Phán quyết bước ngoặt
Gần 2 thập kỷ trước, bà Carla Bartlett, khi đó đang là một kế toán 41 tuổi và là mẹ của 2 đứa con sống ở phía Tây Virginia, Mỹ lần đầu được chẩn đoán mắc một dạng ung thư thận. Đây là một trong những trường hợp điều trần đầu tiên trong tổng số hơn 3.500 đơn kiện do người dân ở Tây Virginia và Ohio đệ trình chống lại Công ty hóa chất khổng lồ DuPont.
Khối u và một phần xương sườn của bà Bartlett đã được cắt bỏ trong một cuộc phẫu thuật diễn ra năm 1997. Dù khối u ung thư sau đó không phát triển lại nhưng với bà Bartlett những tổn hại về thể chất và tinh thần mà bà phải gánh chịu thì vẫn còn nguyên.
“Tôi không bao giờ có thể quên được. Vết sẹo trên người mỗi ngày đều khiến tôi nghĩ rằng đó là bệnh ung thư và nó có thể tái phát bất cứ lúc nào”, bà Bartlett nói.
DuPont là một Tập đoàn hóa chất công nghiệp lớn của nước Mỹ và trên thế giới |
Vào ngày 7/10/2015, sau gần một ngày tranh luận, bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết tuyên bố DuPont phải chịu trách nhiệm về bệnh ung thư của bà Bartlett, nhất trí với lập luận của bà cho rằng công ty này đã làm ô nhiễm nguồn nước uống ở Tuppers Plain (Ohio) bằng hóa chất độc hại trước kia vốn được xem là sản phẩm thế mạnh của công ty: lớp phủ không dính Teflon. 1,6 triệu USD mà bồi thẩm đoàn yêu cầu DuPont phải trả cho bà Bartlett là kết quả của cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều thập kỷ, bao gồm việc tìm hiểu những nghiên cứu bí mật của DuPont cũng như các email nội bộ của công ty này.
“Mỏ vàng”
Teflon giống như nhiều hóa chất thần kì khác được tạo ra trong một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Vào năm 1938, nhà hóa học của DuPont tên Roy J. Plunkett khi đang thử nghiệm với các chất làm lạnh thì phát hiện một chất sáp màu trắng rất trơn. Chất đó về sau được xác định là fluorocarbon trơ Polytetrafluoroethylene (PTFE) có tính không dính cao.
Năm 1945, DuPont được cấp bằng sáng chế và đăng ký thương hiệu “Teflon” cùng lời quảng cáo đây là chất chống trơn trượt tốt nhất tồn tại. Với DuPont, Teflon (được sử dụng để làm chảo và chậu) trở thành “mỏ vàng”, khi doanh số bán hàng của công ty đạt gần 1 tỉ USD một năm vào năm 2004.
Bắt đầu từ năm 1951, DuPont bắt đầu sử dụng hóa chất khác được tạo ra trong phòng thí nghiệm có tên Perfluorooctanoic (PFOA) axit hay còn được gọi là C8 (vì chất này có chứa 8 phân tử các bon) để làm mịn bề mặt của Teflon khi mới ra lò. Với độ bền và khả năng chống dính, chống bẩn, C8 đã nhanh chóng được sử dụng một cách rộng rãi. Hợp chất màu trắng, bột được nhiều người nói giống bột giặt Tide này về sau được sử dụng trong hàng trăm mặt hàng, bao gồm màng bọc thực phẩm, quần áo chống nước, dây cáp điện và cả những hộp pizza.
Những hóa chất độc hại của DuPont có sức tàn phá môi trường và hủy hoại sức khỏe con người |
Nhưng vấn đề là C8 về sau được xác định có liên quan tới hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, bao gồm ung thư, bệnh về gan, các vấn đề phát triển và bệnh về tuyến giáp, có thể dễ dàng xâm nhập vào không khí. Do đó, hóa chất này thường được vận chuyển tới các nhà máy, pha trộn với nước trước để tránh bụi xâm nhập phổi của các công nhân. Do là một hóa chất cực kỳ ổn định nên C8 không bị phân hủy. Thay vào đó, nó tích tụ trong máu người nếu họ liên tiếp uống nước hoặc hít thở không khí có chất này.
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, C8 có thể được tìm thấy trong máu của hơn 98% người Mỹ, bao gồm cả máu ở dây rốn và sữa mẹ và cả trong những loài động vật ở khắp nơi. Hóa chất này cũng được cho là sẽ có trong môi trường trong hàng ngàn năm. Lo ngại về những mối nguy hiểm của Teflon và C8 chỉ thu hút sự chú ý của công chúng vào khoảng năm 2000.
