Người làng phong Quy Hòa mong có nơi “chính danh” thờ Phật

(PLO) - Mặc cảm bệnh tật, tủi hờn cho thân phận đớn đau của mình, những bệnh nhân ở làng phong Quy Hòa ít khi ra khỏi nơi mình sinh sống. Để vượt qua nỗi đau bệnh tật, để có thêm nghị lực sống tiếp, những con người bị “cùi hủi” ăn cụt tay cụt chân, mặt mũi biến dạng, đã bấu víu vào tín ngưỡng tôn giáo, bằng đức tin, để tìm một sự bằng an trong tâm hồn. 
Toàn cảnh Niệm Phật đường làng phong Quy Hòa.
Toàn cảnh Niệm Phật đường làng phong Quy Hòa.

Thế nhưng điểm sinh hoạt tín ngưỡng trong bệnh viện để thờ Phật, cầu mong sức khỏe bình an, lại không được chính quyền công nhận, vì cho rằng vướng luật.

Con đường ngoằn ngoèo bên chân núi dẫn vào làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Con đường đèo nhỏ, uốn lượn, gấp khúc liên tục khiến người cầm lái cứ “thót tim” vì phải né những chiếc xe ngược chiều. 

Sáng tháng 7, nắng vàng óng ánh như trải mật trên đường. Mặt trời chưa kịp lên cao, mây trắng nhàn nhạt vẫn còn vướng vít bên lưng đèo chưa tan hết. Bỏ lại sau lưng những ồn ào, tấp nập của phố xá, làng phong nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi, biển hiền hòa, tĩnh lặng.

Nơi đây quanh năm mây phủ sương giăng, biển rì rào muôn đời ca hát. Và những con người cùng chung một số phận đau đớn bởi bệnh tật, đã về mảnh đất này, cùng nương náu cho đến hết kiếp người.

Khát khao lễ Phật

Tại làng phong Quy Hòa hiện có trên 400 bệnh nhân phong đang điều trị bệnh, với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có trên 200 người là Phật tử hoặc có cảm tình với Phật. Ông Nguyễn Sảnh (64 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị) đến điều trị và sống ở đây từ năm 1970 trải lòng, những bệnh nhân phong như ông phải chịu đau đớn rất nhiều về thể xác, nên chỉ còn biết tìm đến cửa Phật để nương tựa, nhằm xoa dịu nỗi đau về thể xác, để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. 

Ngày đó, để đến chùa lễ Phật, cầu nguyện, những bệnh nhân là Phật tử như ông phải ra khỏi làng, tìm đến chùa ở ngôi làng bên cạnh để sinh hoạt. Quãng đường làng tuy chỉ dăm ba cây số, nhưng vẫn là một thử thách lớn đối với những bệnh nhân cụt chân, cụt tay, sứt mũi, sứt miệng.

“Tụi tui ở trong làng của mình, ít khi ra khỏi làng lắm. Một phần không muốn nhìn thấy những ánh mắt né tránh, hoặc thương hại của người khác. Một phần tụi tui cũng cảm thấy mặc cảm bởi thân phận bệnh tật và cơ thể không lành lặn của mình”, ông Sảnh chia sẻ.

Nhưng vì một lòng hướng Phật, muốn tìm một chốn bình yên để nương tựa cho tâm hồn, những con người đau khổ vì căn bệnh phong quái ác ấy, cứ chập choạng tối lại dắt díu nhau ra chùa ngoài làng. Người lành lặn dìu dắt người tật nguyền.

Người có sức khỏe dẫn dắt người già yếu. Người không đi được thì ngồi xe lăn… Bất kể mưa gió đến mấy, họ vẫn tìm cách đến bằng được chùa. Ông Nguyễn Đạt (70 tuổi), kể: “Mỗi lần đi là một lần mệt mỏi vì đường xa, thân xác đau đớn rệu rã, nhưng tụi tui vẫn cố gắng”.  

