Hàn Quốc: Covid-19 khiến giới thanh niên “mệt nhoài” và nguy cơ hình thành “thế hệ mất mát”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ gần hai năm nay, thanh thiếu niên ở Hàn Quốc phải trải qua nhiều khó khăn, xáo trộn vì đại dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến cuộc sống của họ vốn đã nhiều áp lực càng trở nên trầm trọng hơn. Việc không được tới trường khiến cũng nhiều người cảm thấy cô đơn, bất ổn về tâm lý trong khi nhiều người khác phải đối mặt với nạn thất nghiệp.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Bất ổn tâm lý ở thanh thiếu niên

Do đợt dịch thứ tư bùng nổ, từ giữa tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc đã áp dụng mức độ giãn cách xã hội ở cấp bốn (mức cao nhất) tại khu vực Thủ đô Seoul và cấp độ ba ở các khu vực khác trên toàn quốc. Tuy nhiên, đợt dịch hiện tại căng thẳng hơn do biến thể Delta dễ lây lan. Do đó, dù đã áp dụng giãn cách xã hội, số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tại Hàn Quốc kể từ tháng 7 vừa qua luôn ở mức 4 con số. Trong đó, trong tuần qua, do trùng với kỳ nghỉ nên số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày ở nước này ở mức từ hơn 1.000 đến gần 2.000 ca.

Sau thời gian đầu chậm triển khai tiêm vaccine (vắc-xin) ngừa Covid-19, Hàn Quốc đã tăng tốc. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc, đến cuối tuần qua, hơn 40 triệu người, tương đương 79% dân số Hàn Quốc, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Số người đã được tiêm chủng đủ liều là hơn 32 triệu, tương đương hơn 62% dân số Hàn Quốc.

Kể từ ngày 12/10, giới chức Hàn Quốc bắt đầu tiêm liều bổ sung cho khoảng 45.000 nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ 6 tháng trước. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại Hàn Quốc được dự đoán sẽ đạt trên 70% dân số vào cuối tháng này, được coi là tiền đề cho kế hoạch từng bước đưa cuộc sống hàng ngày trở lại bình thường của nước này.

Dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội mà còn đưa đến những hệ lụy đáng kể về tinh thần với người dân, đặc biệt là người trẻ. Tình trạng giãn cách xã hội kéo dài và không được đến trường đã gây ra tâm lý cô lập và bất ổn trong nhiều học sinh ở Hàn Quốc.

Việc không được tới trường khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc cảm thấy cô đơn, bất ổn về tâm lý..Việc không được tới trường khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc cảm thấy cô đơn, bất ổn về tâm lý..

Theo một số thống kê, số lượng thanh thiếu niên tại Hàn Quốc được chẩn đoán mắc chứng rối loạn hoảng sợ hoặc các bệnh liên quan đến trầm cảm đã bùng nổ kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo một cuộc khảo sát với hơn 7.000 người từ 9 đến 24 tuổi tại Hàn Quốc, 48% số người được hỏi cho biết cuộc sống học đường năm 2020 của họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Mức độ căng thẳng trong học tập đã tăng lên đối với hầu hết học sinh, trong đó mức độ căng thẳng đặc biệt cao được ghi nhận ở những người từ 13 tuổi trở lên.

Về các mối quan hệ cá nhân, hơn 26% học sinh được hỏi cho biết không còn giao lưu với bạn bè nhiều như trước do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Việc học trực tuyến cũng khiến thời lượng sử dụng Internet của thanh thiếu niên tăng, làm dấy lên lo ngại rằng những người trẻ tuổi có thể bị nghiện Internet và điện thoại thông minh. Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin Hàn Quốc cho thấy, khoảng 25% thanh thiếu niên ở nước này được coi là “phụ thuộc vào điện thoại thông minh”.

Còn theo số liệu thống kê do dịch vụ bảo hiểm Y tế quốc gia cung cấp, số bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoảng sợ ở độ tuổi vị thành niên là 4.582 người vào năm 2020, tăng gấp đôi so với 4 năm trước. Số bệnh nhân là thanh thiếu niên liên quan đến trầm cảm cũng tăng 64% so với cùng kỳ, lên tới 29.718 người vào năm 2020. Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp giãn cách để chống dịch đã ảnh hưởng tới tâm lý đối với thanh thiếu niên.

Với nhiều du học sinh tại Hàn Quốc, việc phải học online có nhiều điểm bất cập. “Nội dung các bài học khó vì rào cản ngôn ngữ. Vì thế nên khi học online, các du học sinh rất khó tập trung vào bài học, kéo theo chất lượng học tập có thể bị giảm sút. Thêm vào đó, vì học online nên các du học sinh không có cơ hội giao lưu, làm quen với các bạn Hàn Quốc.

