Hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ bị xử lý ra sao?

(PLVN) -  Bạn Hoàng Anh (Hà Nội) hỏi: Xin Quý Báo tư vấn cho tôi về việc những trường hợp, đối tượng vi phạm sử dụng pháo hoa, pháo nổ sẽ bị xử lý thế nào?
Ảnh minh họa

Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật Hợp danh FDVN tư vấn: Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP như vào dịp Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc khánh, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch), Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế và trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với việc sử dụng pháo hoa, Điều 17 Nghị định này quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Trường hợp có hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021. Nếu có hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo thì có thể bị xử phạt mức phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 11 Nghị định nêu trên.

Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Cùng với đó, tùy theo hành vi thực hiện, tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh sau: Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng; Xử lý theo hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; Xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm. Minh Đức

Đọc thêm