Cú sốc của hàng trăm ngàn người
Ngày 23/9, Tập đoàn Thomas Cook tuyên bố phá sản sau khi bị Chính phủ Anh từ chối thỏa thuận giải cứu vào phút chót. Trước đó, Thomas Cook đã đề nghị Chính phủ Anh cung cấp gói giải cứu trị giá 250 triệu bảng Anh (tương đương 312,5 triệu USD) để công ty tiếp tục hoạt động nhưng Chính phủ quyết định không rót tiền vì cho rằng công ty sớm muộn cũng không thể tồn tại. Cùng với tuyên bố phá sản, Thomas Cook cũng thông báo ngừng ngay lập tức các hoạt động, đồng nghĩa với việc các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay của họ không được cất cánh và 22.000 nhân viên của tập đoàn lâm vào nguy cơ mất việc.
Đặc biệt, quyết định của Thomas Cook cũng ảnh hưởng tới 600.000 khách du lịch trên toàn thế giới. Trong đó, khoảng 140.000 hành khách Đức của hãng này bị “mắc kẹt” khi đang trong kỳ nghỉ ở nước ngoài. Khoảng 21.000 khách hàng đã đặt vé máy bay của hãng hàng không Condor (một công ty mà Thomas Cook nắm cổ phần chi phối) trong các ngày 23 và 24/9 cũng được thông báo chuyến bay của họ không thể thực hiện được.
Nhiều khách của Thomas Cook bị kẹt ở nước ngoài. |
Khoảng 70.000 khách hàng của Thomas Cook cũng bị mắc kẹt ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp... Tình huống này khiến Chính phủ các nước và các công ty bảo hiểm phải vội vã vạch ra các phương án để đưa các du khách bị kẹt trở về nước. Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) ngày 23/9 cho biết khoảng 135.300 công dân của nước này dự kiến sẽ được đưa về nước vòng 13 ngày. Hơn 1.000 chuyến bay đã được lên kế hoạch để đưa toàn bộ số du khách người Anh bị ảnh hưởng bởi sự việc về nước.
Tại Cuba, nhiều hành khách và các thành viên phi hành đoàn cũng đã bị ngăn không cho rời khỏi nơi ở của họ, trong đó có những người cho biết các khách sạn nơi họ lưu trú yêu cầu hành khách phải trả tiền. Trong khi đó, tại Las Vegas (Mỹ), cựu tiếp viên của hãng hàng không Thomas Cook Katie McQuillan cho biết, cô và 7 thành viên phi hành đoàn bị mắc kẹt khác đã bị “đuổi” khỏi một khách sạn ở Las Vegas. Cả 8 người đã được đề nghị trở về trên chuyến bay của hãng hàng không British Airways (BA) nhưng được báo giá tới 10.000 bảng một vé (khoảng 12.300 USD).
Việc nhà điều hành tour du lịch lâu đời nhất thế giới, nổi tiếng với những gói kỳ nghỉ tới hơn 60 điểm đến này phá sản đã dấy lên những lo ngại về sự sụt giảm đáng kể số lượng du khách ở những nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, tại Tây Ban Nha, chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 1,3 triệu hành khách tới nước này bằng hãng hàng không Thomas Cook Airlines. Con số này chưa bao gồm 1,6 triệu hành khách nữa sử dụng hãng Condor Airlines mà Thomas Cook nắm 49% cổ phần. Chính vì vậy nên ngành du lịch ở một số nơi của Tây Ban Nha như quần đảo Balearic được cho là có thể tổn thất hàng triệu euro. Thomas Cook hợp tác với 20 khách sạn tại quần đảo Balearic và 20 khách sạn tại Canary.
Còn theo Liên đoàn các chủ khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ (TUROFED), việc Thomas Cook phá sản có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất đi tới 700.000 lượt du khách nước ngoài mỗi năm. Người đứng đầu TUROFED Osman Ayik cho biết thêm, Thomas Cook đang nợ các khách sản nhỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 125.000 USD tới 250.000 USD, khiến số phận của những nơi này trở nên phụ thuộc vào tập đoàn của Anh.