Có những giáo sư giảng trực tiếp qua ứng dụng Zoom thì có thể trao đổi trực tiếp được, nhưng cũng có những giáo sư quay sẵn bài giảng nên việc trao đổi với giáo sư hơi khó khăn”, một du học sinh cho hay. Trong khi đó, một số người cho hay không thể đi làm thêm bởi số lượng công việc không nhiều như trước. Nếu có thì cũng bị cắt giảm giờ làm.

Ngăn nguy cơ hình thành “thế hệ mất mát”

Đợt dịch Covid-19 thứ tư đã khiến số việc làm trên thị thường lao động Hàn Quốc sụt giảm đáng kể và giới trẻ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt khủng hoảng kinh tế này. Theo tờ Thời báo Hàn Quốc, năm 2020, ở nước này có 370.000 thanh niên thất nghiệp. Trong khi đó, số người làm việc ít hơn 36 giờ một tuần và muốn làm việc nhiều hơn (vốn không được tính vào số liệu thất nghiệp) đã tăng gần gấp đôi so với năm 2016, lên tới 149.000 người vào năm 2020.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, tìm được một công việc ổn định tại Hàn Quốc đã là cả một cuộc chiến dài hơi. Theo một ước tính, sinh viên vừa tốt nghiệp ở nước này phải mất trung bình 10 tháng để có được công việc đầu tiên. Thậm chí, nhiều người đã phải bỏ nhiều năm để luyện thi công chức, lấy thêm bằng hoặc chứng chỉ hành nghề phục vụ cho việc xin việc.

Giới trẻ Hàn Quốc thường thích những công việc ổn định tại các tập đoàn lớn hoặc tại các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, để có được một công việc như vậy là rất khó. Theo một cuộc khảo sát với 500 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, chỉ có 121 doanh nghiệp có kế hoạch thuê lao động mới trong nửa cuối năm 2021. Trong số 5 tập đoàn hàng đầu của nước này là Samsung, Hyundai Motor, SK, LG và Lotte, chỉ có Samsung có kế hoạch tiếp tục tuyển dụng nhiều người trẻ mới ra trường.

Một cô gái 28 tuổi đã làm thêm tại một nhà hàng sau khi tốt nghiệp đại học cho biết cô cảm thấy thấy bất lực với công cuộc tìm việc. “Sau khi tốt nghiệp, tôi đã hàng chục lần nộp đơn xin việc vào các công ty nhưng nhiều lần bị loại ngay từ vòng hồ sơ. Dịch Covid-19 càng khiến cho khả năng kiếm được công việc ổn định trở nên khó khăn hơn.

Giá nhà lại tăng cao, khiến tôi không còn động lực sống. Trong đầu tôi cứ luẩn quẩn suy nghĩ là liệu tôi có phải ‘đi làm thêm’ cả đời như vậy hay không”, cô gái cho biết. Một nghiên cứu sinh tại đại học KyungPook tên Gyudong cũng cho rằng, tác động lớn nhất của dịch Covid-19 là tới thị trường việc làm.

Đối mặt với vấn nạn thất nghiệp trong đại dịch, chính quyền thành phố Seoul đã nhiều lần thảo luận về các cách tạo việc làm mới cho thanh niên. Đây được xem là một vấn đề hệ trọng vì việc thanh niên không được tham gia thị trường lao động đúng lúc có thể sẽ trở thành một “thế hệ mất mát”, tương tự nhiều người đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tuyên bố sẽ tạo thêm 550.000 việc làm cho thanh niên và người có thu nhập thấp, bao gồm cả việc làm từ xa và các vị trí trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Truyền thông Hàn Quốc cho biết, nhờ quyết định phân bổ 10 nghìn tỷ won (tương đương 8,2 tỷ USD) để hỗ trợ việc làm của Chính phủ nước này, đến tháng 8/2021, số người thất nghiệp ở nước này đã giảm 120.000 người so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 744.000 người.

Tháng 9/2021, chính phủ Hàn Quốc đã trích 11 nghìn tỷ won từ quỹ cứu trợ thảm họa để cố gắng khôi phục phần nào nền kinh tế đang suy sụp vì đại dịch kéo dài. Nhờ chính sách này, khoảng 88% dân số Hàn Quốc được hưởng khoản trợ cấp 250.000 won (tương đương khoảng 214 USD)/người.

Đọc thêm