Ông Phan Thanh Ngọc Tuấn (60 tuổi) chia sẻ, ông mắc bệnh phong năm 14 tuổi. Hồi đó, người ông bỗng nhiên nổi hạch đầy mình. Những cục sần sùi trên da lớn dần theo thời gian. Bạn bè xa lánh, né tránh khiến cậu bé Tuấn ngày ấy chỉ biết suốt ngày ru rú trong nhà. 

Những bệnh nhân làng phong trước Niệm Phật đường không phép
Những bệnh nhân làng phong trước Niệm Phật đường không phép

“Tui vào đây sống từ hồi mới hơn 20 tuổi. Chớp mắt cái mà đã gần bốn chục năm gắn bó với vùng vùng đất nơi đây”, ông kể. Không vợ, không con, ông Tuấn suốt ngày thui thủi một mình. Nỗi đau bệnh tật, sự cô đơn trong tâm hồn, ông chỉ còn biết mang gửi hết vào cõi Phật. 

“Tụi mình ra chùa làng bên lễ Phật, nhưng vì ngại ngần nên chỉ dám quỳ ở phía sau. Những lúc người ta đi lễ Phật đông, tụi mình lại lùi ra sau mãi, cứ lùi mãi như thế, có khi đứng hẳn ngoài hiên”, ông Tuấn trải lòng.

Ông bảo, làm sao không ngại ngần cho được, khi mà những người bệnh như ông có người cụt chân chẳng thể quỳ lễ Phật, người cụt tay thì chẳng thể chắp tay vái Phật, hay người chấp tay niệm Phật thì mười ngón tay đã rơi rụng sạch hoặc khuôn miệng sứt sẹo chẳng thể niệm Phật tròn câu.  

Còn bà Mai nhớ lại, bà sinh ra ở Huế, mảnh đất vốn nổi tiếng bởi có nhiều chùa chiền. Vậy mà từ ngày vào đây chữa bệnh, suốt nhiều năm ròng, bà chẳng được nghe một tiếng chuông, tiếng mõ. Nhớ lắm. 

Ngày đó, bà là một trong những người đầu tiên dẫn các đạo hữu Phật tử đến ngôi chùa ngoài làng để sinh hoạt. “Không phải ai nhìn tụi tui cũng e dè, kỳ thị đâu. Nhưng khi gặp một vài cái nhìn xa lánh, tụi tui vẫn thấy rất khổ tâm”, bà Mai chia sẻ. 

Người phụ nữ nhớ lại, những ngày tháng sinh hoạt ở ngôi chùa bên ngoài làng, không ít lần bà cùng các bệnh nhân khác phải tủi hờn khi bị phân biệt đối xử. Như lần mọi người được sư thầy dẫn đi tham quan. Lúc mọi người leo lên xe bus, khách trên xe lặng lẽ bỏ xuống hết.

Nhìn chiếc xe đang đông đúc bỗng chốc trống không, những bệnh nhân chỉ còn biết lặng thinh, nuốt nước mắt vào trong xót xa. Rồi khi chùa tổ chức các lễ lớn, mâm cỗ của mọi người xúm xít trong sân, riêng mâm cỗ cho những bệnh nhân phong được kê xa xa dưới một gốc cây, biệt lập, lẻ loi.  

Tự lập chùa “chui”

Bị kỳ thị, xa lánh, những bệnh nhân vốn chịu nhiều đau đớn ấy lại quay trở về với vỏ ốc của mình. Họ sống khép kín, co cụm lại, ít khi bước ra khỏi ngôi làng nơi mình sinh sống. Không muốn ra ngoài làng để sinh hoạt tôn giáo, những bệnh nhân theo đạo Phật đã xin phép Ban lãnh đạo bệnh viện, cho sử dụng căn nhà cũ đang bị bỏ trống (là nơi ở của một bệnh nhân khi ấy vừa qua đời) để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. 

“Những ngày đầu mới sinh hoạt, tụi tui chỉ đủ sức thỉnh một tượng Phật bằng giấy, rồi đặt trên chiếc bàn đá mượn của bệnh viện để làm bàn thờ. Sau này, những nhà hảo tâm, những Mạnh Thường Quân đến đây, thấy cơ sở vật chất nghèo nàn quá, nên đã quyên góp tiền lại, để sửa sang nơi đây sạch đẹp, khang trang như bây giờ”, ông Sảnh chia sẻ. 

