Hành trình khởi nghiệp đầy thăng trầm của chủ nhân đế chế tỷ đô Nike

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Phil Knight đã gây dựng thành công thương hiệu Nike, kiểm soát 62% thị phần giày thể thao tại Mỹ với doanh thu hàng năm đạt 30 tỷ USD.
Tỷ phú Phil Knight.
Tỷ phú Phil Knight.

Niềm đam mê với giày

Tỷ phú Phil Knight là người đàn ông với nụ cười thân thiện và là chủ nhân của đế chế tỷ đô Nike, nơi sản xuất những đôi giày được sử dụng nhiều nhất thế giới, được biết đến với câu chuyện khởi nghiệp từ tờ 50 USD ông vay từ bố mình.

Phil Knight sinh ngày 24/2/1938 và lớn lên tại Portland, một thành phố ở miền Tây nước Mỹ. Là con trai của nhà báo Bill Knight và bà Lota Knight. Philip Knight theo học trường Trung học Cleveland. Khi cha của Knight từ chối cho con trai của mình làm việc hè tại tòa soạn noOregonian nơi ông làm việc, vì tin vào khả năng tự tìm việc của con trai, Philip Knight đã tìm đến tòa soạn đối thủ của Oregonian xin cộng tác.

Philip Knight tiếp tục việc học của mình tại Đại học Oregon ở Eugene và tốt nghiệp cử nhân báo chí vào năm 1959. Sau khi tốt nghiệp, Philip Knight tham gia quân ngũ và sau đó một năm thì quay lại trường học.

Sau đó, trong thời gian học lấy bằng MBA tại Stanford, Phil Knight từng là một cậu thiếu niên đam mê thể thao. Ở trường học, Phil Knight tham gia hầu như tất cả các môn thể thao, nhưng điền kinh lại là môn cho ông niềm thích thú hơn cả. Phil Knight sau đó tham gia lớp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Stanford, và tại đây, vị tỷ phú dần nhận ra sự hứng thú của mình với việc kinh doanh và chắc như đinh đóng cột rằng đó phải là giày thể thao.

Vợ chồng tỷ phú Phil Knight - cha đẻ của thương hiệu Nike nổi tiếng thế giới.

Vợ chồng tỷ phú Phil Knight - cha đẻ của thương hiệu Nike nổi tiếng thế giới.

Cũng là lúc này, Phil nhen nhóm ý tưởng mở công ty giày bởi ông nhận thấy người Mỹ cần những đôi giày thể thao tốt hơn. Sau khi tận mắt nhìn thấy đôi giày chất lượng và độ bền thì khỏi bàn từng được sử dụng bởi các quân nhân Nhật Bản trong Thế chiến II, Phil Knight ấp ủ về một chuyến thăm đến đất nước Mặt trời mọc để nghiên cứu về giày.

Để hiện thực hóa ý tưởng, sau khi tốt nghiệp, tháng 11/1962, Phil đã thực hiện chuyến vòng quanh thế giới để tìm đôi giày chạy ưng ý và dừng chân tại Nhật Bản. Tại thành phố Kobe, “gã nghiện giày” Phil Knight lập tức hoàn toàn bị thuyết phục bởi những đôi giày chắc nịch của hãng Onitsuka Tiger. Chúng tốt đến nỗi, Phil Knight quyết định nhập luôn về Mỹ để bán.

Gặp gỡ với nhân viên của Onitsuka, Phil tự giới thiệu mình là giám đốc hãng giày, thậm chí ông còn tự "vẽ" ra tên công ty và đề nghị trở thành người đại diện của Onitsuka tại Mỹ.

Bất ngờ là lời đề nghị này được chấp thuận dù trên thực tế Phil chẳng có gì trong tay còn hãng Onitsuka thì lại không mấy quan tâm đến thị trường quốc tế. Phil về nước với 40 đôi giày Tiger xếp sau thùng xe.

Chán bán rong, Phil Knight tìm đến một người thầy đã từng huấn luyện mình trên đường đua khi còn là sinh viên để gợi ý hợp tác, đó chính là Bowerman - một kẻ rất hiểu biết về những đôi giày chạy. Đúng như dự tính của Phil Knight, Bowerman lập tức đồng ý vì những đôi giày nhập từ Nhật Bản khiến gã phải gật gù công nhận bởi chất lượng quá tốt. Năm 1964, Phil cùng Bill Bowerman, mỗi người bỏ 500 USD thành lập công ty Blue Ribbon Sports (BRS). Toàn bộ số tiền được sử dụng để đặt mua 300 đôi giày Tiger.

Nhờ những mối quan hệ của Bowerman mà chuyến hàng đầu tiên của họ bán hết trong vòng 3 tháng. Ngay năm đầu tiên, BRS đã đạt doanh số 8.000 USD và hãng bắt đầu thuê nhân sự để vận hành. Đến năm 1965, doanh thu của BRS đạt 20.000 USD và bắt đầu mở các chi nhánh bán hàng của mình.