Việc xả hóa chất ra môi trường của công ty bao gồm việc chôn những thùng hóa chất độc hại dọc lưu vực sông Ohio cũng như việc thả ra cửa biển, chôn ở những bãi rác không nguy hại ở địa phương. Các hoạt động này xảy ra nghiêm trọng nhất trước khi luật môi trường của Mỹ được thông qua vào những năm 1970.
Biết hại vẫn giấu?
Các thông tin từ hàng triệu trang báo cáo nội bộ của công ty DuPont gần đây cho thấy một số nhà nghiên cứu của công ty và các thành viên cấp cao trong công ty trong nhiều năm đã biết rằng C8 rất độc hại. Song, DuPont vẫn tiếp tục sử dụng hóa chất này, đẩy các công nhân của công ty, người dân địa phương và công chúng Mỹ vào mối nguy hiểm.
Các tài liệu cho thấy các dấu hiệu về tính độc hại của C8 được phát hiện ngay khi DuPont bắt đầu đẩy mạnh quy mô sản xuất Teflon trong những năm 1950. Công ty này đã lập phòng thí nghiệm kiểm tra an toàn để giám sát các bệnh nhân nhằm phát hiện những dấu hiệu bệnh có thể có liên quan đến các sản phẩm của DuPont. Sau khi phát hiện những bất thường ở gan của thỏ và chuột thí nghiệm vào năm 1961, công ty đã tiến hành thử nghiệm trên người với việc đề nghị những công nhân tình nguyện hút thuốc lá có tẩm C8. “9 trong 10 người hút nhiều thuốc nhất có các triệu chứng như ớn lạnh, đau lưng, ho và sốt”, nghiên cứu cho thấy.
Tuy nhiên, phải đến những năm 1970 các nhà nghiên cứu của DuPont mới bắt đầu nhận thấy C8 tích tụ theo thời gian trong máu của các công nhân. Đến năm 1981, công ty yêu cầu đưa tất cả các nữ công nhân khỏi bộ phận sản xuất Teflon sau khi 2 trong số 7 nữ công nhân sinh con bị dị tật, trong đó có 1 em bé chỉ có 1 lỗ mũi và nhiều dị tật vùng mặt khác.
Năm 1984, DuPont bắt đầu bí mật thu thập mẫu nước máy ở địa phương và phát hiện rằng C8 đã xâm nhập vào nguồn nước uống công cộng ở cả Ohio và Tây Virginia ở mức độ có khả năng nguy hiểm. Một cuộc họp ở trụ sở DuPont sau đó cho thấy giới chức công ty lo ngại việc này có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của họ. Nhưng, trong nhiều năm sau đó, DuPont vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong khi vẫn giữ kín bí mật về mối nguy hiểm của C8.
Nhà máy Washington Works của công ty vẫn tiếp tục đổ bùn có C8 vào những bãi chôn lấp ở địa phương, và xả khói có C8 ra từ những ống khói của nhà máy. Nguy hại từ C8 chỉ được phanh phui khi một nông dân ở Tây Virginia tên Wilbur Tennant cùng 4 người khác trong gia đình vào năm 1998 đã kiện DuPont về việc ông đã mất hàng trăm gia súc vì nguồn nước ở cạnh trang trại của ông đã bị ô nhiễm do công ty chôn chất thải. Bản thân ông Tennant và các thành viên trong gia đình cũng bị khó thở và ung thư.
Năm 2004, Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA) cũng đã đệ đơn kiện chống lại DuPont, cáo buộc công ty này đã che giấu bằng chứng về mối nguy hại của C8 trong suốt hơn 2 thập kỷ. Năm 2005, DuPont đồng ý trả 16,5 triệu USD theo thỏa thuận dàn xếp với EPA - mức bồi thường dân sự lớn nhất trong lịch sử EPA nhưng theo các nhóm hoạt động vì môi trường thì chỉ bằng một phần lợi nhuận mà công ty thu được.
Cùng năm, công ty trên cũng dàn xếp một đơn kiện tập thể, theo đó nhất trí thiết lập các hệ thống lọc nước tại những khu vực nước bị ô nhiễm và chi trả 70 triệu USD cho một dự án chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Công ty cũng đồng ý chi trả cho một nhóm các nhà khoa học độc lập để đánh giá mức độ tổn hại sức khỏe của C8 với người dân. Sau 7 năm nghiên cứu, ủy ban C8 cuối cùng kết luận việc tiếp xúc với C8 có liên quan đến 6 bệnh: viêm loét đại tràng, tăng huyết áp trong thai kỳ, cholesterol cao, bệnh tuyến giáp, ung thư tinh hoàn và ung thư thận.