Những Phật tử bệnh tật mong mỏi chính quyền đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.
Những Phật tử bệnh tật mong mỏi chính quyền đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.

Ông cho biết, năm 2007, Niệm Phật đường Quy Hòa được hình thành. Suốt mấy chục năm ròng sống ở đây, lần đầu tiên thấy bóng dáng tượng Phật xuất hiện trong làng, những bệnh nhân với mái tóc đã nhuốm bạc cứ rưng rưng muốn khóc.

Bà Cao Thị Thông (66 tuổi, người trước đây từng sinh hoạt Phật giáo ở ngôi chùa bên ngoài) chia sẻ, giọng xúc động. Với đôi tay rụng gần hết ngón, mỗi lần lễ Phật ở chùa bên ngoài làng, bà không tránh khỏi e dè, ngại ngần, dù vẫn biết tôn giáo tín ngưỡng không phân biệt sang hèn, nghèo giàu hay bệnh tật, khỏe mạnh.

Nhưng trong thẳm sâu tâm hồn bà, mỗi lần lễ Phật ở chùa làng bên bên những người làng lành lặn, khỏe mạnh, bà không khỏi cảm thấy tủi thân. “Từ ngày có niệm Phật đường ở trong làng, tụi tui rất mừng. Có khi nửa đêm bệnh tật đau đớn quá không ngủ được, tui tui cũng dễ dàng di chuyển đến đây, quỳ dưới chân Phật cầu nguyện, với mong mỏi sẽ được xoa dịu nỗi đau”, bà nói. 

Bà Thông vào sống ở làng phong Quy Hòa ngót nghét gần ba chục năm. Khi đó, bà đã có chồng con đề huề ở bên ngoài. Bà kể, khi biết mình mắc bệnh phong, bà phải trốn chồng con để vào đây chữa bệnh.

“Hồi đó người ta còn chưa hiểu biết nhiều về bệnh phong lắm. Chồng tui bảo bị phong, da mặt bị lột hết sẽ hồng hào, đẹp lắm nên không cho tui đi chữa. Nhân bữa ổng đi làm, tui lén gói ghém áo quần rồi nhờ đứa em chồng dẫn vào đây”, bà bộc bạch. 

Lúc nhập viện, nhìn bệnh của bà, các y bác sĩ cứ xuýt xoa bảo, chỉ cần nhập viện sớm, bệnh tình của bà chắc chắc sẽ chữa khỏi. Nhưng đáng tiếc, đã quá muộn. Bà phải mang thân phận “cùi hủi” đến hết kiếp người.  Chồng bà đã lấy vợ khác, có con khác. 

Đưa đôi tay cụt ngủn, rụng hết các ngón lên vén mớ tóc lòa xòa trước mặt, giọng người phụ nữ bất giác đượm buồn. Lâu lâu bà mới về quê thăm các con, giờ đã có thêm mấy đứa cháu nội cháu ngoại.

Những ngày sum vầy ít ỏi đó cũng nhanh chóng qua mau, bà trở về với cuộc sống nơi đây, chỉ có những người cùng cảnh ngộ bầu bạn. Bà bảo, từ ngày có niệm Phật đường ở đây, tối tối bà cùng những Phật tử khác đến đây hành lễ, tụng kinh niệm Phật. Bao nhiêu buồn vui, được mất, chỉ còn biết gửi gắm vào tiếng chuông tiếng mõ nơi cửa Phật.

Những Phật tử bệnh tật mong mỏi chính quyền đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.
Những Phật tử bệnh tật mong mỏi chính quyền đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.

Không thể cấp phép vì… vướng luật ?

Niệm Phật đường Quy Hòa được thành lập gần chục năm nay, tuy nhiên vẫn không được chính quyền công nhận là một cơ sở tôn giáo. Vì vậy, bà con bệnh nhân Phật tử nơi đây ngày đêm vẫn mong mỏi được nhà nước công nhận, để bà con yên tâm tu tập, để khỏi mang tiếng chùa “chui”. 

