Hành trình gian nan đào tạo thế hệ kế thừa nghệ thuật cải lương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghệ thuật cải lương có lúc tưởng đã đi đến bờ vực lãng quên, khó lòng đào tạo ra thế hệ người tài kế cận. Nhưng qua nhiều gian nan và tâm huyết, giờ đây cải lương vẫn có sức sống, vẫn được nhiều người trẻ quan tâm, theo học.
Lớp đào tạo nghệ sĩ cải lương của NSND Thanh Tuấn. (Nguồn ảnh: NVCC)
Lớp đào tạo nghệ sĩ cải lương của NSND Thanh Tuấn. (Nguồn ảnh: NVCC)

Nhiều tín hiệu tốt

Mới đây, khán giả đã ngỡ ngàng, hân hoan khi biết NSND - TS Bạch Tuyết bắt tay vào mở “lò” đào tạo cải lương cho người trẻ. Đó là dự án chương trình truyền hình thực tế “Học viện Cải lương” nhằm đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới. Dự án có sự tham gia của NSND - TS Bạch Tuyết, nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Hằng, nhạc sĩ, NSND Thanh Hải. Chương trình được coi như như một “ngôi nhà chung”, là nơi gặp nhau của nhiều thế hệ trong trăm năm cải lương, trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương, tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn để các học viên có thể từng bước trở thành nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Chương trình cũng hướng đến đào tạo họ trở thành những người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật nước nhà.

Đây là một tin vui nữa cho nghệ thuật cải lương bởi có thêm một “sân chơi” để người yêu cải lương thỏa sức sáng tạo, cho nghệ sĩ trẻ đam mê có thể được truyền dạy nhiều điều hay trên con đường đến với nghề.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã bước vào tuổi 80, nhưng trong những năm qua, bà vẫn luôn nổi bật trong làng cải lương. Không chỉ bởi hoạt động nghệ thuật sôi nổi, cập nhật nhanh các phương thức thời đại kĩ thuật số để tiếp cận công chúng, Bạch Tuyết còn là một người “truyền lửa” khi luôn sẵn sàng tham gia các dự án trò chuyện, hướng dẫn, mở đường cho người trẻ tham gia học cải lương.

Bên cạnh Bạch Tuyết, làng cải lương cũng không ít nghệ sĩ đầy tâm huyết với nghề và luôn trăn trở với việc đào tạo ra những thế hệ cải lương kế thừa. Cách đây ít lâu, “lò” đào tạo nghệ sĩ cải lương trẻ của NSND Thanh Tuấn đã ra đời. Nghệ sĩ Thanh Tuấn là danh ca thuộc “thế hệ vàng” của cải lương và là một người có uy tín về chuyên môn. Để tài năng của mình không “đi vào quên lãng”, giúp ích cho cải lương nước nhà, ông đã mở Công ty TNHH MTV Trung tâm Dạy nghệ thuật ca vọng cổ tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) với sự tham gia của các nghệ sĩ Hoàng Hiệu, Văn Giàu, Văn Ngọc… từ đầu năm 2022. Ở thời điểm khai trương, “lò” của nghệ sĩ Thanh Tuấn đã thu hút hơn 20 học viên đăng kí và số lượng ngày càng đông hơn.

Ở các nhà văn hóa hay nhiều địa phương tại TP Hồ Chí Minh đã có những nghệ sĩ thành lập một số câu lạc bộ (CLB) nhằm hướng đến đào tạo kĩ năng cải lương cho nghệ sĩ trẻ và tạo sân chơi về ca cổ, cải lương. Một số CLB vẫn hoạt động tốt, nhưng cũng có những CLB phải tạm ngưng hoạt động do nhiều lý do. Nhưng đây cũng là nỗ lực đáng quý, đáng ghi nhận của nghệ sĩ tâm huyến nhằm đem kiến thức, tài năng về cải lương truyền đạt lại cho người trẻ.

Gian nan nhưng nhiều hy vọng

Một đơn vị đào tạo nghệ sĩ cải lương khá chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh là Nhà hát Trần Hữu Trang. Trước kia, Nhà hát kết hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh mở khóa đào tạo 3 năm và từ khóa này đã ra đời nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, đạt một số giải thưởng về cải lương như Kim Thùy, Diễm Kiều, Phùng Ngọc Bảy, Tô Tấn Loan, Đoàn Minh, Hoàng Hải, Võ Hoàng Long... Từ năm 2017, nhà hát không còn mở lớp 3 năm nữa mà chỉ mở khóa 3 tháng, kết hợp giữa việc đào tạo với “truyền lửa” và cả tổ chức “sân chơi” ngay tại nhà hát cho các bạn trẻ giao lưu với công chúng.

Những năm qua, Nhà hát đã có nhiều nỗ lực như thành lập Sân khấu Tài năng Trẻ và Sân khấu Tài năng thiếu nhi. Về đường dài, mục tiêu lớn nhất của Nhà hát vẫn là tiếp tục phát triển các tài năng trẻ, chuẩn bị đội ngũ kế thừa cho tương lai.

Về đào tạo chính quy, hiện có Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung đạo tào nghệ sĩ cải lương trẻ. Tuy nhiên, hành trình tuyển sinh cũng như đào tạo của trường cũng khá nhọc nhằn. Đã có thời gian, Trường bị gián đoạn việc tuyển sinh vì không được tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định. Tuy nhiên, từ tháng 6/2023, Trường đã có thông báo về việc tuyển sinh cao đẳng chính quy năm 2023 ngành Diễn viên sân khấu kịch hát (Diễn viên cải lương) với thời gian đào tạo 3 năm. Đây là một tin rất vui cho những người yêu mến, quan tâm và muốn đeo đuổi nghệ thuật cải lương.

Làm thế nào nghệ thuật cải lương có thể truyền đạt, lan tỏa sâu rộng trong thế hệ trẻ và làm thế nào có thể đào tạo những nghệ sĩ trẻ kế thừa tài năng và tâm huyết của thế hệ “vàng” là những thách thức không hề nhỏ. Nhưng những tín hiệu tốt đẹp thời gian qua đã cho thấy sức sống của cải lương, giúp chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng về một thế hệ cải lương nhiệt huyết, giỏi giang, năng động để tiếp tục thắp lên và trao truyền ngọn lửa của di sản dân tộc.

Đọc thêm