Chiếc nón lá tôn thêm nét đẹp “thi vị” người phụ nữ Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nón lá là vật dụng rất thân quen, gần gũi và bình dị với đời sống sinh hoạt thường ngày của bao thế hệ người Việt. Một công cụ che nắng, che mưa, làm quạt, có khi còn để che giấu gương mặt, nụ cười hay tạo thêm nét duyên thầm của người phụ nữ. Nón lá còn cùng mẹ ra đồng hay theo mẹ những buổi chợ trưa. Và còn gì đẹp hơn một người thiếu nữ mặc chiếc áo dài thướt tha, đội chiếc nón lá trong các dịp lễ hội.

Trải qua bao thăng trầm, chiếc nón lá vẫn có một vị trí quan trọng nhất định trong đời sống, văn hóa của dân tộc. Chiếc nón đã thực sự trở thành một biểu tượng sinh động của người phụ nữ Việt dịu dàng, nết na, duyên dáng, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Chiếc nón lá gợi nguồn cảm hứng bao tác giả

Chiếc nón lá ngoài vẻ đẹp hiện diện khắp những cánh đồng và khắp các chợ, trong các lễ hội, thì trong thơ ca, điệu hò, chiếc nón đã gợi nguồn cảm hứng biết bao tác giả. Còn trong âm nhạc với những bài hát trữ tình, lời hát ngọt ngào sâu lắng đã tô thêm vẻ đẹp người phụ nữ bao thế hệ với lòng thủy chung son sắt, với người mẹ tảo tần cực khổ ngoài đồng đã trở thành đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Nét đẹp người phụ nữ Việt qua chiếc nón lá được tô đẹp lên trong từng câu thơ, lời hát - Ảnh minh họa.

Nét đẹp người phụ nữ Việt qua chiếc nón lá được tô đẹp lên trong từng câu thơ, lời hát - Ảnh minh họa.

Khi về miền Tây sông nước hữu tình, người phụ diễm kiều, chân chất, mộc mạc; đội nón lá cùng chiếc áo bà ba làm say đắm lòng người. Như lời bài hát, “Chiếc Áo Bà Ba”, của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với ca từ sâu lắng, ngọt ngào đã tô lên nét đẹp đằm thắm của người phụ nữ miền Tây “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/ thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh/ nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ/ Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”. Chiếc nón còn gợi nhớ dáng mẹ tảo tần vì chồng vì con; không quảng thân mình dù cực nhọc nhưng nét đẹp của người mẹ vẫn toát lên vẻ đẹp đơn sơ giản dị, đảm đang với chiếc nón lá đậm tình quê. Ngoài tình yêu thương gia đình còn gợi lên tình yêu thương quê hương đất nước, thì chiếc nón lá cũng gắn liền trong từng mảnh đất, vườn rau đã thể hiện đậm nét qua bài thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ/Mẹ về nón lá nghiêng che…”.

Còn khi ra xứ Huế mộng mơ là cái nôi của nón lá người phụ nữ Huế, với chiếc nón bài thơ cùng chiếc áo dài thướt tha mang vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, thùy mị, đoan trang. Khi đã trao ai tình cảm thì lòng chung thủy đợi chờ son sắt đúng với lời bài hát “Huế Thương” của nhạc sĩ An Thuyên “Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón/ Em cầm trên tay ra đứng bờ sông/ Sông Hương nước chảy thuyền trôi lững lờ/ Em trao nón đợi và em hẹn hò…”.

Nét đẹp mộc mạc chân quê của người phụ nữ Việt gắn liền với ruộng lúa vườn rau - Ảnh minh họa.

Nét đẹp mộc mạc chân quê của người phụ nữ Việt gắn liền với ruộng lúa vườn rau - Ảnh minh họa.

Và rồi, tất nhiên, chiếc nón lá cũng đi vào thơ ca nhẹ nhàng sâu lắng như Nhà thơ Bích Lan đã từng miêu tả chiếc nón bài thơ Huế rằng “Người xứ Huế yêu thơ và nhạc Huế/ Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay/ Nón bài thơ e lệ nép trong tay/ Thầm lặng bước những khi trời dịu nắng”. Và ngay cả trong ca dao “Nón này che nắng che mưa /Nón này để đội cho vừa đôi ta/ Còn duyên nón cụ quai tơ/ Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong”.

