jong Gun (1926-1973). Khi đó, tận dụng những ưu đãi về vay vốn và thuế của chính phủ đối với ngành dệt may, Sunkyung Textiles bắt đầu sản xuất polyester và bắt đầu xuất khẩu tơ nhân tạo sang Hong Kong (từ năm 2017 công ty đổi tên thành SK, viết tắt của Sunkyung).

SK Group là tập đoàn sở hữu SK Telecom, một trong những công ty viễn thông lớn nhất, dẫn đầu công nghệ truyền thông ở Hàn Quốc và SK Hynix, công ty sản xuất bộ nhớ - chip lớn thứ hai thế giới chỉ sau Samsung Electronics. SK Group hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam với doanh thu hợp nhất đạt 184 tỉ USD tính đến cuối năm 2018. Chủ tịch Choi Tae Won, theo đánh giá của Forbes là người giàu thứ 6 của Hàn Quốc với tài sản trị giá 3,7 tỉ đô. 

Đại gia “lắm tài thì nhiều tội”

Choi Tae Won sinh ngày 3/12/1960, trong quãng thời gian đi du học tại Đại học Chicago, Choi đã bắt đầu làm quen việc quản lý nhiều chi nhánh của SK trên đất Mỹ từ năm 1989. Năm 1994, Choi Tae Won quay trở về Seoul và giữ chức Giám đốc quản lý tập đoàn. Đến năm 1997, ông được thăng chức làm CEO của SK Corp, lúc đó là công ty con lớn nhất của tập đoàn SK. Năm 37 tuổi, Choi chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch tập đoàn SK khi cha đẻ của ông – Chủ tịch Choi Jong Hyeon qua đời.

Trong 2 năm đầu ở cương vị lãnh đạo, Choi Tae Won đã chứng tỏ bản lĩnh khi chi 2.300 tỉ won (tương đương 2 tỉ USD) thâu tóm đối thủ Shinsegae Telecom trong ngành viễn thông. Lúc này, Choi cũng sẵn sàng tiến ra thị trường nước ngoài. 

Tuy nhiên, những kế hoạch viễn chinh mở rộng ra nước ngoài sau này của Choi đều bị hoãn lại, nhường chỗ cho những năm tháng “vào tù ra tội”. Năm 2003, Choi Tae Won bị buộc tội làm sai lệch sổ sách kế toán liên quan đến khoản tiền 1,2 tỉ USD tại SK Networks, một trong những công ty con của SK Group. Ông bị kết án 3 năm tù, song cuối cùng lại được hưởng ân xá, không phải ngồi tù.

Choi Tae Won (bên phải) chính thức làm Chủ tịch SK Group từ năm 1998.
 Choi Tae Won (bên phải) chính thức làm Chủ tịch SK Group từ năm 1998.

Choi không tiếp tục kế hoạch mở rộng SK mãi tới năm 2007, thời điểm ông biến SK Corp thành công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán với cái tên SK Holdings. Ông cũng là người đưa SK đến với thị trường Trung Quốc, chủ yếu đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu và năng lượng, hóa chất ở Thượng Hải và Vũ Hán.

Ngày 29/12/2011, Choi Jae Won - Phó Chủ tịch SK Group, em trai ông Choi Tae Won bị bắt tạm giam sau khi có đơn tố cáo và bằng chứng cho thấy hai anh em nhà họ Choi có hành vi biển thủ tiền của Tập đoàn.

Theo cáo buộc, cả hai đã biển thủ 99,2 tỉ won (tương đương hơn 86 triệu USD) trong tổng số 280 tỉ won tiền đầu tư tại 18 công ty con thông qua một công ty đầu tư trung gian có tên là Benex Investment. Ngoài ra, cả hai còn lập quỹ đen với số tiền là 13,9 tỉ won có nguồn gốc là tiền công quỹ. Choi Tae Won chính thức bị bắt vì tội chiếm dụng quỹ của công ty và bị kết án 4 năm tù vào tháng 2/2014. 

Điều hành tập đoàn qua song sắt

Từ một người quyền cao chức trọng, thuộc top giàu có bậc nhất Hàn Quốc, việc Chủ tịch Choi “sa cơ lỡ bước” vào song sắt nhà tù khiến không ít người lo ngại. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Choi đối với SK Group vẫn không suy yếu dù vào sau song sắt nhà giam, bằng chứng là Choi không những giữ nguyên chức vụ mà còn tiếp tục chỉ đạo công việc kinh doanh của công ty như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trong tù, Choi có thể liên lạc với cấp dưới tại công ty cũng như tham gia vào quy trình điều hành và ra quyết định. Điều đáng chú ý là trong thời gian Choi Tae Won ngồi tù, tình hình kinh doanh không sụt giảm mà cổ phiếu của SK Hynix còn tăng 51% nhờ lợi nhuận ròng năm 2014 tăng 40%. Cổ phiếu của SK Holdings cũng gần gấp 3 lần với với lợi nhuận tăng 90%.