Sau khi kết thúc hợp đồng với phía Nhật Bản, đúng dịp Munich Olympic diễn ra, năm 1971, không muốn quá phụ thuộc vào Tiger, Phil Knight và Bill Bowerman đã tự sản xuất đôi giày do chính mình thiết kế, đồng thời đổi tên Công ty Blue Ribbon Sports thành Nike - tên nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp.Về logo, Phil Knight đến một trường học gần đó và trả 35 USD cho một sinh viên khoa thiết kế mà ông bắt gặp để cho ra hình dấu phẩy ngược như ngày nay.

Tại Nhật Bản, thay vì lặng thầm tìm đối tác, Phil Knight tổ chức tuyển hãng sản xuất trên khắp Nhật Bản để cung ứng giày thiết kế cho Nike. Kể từ đây, hành trình của Nike gần như chỉ có tăng trưởng. Họ biến thành hãng giày thể thao lớn nhất Mỹ vào năm 1989 và thậm chí lan ra toàn cầu nhờ hoạt động marketing thông minh và mô hình thuê ngoài nhằm tận dụng nhân công giá rẻ.

Mẫu giày đầu tiên của Nikedo Bowerman thiết kế nảy sinh từ ý tưởng làm bánh waffle cho bữa sáng. Hình dáng của chiếc bánh giúp Bowerman nảy ra ý tưởng phần đế giày có rãnh, giúp giày của vận động viên bám chặt hơn, ma sát tốt hơn trên đường chạy. Ý tưởng này đã khai sinh ra “Nike Waffle Trainer”.

Với chất lượng sản phẩm tốt, Nike là lựa chọn của nhiều vận động viên điền kinh chuyên nghiệp. Để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic năm 1972 ở Munich, Phil đã tung ra mẫu giày Cortez. Cặp đôi tin chắc rằng, mẫu giày đa dạng về màu sắc cùng logo "swoosh" lần đầu ra mắt của Nike sẽ hấp dẫn người dùng. Và họ đã đúng.

Tăng trưởng nhanh chóng

Mẫu giày mới trở thành lựa chọn hàng đầu của các vận động viên Olympic, đem về doanh thu 2 triệu USD. Từ một hãng giày nhỏ, Nike đã vươn lên và ghi tên mình vào danh sách các công ty giày sneaker lớn nhất ở thời điểm bấy giờ.

Nike tăng trưởng nhanh chóng trong suốt những năm 1970 và 1980. Doanh thu của công ty tăng từ 28,7 triệu USD năm 1972 lên 867 triệu USD năm 1983. Năm 1982, sự ra đời của Air Force – dòng sản phẩm đầu tiên của Nike có tính năng Nike Air với một túi khí ở gót chân, có thêm đệm và hỗ trợ cho những vận động viên bóng rổ đem đến thành công lớn cho Nike, trở thành một trong những đôi Sneaker được ưa chuộng nhất mọi thời đại. Cho đến nay, vẫn có hàng triệu đôi Air Force được bán ra hàng năm.

Tiếp đó, một trong những thành công lớn nhất của Nike là ký hợp đồng quảng cáo với Michael Jordan– một vận động viên bóng rổ huyền thoại và tung ra mẫu Air Jordan, được xem là dòng giày đầu tiên của Nike có tính năng Nike Air với túi khí ở gót chân, thêm đệm để hỗ trợ cho vận động viên bóng rổ.

Dòng sản phẩm Air Jordan đã trở thành một trong những cái bắt tay thành công nhất mọi thời đại trong lĩnh vực sneaker. Tháng 3 năm 1985, Air Jordan đã có mặt trên các kệ giày tại các cửa hàng Nike trên khắp nước Mỹ với giá 65 USD một đôi. 70 triệu USD là doanh thu của dòng sản phẩm này chỉ sau 2 tháng ra mắt, đóng góp một phần đáng kể vào tổng doanh thu hơn 100 triệu USD của Nike cuối năm đó.

Không phải lúc nào Nike cũng làm ăn thuận lợi. Một thời gian Nike vướng phải những lùm xùm, tai tiếng khiến khách hàng quay lưng và doanh thu của Nike giảm đi trông thấy. Khi ấy, Philip Knight nhận ra rằng, khách hàng của họ đa phần là những công dân bình thường, hầu hết trong số đó còn không dùng giày cho các hoạt động thể thao dù Nike có cố gắng tiếp thị đến rất nhiều những vận động viên thể thao.

Thành công của Nike đã khiến khối tài sản của Knight tăng lên đáng kể giúp ông thường xuyên nằm trong nhóm những tỷ phú giàu nhất thế giới. Sau hơn 52 năm cống hiến cho công ty, Phil Knight sở hữu khối tài sản trị giá 49,9 tỷ USD, xếp thứ 25 trong danh sách người giàu nhất thế giới năm 2021 của tạp chí Forbes bình chọn.

Đọc thêm