Ngoại trưởng Tunisia Rene Trabelsi cũng cho biết Thomas Cook đang nợ các khách sạn ở nước này khoảng 60 triệu euro tiền đặt phòng cho khách lưu trú trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Ngoài ra, khoảng 4.500 khách hàng của Thomas Cook đang mắc kẹt tại Tunisia.
“Món quà của hàng triệu người”
Thomas Cook là công ty tư vấn du lịch lâu đời nhất thế giới, do ông tổ nghề du lịch hiện đại Thomas Cook thành lập năm 1841. Từ gần 180 năm trước, ông Cook - một nhà truyền giáo - đã tiên phong trong ngành du lịch đại chúng. Chuyến “du ngoạn” đầu tiên của Cook là chuyến đi từ Leicester đến Loughborough để dự một cuộc gặp. Tuy nhiên, chính chuyến đi đó đã khiến ông khám phá ra nhiều điều thú vị của những chuyến đi - một kiểu “trốn thoát” khác khỏi cuộc sống thực tại.
Công ty Thomas Cook phá sản, hàng ngàn hành khách điêu đứng |
Vốn là chủ một nhà in, những kỹ năng mà Cook có được được áp dụng để tạo ra các tờ rơi và áp phích lôi cuốn nhằm lôi kéo khách hàng. Kết quả là, 500 người đã đăng ký “tour” du lịch đầu tiên do Cook tổ chức từ Leicester đến Loughborough. Kể từ đó, những chuyến đi do ông này tổ chức không ngừng phát triển về số lượng và mở rộng về phạm vi hoạt động, từ quần đảo Anh đến lục địa và cuối cùng là tới Israel. Công thức mà Cook và những hậu duệ của ông áp dụng thực ra rất đơn giản: thiết kế những chuyến đi truyền cảm hứng với giá vé được giảm nhờ việc mua vé đoàn.
Kể từ đó cho đến nay, Thomas Cook được ví như “món quà cho hàng triệu người” qua nhiều thế hệ. Chuỗi những đại lý của ông đã giúp nhiều gia đình người Anh chưa từng vượt ra khỏi bờ biển nước Anh có được cơ hội trải nghiệm ở nước ngoài. Nhờ sự tiên phong của ông, du lịch cũng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ. Những sáng kiến của ông như giá vé đoàn, tour du lịch trọn gói... vẫn đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lữ hành thế giới. Doanh thu hàng năm của Thomas Cook trong suốt một thời gian dài lên tới khoảng 9 tỷ bảng Anh và tập đoàn này phục vụ tới 19 triệu lượt khách hàng tại 16 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, việc làm ăn của Thomas Cook về sau bộc lộ nhiều điểm sai lầm. Trong đó, tập đoàn đã mở rộng đầu tư ra ngoài lĩnh vực du lịch, trở thành một công ty lữ hành, một tập đoàn chuyên về khách sạn và một hãng hàng không - tất cả cùng một lúc. Điều này khiến hình ảnh của hãng dần trở nên mờ nhạt. Trên hết, Thomas Cook cho thấy rõ họ đã thất bại trong việc thích nghi một cách thuyết phục với thời đại kỹ thuật số. Sự bùng nổ của internet và các hãng hàng không giá rẻ đã khiến cho việc đi du lịch của người dân ngày càng thuận tiện và rẻ hơn.
Hoạt động du lịch gần đây cũng đã phát triển theo một cách khác. Thay vì lựa chọn gói một tour phù hợp, khách du lịch hiện nay có thể kết hợp đặt vé trực tuyến với các chuyến bay giá rẻ để thiết kế cho họ những kỳ nghỉ phù hợp. Nhiều gia đình đã lựa chọn căn hộ thay vì ở trong những phòng khách sạn nhàm chán. Họ cũng thích hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương ở nơi đến hơn là nhập vào các “lữ đoàn selfie” trong những chuyến du lịch theo tour... Sự tác động tổng hợp của các yếu tố khiến hoạt động của Thomas Cook càng về sau càng thua lỗ. Nỗi lo sợ về Brexit khiến nhiều du khách người Anh phải tỏ ra cân nhắc khi đặt các kỳ nghỉ khiến cho khoản nợ của công ty ngày càng lớn, để rồi đến khi không được Chính phủ Anh đầu tư, Thomas Cook đã phải tuyên bố phá sản hôm 23/9.