Ông Vũ Tuấn Anh (Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện phong  - Da liễu Trung ương Quy Hòa), xác nhận, nhiều bệnh nhân phong ở nơi đây là những Phật tử, nên rất mong mỏi có một nơi để thực hiện các nghi thức tín ngưỡng tôn giáo.

Những bệnh nhân này không thể hòa nhập được với cộng đồng dân cư bên ngoài, không tham gia đi lễ ở bên ngoài được nên bệnh viện đã hết sức tạo điều kiện để họ có một nơi để sinh hoạt. 

“Với họ, cuộc sống này vốn quá nhiều đau khổ, nên chỉ còn biết gửi gắm niềm tin vào tôn giáo, để phần nào giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật. Vì vậy, bất cứ việc gì có thể giúp cuộc sống tinh thần những người bệnh tốt lên, ban lãnh đạo bệnh viện viện đều hết mình ủng hộ ”, ông Tuấn Anh cho biết. Ông cũng mong rằng, chính quyền các cấp xem xét, hỗ trợ cho bà con, để họ có một chốn nương tựa về tâm hồn.

Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Thắng (Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bình Định) cho biết tiền thân của Niệm Phật đường Quy Hòa vốn là nơi thờ 1059 bệnh nhân vô danh.

Sau này các bệnh nhân nơi đây mới thỉnh tượng Phật về, rồi nhóm họp tín ngưỡng. Vì vậy, theo Nghị định 92 quy định về việc thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, những trường hợp biến cơ sở thờ tự là từ đường, nhà thờ họ thành cơ sở tôn giáo là trái luật.

Chưa kể, đất thuộc Bệnh viện phong Quy Hòa do Bộ Y tế quản lý, mục đích sử dụng để khám chữa bệnh cho bệnh nhân, vì vậy việc cấp phép cho cơ sở này là… nằm ngoài tầm tay của UBND tỉnh.

Những Phật tử bệnh tật mong mỏi chính quyền đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.
Những Phật tử bệnh tật mong mỏi chính quyền đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.

“Bị “cùi” ăn, những bệnh nhân ấy người cụt tay, người cụt chân, cơ thể bị tàn phá, đau đớn tột cùng. Nhìn chỉ muốn ứa nước mắt. Đối với họ cuộc sống này còn gì nữa đâu...”, ông Thắng thừa nhận. Ông cho rằng rất hiểu nỗi khao khát của họ, có thể gửi gắm tâm hồn vào tôn giáo, để làm chỗ dựa, để nương tựa hết những tháng ngày đau đớn còn lại.

Vậy nên, lúc nhận được đơn của bệnh nhân, xin được công nhận cơ sở “Niệm Phật đường” tại phường Ghềnh Ráng là cơ sở tôn giáo, trực thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông đã tìm đủ mọi cách để giải quyết niềm mong mỏi của bà con.

Nhưng ông cho rằng, dù ông đã tìm đủ mọi cách, nhưng đáng tiếc niệm Phật đường Quy Hòa không đủ cơ sở để được công nhận là một cơ sở tôn giáo. 

Vị Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh cho rằng mới đây cũng thêm một lần thử gỡ rối. Ông cho biết, căn cứ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thì: “Công dân có nhu cầu tập trung để thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ đức tin về tôn giáo mà mình tin theo thì người đại diện gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo đến UBND cấp xã”.

Do vậy, Sở Nội vụ đã có công văn 1057/ SNV-TG hướng dẫn bà con bệnh nhân gửi hồ sơ đến UBND phường Ghềnh Ráng để được xem xét giải quyết.

Cách gỡ rối này, theo ý kiến của nhiều người, là khó có hiệu quả, vì tỉnh đã không thể, sao cấp phường xã có thể xử lý. Để niềm mong mỏi chính đáng của những phận người cùng khổ được đáp ứng, có lẽ chính quyền nên vận dụng uyển chuyển hơn những quy định pháp luật. Quy định nào cũng vậy, không nên cứng nhắc, mà có những lúc phải vừa hợp lý – hợp tình.

Đọc thêm