“Hành trình vạn dặm” tìm công lý cho những người phụ nữ có “H”

(PLO) - Ai cũng biết các công cụ pháp luật để bảo vệ người nhiễm HIV của chúng ta là không hề thiếu. Thực tế cũng cho thấy, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã giảm bớt đi phần nào. Nhưng đâu đó vẫn còn những giọt nước mắt lăn dài của những người phụ nữ - nạn nhân của căn bệnh AIDS…
Căn bệnh AIDS khiến những người phụ nữ bị kỳ thị.
Căn bệnh AIDS khiến những người phụ nữ bị kỳ thị.

Hành trình vạn dặm…!

Cũng với những giọt nước mắt lăn dài kèm theo tiếng nấc nghẹn ngào, cháu Nguyễn Thanh X, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang không tránh khỏi xúc động khi bày tỏ về thảm cảnh trớ trêu của mình. X mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đối mặt với sự kỳ thị của chính người thân của mình. Cô dì, chú bác không cho chơi với con cái của họ vì sợ lây. Khi đi học, X cũng bị các bạn xa lánh. 

Cùng chung hoàn cảnh của X là trường hợp của Ngọc Th, Bắc Giang. Sau khi nghe bé X chia sẻ về câu chuyện đớn đau của cuộc đời, Th cho rằng mình vẫn là người may mắn và hạnh phúc. Và Th mong rằng X sẽ có đủ nghị lực phấn đấu, vươn lên. Câu chuyện của Th cũng đau lòng không kém. Sau một thời gian giấu bệnh, bố mẹ chồng Th cũng biết hai vợ chồng nhiễm HIV nên thể hiện thái độ kỳ thị rất rõ.

Sau khi bị gia đình chồng ruồng rẫy, hai vợ chồng phải tự lần hồi kiếm sống nuôi nhau. Thậm chí sau khi chồng Th chết, bố chồng cô đã nhờ người tư vấn sang tên, đổi chủ ngôi nhà, tống mẹ con cô ra ngoài đường. Từ năm 2013 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách y tế, HIV/AIDS, Th đã mòn chân đến các cơ quan chức năng để nhờ công lý bảo vệ, nhưng mọi người đều ngoảnh mặt, quay lưng.

 “Mày đi đến đâu tao sẽ theo mày đến đó…! Mẹ chồng em suốt ngày dọa dẫm em câu đó. Em không muốn giành giật nữa, không muốn theo tòa nữa, nhưng mọi người trong Trung tâm vẫn động viên nên em đành tiếp tục…” – Th bộc bạch. 

Cuối cùng, công lý cũng mỉm cười với mẹ con cô, Th được cha mẹ chồng chính thức công nhận là con dâu trước tòa, cuốn sổ đỏ mà bố chồng Th đã cố công “phù phép” bị hủy bỏ, mẹ con cô được quyền thừa kế số tài sản chồng cô để lại. Nhưng chữ “tình” vẫn quá xa vời với mẹ con cô khi Th cho biết, tuy thừa nhận về mặt pháp lý nhưng mọi người vẫn xa lánh và hắt hủi mẹ con cô. Và đó là điều khiến Th day dứt, đau khổ khôn nguôi…

Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người nhiễm!

Thực tế cho thấy, số người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không được tiếp cận và giúp đỡ của các tổ chức này là khá cao. Cụ thể, bà Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách Y tế, HIV/AIDS cho biết, theo kết quả khảo sát của Trung tâm trên 320 người nhiễm tại Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái và Long An năm 2014 cho thấy, có tới 75,9% người nhiễm HIV cho biết họ chưa từng được tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Đáng buồn thay khi phần lớn trong số đó là những phụ nữ không may mắn bị nhiễm HIV từ chồng. Họ cũng chính là nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề nhất của sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV…

Theo quy định của hệ thống pháp luật quốc tế, ông Trần Tiến Đức, Phó Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho hay,  những người phụ nữ sống chung với HIV/AIDS có tất cả các quyền mà công ước quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam quy định, trong đó có những quyền mưu cầu hạnh phúc như: Sinh con, nuôi con, học tập, làm việc…  Tuy nhiên, hiện nay gần như các quyền cơ bản đó của họ đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng.

Cụ thể, ông Đức cho biết trong cộng đồng, người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Bằng chứng sinh động nhất là trường hợp một phụ nữ sống ngay giữa Thủ đô, bản thân chị là người rất thành đạt, nhưng vì bị kỳ thị, chị đã phải nghỉ việc ở cơ quan nhà nước, ra ngoài lần hồi kiếm sống. Quán phở của chị lúc đầu rất đông khách vì nó nằm giữa một khu đô thị rất lớn, đông người qua lại. Nhưng, sau khi chị công khai danh tính và tình trạng bệnh của mình, quán phở của chị thưa dần rồi chả ai bén mảng đến nữa…

Không chỉ có vậy, vị chuyên gia về HIV/AIDS này cũng không khỏi băn khoăn khi cho biết, quyền năng về sinh sản của các chị em cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Quyền sinh con là một quyền thiêng liêng của người phụ nữ, tuy nhiên hiện nay đa số các thầy thuốc tư vấn người nhiễm HIV không nên sinh con vì nó  sẽ trở thành gánh nặng, không chỉ cho gia đình mà cả xã hội. Theo ông Trần Tiến Đức, đây là một quan điểm sai lầm và vi phạm quyền con người về sinh sản. 

 “Theo tôi, pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm túc để bảo vệ người nhiễm HIV, nhất là chị em phụ nữ. Không có lý do gì ngăn cản họ học tập, làm việc. Trong môi trường bệnh viện cũng vậy, bác sỹ nào đưa ra lời khuyên những phụ nữ nhiễm HIV không được mang thai cần xem xét lại. Nếu vì lý do khác khuyên họ không nên có thai thì phải giải thích rõ bằng căn cứ khoa học cụ thể. Các trường hợp bị vi phạm quyền nêu trên phải nhận được sự hỗ trợ từ pháp luật…!” – lãnh đạo Hội Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội khẳng định./.

Đọc thêm