Hành trình giữ vững “hồn Việt” - nón lá làng Chuông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 50% người làng Chuông bỏ nghề làm nón. Nhưng đâu đó, trong ngôi làng này, vẫn còn có những con người tẩn mẩn làm khung, thắt dây, đan nón… giữ làng nghề truyền thống.
Hành trình giữ vững “hồn Việt” - nón lá làng Chuông

Trời nhá nhem tối, trong con hẻm nhỏ, người phụ nữ tuổi đã xế chiều ấy vẫn ngồi nứt vành, cắt chỉ. Đó là cô Nguyễn Thị Hoa, nghệ nhân làm nón của làng Chuông.

Chiếc nón lá đã theo cô suốt cả cuộc đời. Từ độ 5 - 6 tuổi, khi tuổi thơ những đứa trẻ khác là những ngày rong chơi, thì cô Hoa đã phải học cách nứt nón, lồng nhôi. Rồi lớn thêm một chút, cô lại học thắt, học cách xếp lá, học khâu nón… Và những chiếc nón lá dần dần theo cô trên suốt quãng đường đời này.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoa (57 tuổi) đang ngồi cắt chỉ làm nón

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoa (57 tuổi) đang ngồi cắt chỉ làm nón

Cô Hoa chia sẻ: “Ngày xưa người người, nhà nhà đều làm nón cả. Khi cuộc sống còn vất vả, khó khổ như thế, cái nón làm ra là nguồn thu nhập chính cả hộ gia đình. Nói chung cả nhà cùng làm nón thì ít gì ngày cũng được bảy tám chục nghìn, có khi hơn một trăm nghìn. Mà nón xấu hay đẹp gì cũng bán cả, đủ nuôi sống nhà nhà.”

Thế rồi đời sống khấm khá, nhà máy này, công ty nọ mọc lên đầy rẫy. Người dân làng Chuông dần rời xa nghề làm nón mà ông cha bao đời để lại. Những người trẻ rời xa chốn quê đi thành thị mưu sinh kiếm sống. Còn những ai ở lại cũng chẳng còn làm nón lá như xưa mà buôn này, bán kia.

Chỉ còn lại đây những gạo cội của làng Chuông làm nón. Công ty thì chẳng ai nhận nữa, đường xá xe cộ cũng chả biết đi, các kim đâm nát cả tay, cái lưng đã kêu than nhức mỏi…

Nhưng làm sao bỏ nghề được!

“Có đi làm ruộng xong thì cũng về làm nón.” Bởi đó là cái nghề mà ông cha ta để lại, cần gìn giữ, lưu truyền. Làm sao mà thất truyền cho được! Các cụ 70 - 80 tuổi vẫn còn thắt nón đấy thôi! Người này truyền cho người khác, muôn đời”. - cô Hòa vừa làm, vừa nhẩn nhả nói.

Từ ngôi đình làng Chuông cổ kính, vài bước là đến chợ làng. Ở đó một người phụ nữ đã bước sang tuổi phụ lão, xung quanh là những chùm nón lá chồng cao, tay khâu nón, mắt không rời, miệng không dứt. Nghệ nhân Phạm Thị Thanh đã làm nón, bán buôn nón từ lâu đời trên đất này.

Việc làm nón bây giờ thuận tiện hơn. Nhưng người mua kẻ bán lại càng thưa thớt dần. Trời nắng nôi thì chả sao, chứ trời mưa gió, bão bùng, lá phơi không khô, nguyên liệu thì đắt, nón lá bán ra lại quá rẻ. Khổ cho người dân làm nón và buôn bán cũng khó trăm bề cho kẻ kinh doanh.

Nghệ nhân Phạm Thị Thanh (63 tuổi) bên chùm nón lá

Nghệ nhân Phạm Thị Thanh (63 tuổi) bên chùm nón lá

Cô Thanh chia sẻ: “Nghe bảo có chính sách hỗ trợ cho làng Chuông phát triển nghề nón mà chẳng thấy đâu. Từ khi về đây làm dâu, lúc mới tập tành buôn nón, có chỗ hợp tác thu mua, mà giờ thì không còn nữa. Giờ chỉ có mang ra chợ Đồng Xuân bán. Đắt dân nhờ, rẻ dân chịu. Có khi ế quá, rẻ quá thì dân chết đói!”

Song trong ánh mắt của người phụ nữ ấy, khi nhắc đến hai chữ “thất truyền” làng nghề thì vẫn rất kiên định: “Chỉ có ít đi chứ chả bao giờ mất được, không bao giờ bỏ được. Truyền hết đời này đến đời kia thôi. Không sướng nhưng cũng chả khổ, làm nón vì yêu cái nghề này. Không giàu nhưng chẳng nghèo đâu, vẫn bán nón để giữ nghề truyền thống."

Không chỉ có cô Hoa, cô Thanh mà cứ tầm ba bốn cái nhà lại có những người ngồi chuốt dây, khâu nón. Thấp thoáng xa xa, hai thế hệ, đứa cháu nhỏ và vợ chồng già đang ngồi cặm cụi làm mấy chiếc nón lá. Và không chỉ có các cụ già làm nón, những người trẻ tuổi như chị Phạm Thị Hằng cũng sẽ là một trong những thành phần góp phần vào hành trình giữ vững làng nghề này.

Nón lá làng Chuông trong công đoạn xếp lá, nứt vành, khâu nón

Nón lá làng Chuông trong công đoạn xếp lá, nứt vành, khâu nón

Trước khi vào đời làm công ty, xí nghiệp, chị Hằng đã gắn tuổi thơ và thời niên thiếu của mình quanh chiếc nón lá. Đến tận bây giờ, ngày nghỉ ở nhà chị cũng phụ bố mẹ thắt nón, làm khung. Và sau này khi về già “về nghỉ hưu, hết làm công ty nữa, chắc sẽ về làm nón”, chị Hằng chia sẻ.

Ngoài việc mang nón đến chợ Đồng Xuân, người làng chuông cũng hy vọng hết dịch Covid-19 khách du lịch lại sẽ về nhiều hơn, nón lá truyền đi khắp nơi. Nhất là trong các phiên chợ nón ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng, nón lá cũng sẽ được quảng bá tới mọi miền.