Vỡ ống do nền đất yếu
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội đã bị vỡ tới 4 lần. Lần gần đây nhất xảy ra vào chiều 16/12, trên địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Phải mất tới gần 4 ngày, nước sạch mới được cấp trở lại cho người dân.
Mỗi lần xảy ra sự cố vỡ ống, hàng vạn hộ dân trên địa bàn Hà Nội lại thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều hộ dân, do nước dự trữ trong nhà hết, đã phải đi mua nước lọc đóng bình về sử dụng.
Phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu (CPXNK) và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - chủ Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà Hà Nội và hai đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng (CPĐTXD) và Kinh doanh nước sạch Viwaco.
Ông Phạm Chí Sơn - Giám đốc Ban Đối ngoại - Pháp chế (Tổng Công ty CPXNK và xây dựng Việt Nam - Vinaconex, chủ Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà Hà Nội) cho biết, sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội được xác định là do nền đất yếu. Khi được yêu cầu giải thích rõ hơn, ông Sơn nói: “Về mặt kỹ thuật, tôi nhường lời cho các anh bên kỹ thuật, vì tôi không nắm được”.
Về cụm từ “nền đất yếu”, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị thành viên của Vinaconex, cũng chỉ có thể nói: “Mình chỉ là người tiếp quản thôi, khi sự cố xảy ra đào đất lên thì thấy phía dưới là nền đất nhão. Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng đường ống nằm trên nền đất yếu, phía trên tải trọng đất nặng. Như đợt vừa rồi (ngày 16/12 - PV) phải đào 12m mới tới đường ống. Tải trọng đất lớn đè lên đường ống, ống dịch chuyển nên nó sinh ra sự cố…”.
Hỏng đâu “vá” đấy
Ông Phạm Chí Sơn cho biết, ngay lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ ống, Tổng Công ty Vinaconex đã thành lập Ban xử lý sự cố mang tính thường trực, do Phó Tổng giám đốc trực tiếp phụ trách.
Ông Nguyễn Văn Tốn và ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty CPĐTXD và Kinh doanh nước sạch Viwaco, đơn vị thành viên của Vinaconex - làm phó ban; ngoài ra còn có một số đơn vị thi công cơ giới như Vimeco, Công ty sản xuất ống nước… có đại diện làm thành viên. Như vậy, hiểu đơn giản là Tổng Công ty Vinaconex đã có một “Đội phản ứng nhanh” luôn chủ động về mặt nhân sự cũng như thiết bị máy móc để sẵn sàng ứng cứu và khắc phục nhanh nhất nếu có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Tốn cho biết, hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 3 đơn vị cung cấp nước sạch chính là Công ty CPĐTXD và Kinh doanh nước sạch Viwaco, Công ty nước sạch Hà Nội và Công ty nước sạch quận Hà Đông, đều thuộc sự chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội. Khi có sự cố, các đơn vị này sẽ chi viện hỗ trợ cho nhau. “Do đó vẫn đảm bảo được nước sinh hoạt tối thiểu cho bà con. Tuy nhiên, nếu xài vung phí thì sẽ không đáp ứng được” - ông Tốn nói.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh Việt, mỗi lần xảy ra sự cố phía công ty cũng có những xe téc chở nước sạch đến các điểm cấp bách như bệnh viện, trường học, nhà trẻ cung cấp cho nhân dân. Đồng thời khởi động 4 trạm cấp nước cục bộ ở các điểm như Kim Giang, Khương Trung, Giáp Bát, Trung Hòa - Nhân Chính (từ khi dự án nước sạch sông Đà đi vào hoạt động, các trạm này đóng cửa nhưng vẫn được duy tu bảo dưỡng) để cung cấp nước sạch cho khách hàng.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt. Phóng viên đề cập đến hướng giải quyết lâu dài, mang tính ổn định, ông Phạm Chí Sơn cho biết: “Trước mắt, vẫn duy trì đội phản ứng nhanh, thường xuyên tuần tra, phát hiện những tiềm ẩn rủi ro có thể xảy ra để có hướng khắc phục sớm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có hướng sẽ xây dựng tuyến ống thứ 2 để hỗ trợ cho tuyến ống thứ nhất nếu có sự cố. Nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn về vốn. Bởi vì, dự án nước mang tính xã hội, nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn vay giá rẻ, qui hoạch và giải phóng mặt bằng”.
Về tuyến ống thứ 2 này, ông Nguyễn Văn Tốn cho biết, nếu thuận lợi và tích cực cũng phải đến năm 2015 hoặc 2016 mới được triển khai.
Như vậy trước mắt vẫn là hỏng đâu “vá” đấy.