Điều đó cho thấy, hình ảnh chiếc nón lá trong mắt tác giả là hình ảnh người thiếu nữ thơ ngây trong tà áo dài thanh khiết, của người phụ nữ mộc mạc chân tình gắn đời với mảnh ruộng quê hương, của những mối tình thầm kín gửi qua bài thơ, câu hát ngọt ngào sâu lắng. Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai màu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận.

Yêu văn hóa truyền thống mà “giữ lửa nghề”

Chỉ là một chiếc nón lá đơn sơ và mộc mạc như chính tính cách con người Việt Nam nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Chiếc nón lá là hình ảnh của Việt Nam, đã trải qua bao thế hệ nối tiếp, chiếc nón lá vẫn mang trong mình màu sắc của sự bình yên, dịu dàng và đầy tinh tế. Đã trở thành một món quà tinh thần, đi khắp bốn bể năm châu, tạo sự gắn kết giữa Việt Nam với nước bạn trên thế giới.

Làm nón lá ngoài sự tỉ mỉ thì đòi hỏi người làm phải có tính kiên trì, miệt mài - Ảnh Phi Thuyền.

Làm nón lá ngoài sự tỉ mỉ thì đòi hỏi người làm phải có tính kiên trì, miệt mài - Ảnh Phi Thuyền.

Tại Việt Nam có nhiều địa phương làm nghề chằm nón lá nhưng khi đến miền Tây thì không thể không ghé qua làng nghề tại Huyện Long Hồ, Vĩnh Long có niên đại khoảng thập kỷ 70- 80 của thế kỷ XX. Theo người dân ở xóm thì nghề chằm nón lá do một người gôc ở Huế vào đây lập nghiệp, và dạy nghề này cho người dân trong làng để có nghề nuôi sống gia đình. Lúc đầu chỉ ít nhà làm nhưng sau đó công việc thuận lợi thì được nhiều hộ làm. Từ đó, nghề truyền nghề cho các thế hệ sau và cho tận đến ngày hôm nay.

Trao đổi với PLVN, cô Hồng (ở Huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết “Năm nay cô đã có tay nghề hơn 45 năm. Lúc cô còn nhỏ đi lại những nhà làm nón chơi nhìn thấy thích và học hỏi riết cũng theo nghề luôn. Sau này có chồng có con thì vẫn làm nghề tiếp tục. Cô cho biết cái nghề này nuôi sống cả gia đình, nuôi con cái ăn học ra trường có việc làm ổn định cũng từ nghề chằm nón lá. Ngày xưa, nón bán đắc lắm đi ruộng cũng đội nón, đi chợ cũng đội nón, đi làm vườn cũng đội nón… Nên làm ăn được lắm. Ngày nay, cái gì công nghiệp hết rồi; xịt thuốc cho lúa có máy bay phun thuốc, dặm lúa cũng có máy dăm, cắt lúa cũng có máy cắt luôn thì người dân họ đâu có mua nón làm gì. Với lại thời buổi này có nhiều sự lựa chọn thời trang nên người dân không còn mặn mà với chiếc nón lá nữa, chứ ngày xưa nón lá là vật không thể thiếu khi ra ngoài đường. Dù ngày nắng hay ngày mưa, đi lễ hội đình làng đều đội nón, còn bây giờ nón bán đắc nhất chỉ vào mùa mưa thôi. Do đó, nhu cầu sử dụng chiếc nón lá không còn nhiều như trước nên giá nón giảm, thu nhập từ nghề không nhiều. Một số gia đình cũng không theo nghề nhưng cũng còn nhiều hộ vẫn theo nghề không vì thu nhập mà muốn “giữ lửa nghề” chằm nón lá mà ông cha đã truyền dạy.

Nón lá để tới người sử dụng thì phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và khéo léo - Ảnh Phi Thuyền

Nón lá để tới người sử dụng thì phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và khéo léo - Ảnh Phi Thuyền

Cô Hồng cũng cho biết thêm, bây giờ đa phần người trẻ không còn tha thiết với nghề, chỉ còn những phụ nữ tuổi đã cao không làm việc nặng được hoặc nhàn rỗi không gì làm thì họ vẫn tiếp tục làm để “giữ lửa nghề”. Con cô ai cũng được cô truyền nghề lại nhưng không ai theo làm nghề với cô mà chọn đi làm công ty, con cô nói khi nào con làm công ty hết nổi về tiếp bước nghề mẹ”. Hiện làng nghề cũng là địa điểm du lịch thu hút những du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan. Khi đến đây khách tham quan sẽ thấy được đôi tay khéo léo, tỉ mỉ từng đường kim mối chỉ của người thợ làng nghề.

Đọc thêm