Người dân khiếu nại có cơ sở nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. PV Báo PLVN đã tìm hiểu, xác minh sự việc này.
Bồi thường “khống” tiền tỷ?
Được phê duyệt từ năm 2010 với tên dự án rất rõ ràng như trên nhưng đến năm 2012, khi UBND TP.Hạ Long thực hiện thu hồi đất và bồi thường, dự án bất ngờ bị đổi thành “Dự án Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc (mở rộng)”. Thêm hai từ “mở rộng” là chủ ý của chính quyền thành phố nhưng đã không lọt qua được sự giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện.
Trước “nới” đất, thay đổi dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm tắt quy trình bằng việc ban hành một thông báo thu hồi đất bổ sung. Lẽ ra, để thay đổi dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh phải ban hành một quyết định để sửa đổi, điều chỉnh hoặc thay thế quyết định thu hồi đất ban đầu (Quyết định 2743 ngày 15/9/2010) mới đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trở lại Thông báo thu hồi đất bổ sung nói trên, không khó để nhận ra sự bất thường của việc làm ngang, làm tắt này. Đó là, căn cứ thu hồi đất bổ sung không hề nhắc đến dự án Trung tâm thể thao mà lại xuất hiện dự án mới - Dự án Khu đô thị Du lịch sinh thái Văn hóa Hạ Long. Điều này khiến người dân nghi ngờ thu hồi thêm đất để “tuồn” cho DN làm dự án kinh doanh, làm lợi tiền tỷ cho DN vì núp dưới danh nghĩa đất thu hồi vì mục đích công cộng, đền bù theo khung giá của Nhà nước.
Đã có nhiều đơn thư khiếu nại của người dân về việc này nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa hề có trả lời, làm rõ vì sao dự án Khu đô thị Du lịch sinh thái lại bí ẩn “lạc” vào dự án này? Trong một lần làm việc với PV, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất - đơn vị thực hiện việc chi trả tiền đền bù - né tránh không bình luận sự xuất hiện dự án Khu Du lịch sinh thái ở đây.
Chuyện đền bù đất của dự án này cũng hết sức “luộm thuộm”. Ngày 10/12/2012, UBND TP.Hạ Long có quyết định thu hồi hơn 21 ngàn mét vuông đất của 32 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phường Đại Yên để thực hiện dự án. Thế nhưng 9 ngày sau, lại phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho 34 hộ. Hai hộ nhận khống tiền tỷ là ông Phạm Văn Thư và ông Nguyễn Văn Vĩnh, dù không có mét đất nào bị thu hồi.
Chưa hết, dự án còn “phù phép” biến bãi sú vẹt hoang hóa tại khu 1 phường Đại Yên thành đất nuôi trồng thủy sản, lập khống tên 6 hộ dân nhận 2 tỷ đồng tiền đền bù. Dù vòng vo trả lời người dân khiếu nại không có cơ sở nhưng cuối cùng ngày 31/3/2014 vừa qua, UBND TP.Hạ Long đã phải thừa nhận những sai phạm nghiêm trọng trong công tác GPMB qua việc ban hành Quyết định số 886/QĐ-UBND thu hồi tiền với các hộ đã nhận khống. Một tình huống bất ngờ nảy sinh là 2 hộ dân không trả lại được tiền vì họ chỉ thực nhận 1/3 số tiền khống dù ký nhận 100%.
Đất ở hai bên đường bị coi là đất trồng cây lâu năm |
“Vẽ” không tiếc tay những phương án bồi thường “ma” gây thất thoát tiền tỷ ngân sách nhưng dự án lại “xét nét quá mức” làm sai nguồn gốc đất của các hộ, gây thiệt hại cho dân cũng tiền tỷ. Ông Phạm Thanh Hà ( phường Quang Hanh) cho biết: “Đất của tôi có nguồn gốc là đất do UBND xã Đại Yên giao đất làm nhà ở vào năm 1992. Ý kiến dân cư và lãnh đạo UBND phường trong quá trình lập Hồ sơ hiện trạng phục vụ dự án cũng đã ghi đây là đất ở đô thị. Vậy mà dự án lại nói là đất sử dụng trồng cây lâu năm, bồi thường rẻ mạt. Nói là đất nông nghiệp nhưng trong phương án bồi thường lại không hề có tên loại cây lâu năm, cây hoa màu nào cả”. Không chỉ hộ ông Hà, hàng chục hộ khác cũng khiếu nại nguồn gốc đất tương tự.
UBND TP.Hạ Long trong trả lời khiếu nại cho rằng không áp giá đất ở là vì quá trình sử dụng không có nhà trên đất, phải đền bù theo đất nông nghiệp. Đây là lập luận thiếu căn cứ, bởi theo quy định của Luật Đất đai, UBND phường xác nhận sử dụng trước 15/10/1993 là được công nhận đất ở. Thực tế các hộ còn đóng thuế nhà đất, xây ki ốt kinh doanh nhiều năm trời.
Vì những sai phạm trên của UBND TP.Hạ Long và Trung tâm Phát triển quỹ đất, người dân đã liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh nhưng các cơ quan này lại giao trở lại cho chính cho UBND TP.Hạ Long và Trung tâm Phát triển quỹ đất giải quyết. Người dân càng bức xúc bởi hai đơn vị này là đối tượng đang bị khiếu nại, không có thẩm quyền trả lời, giải quyết. Mới đây, khi một số cơ quan ngôn luận vào cuộc thì UBND tỉnh Quảng Ninh lại đùn trách nhiệm của mình, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, làm rõ.
Dư luận hết sức băn khoăn tại sao một dự án lớn trên địa bàn với nhiều sai phạm và bức xúc như vậy mà UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn im lặng, không thanh tra, trả lời khiếu nại của người dân theo đúng thẩm quyền, lại đẩy hết chỗ này sang chỗ khác như vậy?