Hàng loạt phóng viên đài huyện không biết sẽ về đâu?

(PLO) - Sau nhiều năm cống hiến hết mình với nghề, chỉ với mức lương vài ba triệu đồng mỗi tháng, phóng viên hợp đồng dài hạn đài truyền thanh truyền hình (TT-TH) các huyện tại Nghệ An bỗng rơi vào cảnh không biết đi về đâu.
Các nữ phóng viên Đài TH-TH Quỳ Hợp bất ngờ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng.
Các nữ phóng viên Đài TH-TH Quỳ Hợp bất ngờ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng.

Vừa qua, sự việc 4 phóng viên Nguyễn Thị Hợp (SN 1984), Phan Thị Giang (SN 1986), Hồ Thị Nguyệt (SN 1986), Cao Thị Trâm Anh (SN 1986) công tác tại Đài THTH huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bất ngờ phải nghỉ việc khiến dư luận quan tâm. Theo đó, tháng 3/2011, Đài PT-TH tỉnh Nghệ An ký hợp đồng lao động với cả 4 trường hợp (loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn) với chức danh chuyên môn là phóng viên, làm việc tại Đài TT-TH Quỳ Hợp.

Đến tháng 11/2011, các Đài TT-TH huyện, thành, thị được tách khỏi Đài TT-TH tỉnh, chuyển giao về cho UBND các huyện, thành, thị quản lý theo Quyết định số 2456/QĐ-UBND-VX của UBND tỉnh. 

Việc thực hiện chuyển giao, được cấp thẩm quyền nêu rõ là: “Tỉnh bàn giao nguyên trạng, huyện tiếp nhận nguyên trạng từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc cũng như nhân sự con người”. Suốt quá trình công tác, họ không một lần được nâng lương mà được hưởng mức lương với hệ số khởi điểm ban đầu suốt nhiều năm là từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/tháng/người.

Vẫn biết là thiệt thòi, nhưng là phụ nữ lại yêu nghề và dấn thân với nghề nên họ vẫn cố gắng bám trụ để hi vọng một ngày sẽ được thay đổi, phần nào đó đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2017, cả 4 phóng viên nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng của đơn vị. Việc họ bị cắt hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc Đài sẽ không còn người làm chuyên môn nữa, mà 7 người còn lại là lãnh đạo, kế toán, BTV, chỉ còn lại 1 phóng viên làm nghiệp vụ.

Dù bị thông báo chấm dứt hợp đồng nhưng những nữ phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp vẫn đi làm "giúp" đài.
Dù bị thông báo chấm dứt hợp đồng nhưng những nữ phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp vẫn đi làm "giúp" đài.

Hầu hết các phóng viên đều có quá trình 7-10 năm cống hiến với nghề, có người từng đạt được những thành tích trong các hội thi truyền hình. Đặc biệt trong đó có phóng viên Phan Thị Giang là vợ của Trung úy Phạm Văn Ngần, hiện công tác tại Hải đội 170, thuộc Vùng 1 Quân chủng Hải quân. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Đài TH-TH Hưng Nguyên cho biết, cả cơ quan có 5 hợp đồng cùng được chuyển từ Đài PT-TH tỉnh về cùng thời điểm. “Hầu hết các phóng viên là phụ nữ đều có nhiều năm công tác, nếu trong thời gian tới không có ngân sách hỗ trợ để chi trả tiền lương thì sẽ rất khó khăn cho anh chị em trong đài”.

Tương tự, Đài TT-TH huyện Nam Đàn cũng có 4 phóng viên hợp đồng đang nằm trong danh sách những người có nguy cơ mất việc làm. Trong số đó có chị Vũ Thị Hồng Sương là người có thời gian công tác hơn 17 năm, chưa được xét vào biên chế nhưng lương nhiều năm qua cũng không được tăng theo hệ số.

Ông Nguyễn Đậu Thắng, Trưởng đài TT-TH Nam Đàn cũng như những Trưởng đài khác đã gửi đơn xin ý kiến của huyện nhưng đều chưa nhận được câu trả lời. “Anh chị em đều gắn bó với nhau trong suốt thời gian dài, bỏ rơi anh chị em thì không nỡ, đài đang “thắt lưng buộc bụng” để hỗ trợ một phần nào đó cho anh em đi tác nghiệp. Mong muốn có một phương án nào đó tháo gỡ cho anh chị em để đỡ thiệt thòi nhưng vẫn chưa được. Nếu trong thời gian tới không được nữa thì phải thực hiện theo hình thức hợp đồng cộng tác viên đối với các trường hợp này, các phóng viên chỉ được nhận tiền lương còn tự mình tìm nơi đóng bảo hiểm xã hội…”, ông Thắng chia sẻ. 

Về vấn đề này, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, nguyên nhân là do lịch sử để lại Đài PTTH Nghệ An đã nhận ồ ạt, sau đó có Chỉ thị 30 của UBND tỉnh sau đó mới ngăn lại việc ký hợp đồng. Đây là chủ trương của Trung ương theo công văn 2335 của Chính phủ thì sắp tới đây một số hợp đồng của tỉnh ký cũng sẽ bị cắt, không chỉ giảm số hợp đồng mà cán bộ viên chức nằm trong biên chế cũng phải cắt giảm.

Theo công văn này thì khi sử dụng hết biên chế rồi thì không sử dụng hợp đồng nữa. Từ 2016 đến nay Nghệ An đã giảm hơn 2.000 biên chế gồm: hưu trí, nghỉ hưu sớm, giảm do đánh giá sàng lọc, giảm do luân chuyển. 

Trước mắt tỉnh đã giao lại cho huyện cân đối chủ động, có thể xem xét cho làm cán bộ văn hóa huyện, hoặc cán bộ văn hóa xã hoặc chờ khi có người về hưu, các lao động sẽ được xem xét tránh thiệt thòi cho những lao động này. Như vậy, không chỉ những phóng viên tại đài TT-TH Quỳ Hợp, Nam Đàn, Hưng Nguyên… mà cả những đài khác đều nằm trong tình trạng “không biết sẽ đi đâu về đâu” khi có cả hơn chục năm gắn bó với nghề…

Đọc thêm