Theo một số nguồn tin từ nhà tù Uijeongbu - nơi Choi Tae Won ở, vị Chủ tịch này đã từng có 171 cuộc họp “đặc biệt” với các vị khách ghé thăm khi bị giam giữ từ tháng 2/2013 đến tháng 7/2014. Mặc dù mới thụ án được có 17 tháng nhưng tù nhân Choi Tae Won đã được 1.778 lượt khách ghé thăm, trung bình 3 người/ngày. 

Choi Tae Won bị bắt vào năm 2003.
 Choi Tae Won bị bắt vào năm 2003.

Đều đặn, các giám đốc điều hành của các công ty thành viên sẽ gửi báo cáo đến cho đội ngũ luật sư của ông Choi - những người được tự do tiếp xúc với ông trong tù. Sau đó, Choi Tae Won sẽ rà soát các báo cáo và đưa ra ý kiến chỉ đạo trong các cuộc họp kéo dài khoảng 15 phút, 2 lần/tuần với sự góp mặt của các giám đốc điều hành tại trại giam. 

Có thể nói, cuộc sống sau song sắt của Chủ tịch SK Group không hề nhàm chán, đơn điệu mà lại vô cùng bận rộn và đầy suy tính. Vị Chủ tịch bình tĩnh chỉ đạo công việc sau chấn song phòng giam, thong thả chờ đợi ngày được ân xá. 

Ngày 13/8/2015, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã ân xá cho 6.527 tù nhân, bao gồm Chủ tịch của SK Group nhân dịp 70 năm Ngày Độc lập (15/8). Bà Park giải thích lý do ân xá cho một số doanh nhân, trong đó có ông Choi là vì Hàn Quốc đang phải đối mặt với những thách thức khôi phục nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho xã hội.

Ra khỏi nhà tù, Choi Tae Won trở lại với tư cách là chủ tịch của cả SK Holdings và SK Hynix, liên tục đa dạng hóa kinh doanh cả về thị trường lẫn ngành hàng. Đặc biệt, liên tục mở rộng quy mô của SK sang các lĩnh vực mới bằng việc chi hàng tỷ USD để mua cổ phiếu tại các công ty ở châu Âu, Đông Nam Á và Mỹ.

Ở Việt Nam, giữa năm 2019, tập đoàn này ước tính đầu tư khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup, trở thành cổ đông lớn thứ hai sau gia đình ông Phạm Nhật Vượng. Trước đó, vào tháng 9/2018, SK Group cũng chi 470 triệu USD để mua lại 9,5% cổ phần của Masan Group.

Năm 2019, Hynix đóng góp 70% lợi nhuận ròng của SK Group, cao hơn nhiều so với những gì thu được từ mảng viễn thông, dầu mỏ và hóa chất. Tuy nhiên, sản xuất chip vẫn là ngành chứa nhiều rủi ro do tính chu kỳ nên chưa đầy 2 năm sau đó, SK Group tiếp tục chi 2,6 tỷ USD để đầu tư vào một loạt doanh nghiệp mới, từ ứng dụng gọi xe, dược phẩm sinh học tới thực phẩm và đồ uống.

Trong cuốn sách ông từng viết về doanh nghiệp xã hội trong thời gian ngồi tù, Choi khẳng định các khoản đầu tư của SK sẽ không chỉ dựa vào quy mô và lợi nhuận, mà chúng còn phải tạo ra giá trị cho xã hội. “Cha tôi có một triết lý. Ông ấy hỏi: ‘Tại sao chúng ta lại ở đây?’ Đó là vì con người”. Khi nói tới tác động xã hội của việc đầu tư, ông Cho cũng từng cho hay: “Nếu chúng ta chi quá nhiều tiền thì nó phải là khoản đầu tư có tác động tới xã hội”.

Có thể nói, tuy phải “đi lùi về vạch đích” nhưng bản thân Choi Tae Won đã kiến tạo một đường đua cho riêng mình, từng bước chèo lái tập đoàn SK phát triển vô cùng vững chắc. Xét trong số người thừa kế 5 tập đoàn tài phiệt “sừng sỏ” nhất Hàn Quốc hiện nay như Samsung, Hyundai, SK Group, LG và Lotte thì nhân vật bản lĩnh nhất, có tầm ảnh hưởng nhất chính là Choi Tae Won.

Đọc thêm