Hệ giá trị gia đình - Hạt nhân của hệ giá trị quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã từng có câu: “Nước là cái nhà to” và “Nhà chính là nước nhỏ”. Gia đình có vai trò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi một con người, mỗi một xã hội, mỗi một quốc gia, dân tộc. Gia đình là nơi khởi nguồn sinh ra mỗi con người, không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Vì thế, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc.
Từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam. Ảnh tham gia cuộc thi Gia đình do Hội Nhiếp ảnh TP HCM tổ chức.
Từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam. Ảnh tham gia cuộc thi Gia đình do Hội Nhiếp ảnh TP HCM tổ chức.

Gia đình, dòng họ - hai khái niệm thiêng liêng trong trái tim người Việt

Năm 2023, tại hội thảo về “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức, câu chuyện về một gia đình, một dòng họ nổi tiếng hiếu học và có nhiều đóng góp những gương mặt tài danh của sự học, sự thành công trong nghề nghiệp cho đất nước đã được nhắc đến. Đó là gia đình của GS. NGND Nguyễn Lân.

Có mặt tại hội thảo, kể câu chuyện về đại gia đình mình, GS.TS, NGND Nguyễn Lân Dũng con trai của cố GS. NGND Nguyễn Lân chia sẻ điều quan trọng nhất giúp 8 anh chị em của ông có được những thành công nhất định trong học tập và khoa học, đó chính là sự đoàn kết trong gia đình và sự gương mẫu của người đi trước.

Theo GS.TS, NGND Nguyễn Lân Dũng, trong suốt cuộc đời, dù trải qua những cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhưng ông chưa lúc nào thấy bố mẹ tỏ ra buồn phiền, nặng lời với nhau mà luôn tìm cách bảo đảm sức khỏe và sự học hành của các con, các cháu.

Tất cả những điều đó đã giúp gia đình GS. NGND Nguyễn Lân có được rất nhiều tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư. Không chỉ những người con ruột mới là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà nhiều con rể, con dâu của ông cũng là những trí thức có uy tín. Truyền thống hiếu học của gia đình còn lan tỏa sang thế hệ thứ ba và sẽ còn tiếp tục lan tỏa hơn nữa với tinh thần người đi trước dìu dắt người đi sau, cùng nhau xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.

Ở một câu chuyện khác, từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, lịch sử dân tộc Việt Nam đều có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng. Vì thế, trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết; là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ở góc độ hẹp hơn, giỗ tổ dòng họ cũng là một nét đẹp văn hoá người Việt. Trong văn hoá dân tộc Việt Nam, giỗ tổ tiên được coi là một trong những nghi lễ trọng đại nhất với mỗi dòng họ, gắn kết tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Trong ngày giỗ họ, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau thực hiện các nghi thức tôn kính tổ tiên và đây cũng là dịp để các cành, chi trong một dòng họ lớn nhận họ hàng, nắm được thông tin của nhau, cùng nhau trò chuyện, hiểu rõ hơn về những câu chuyện xây dựng dòng họ của tổ tiên mình. Nhờ vào ngày giỗ họ, mọi người trong gia đình có cơ hội tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với tổ tiên đã đi trước. Đây cũng là dịp để các thế hệ trưởng thành có thể kể lại những câu chuyện về tổ tiên, giúp truyền lại những giá trị đạo đức, tinh thần và truyền thống văn hoá của gia đình cho các thế hệ sau.

Từ đó có thể thấy giỗ họ còn là dịp để những tư liệu, di sản quý báu của mỗi dòng họ như phả ký, cây gia phả phát huy lợi ích và ý nghĩa nhằm giúp anh em trong dòng họ giữ được mối liên kết bền chặt, là cơ sở cho đoàn kết trong dòng họ.

Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới

Một bức ảnh gia đình hạnh phúc trong Triển lãm ảnh “Gia đình - Tổ ấm yêu thương” do Trung tâm VHNT Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2021.

Một bức ảnh gia đình hạnh phúc trong Triển lãm ảnh “Gia đình - Tổ ấm yêu thương” do Trung tâm VHNT Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2021.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác gia đình. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/5/2012. Gần đây nhất Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Để cụ thể hóa, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”...

Hệ giá trị gia đình Việt Nam đã được đúc kết qua bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Tuy nhiên thực tế cũng đã và đang cho thấy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng với đó là hội nhập văn hóa tạo ra những hiện tượng phức tạp, tiêu cực đối với gia đình. Gia đình Việt Nam đang có biến đổi nhiều mặt về quy mô, cấu trúc, chức năng, thang giá trị, nhiều loại hình gia đình xuất hiện và tồn tại song hành với mô hình gia đình truyền thống. Khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm dân cư, các vùng địa lý ngày càng rộng, tỷ lệ tái nghèo còn cao, lõi nghèo tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra thách thức đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình… Ngoài ra, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình như là một thiết chế xã hội và có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý phát triển xã hội. Việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về gia đình chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, nhất là việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội chưa lấy gia đình làm đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng thành quả phát triển…

Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VHTTDL, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tháng 11/2022, các đại biểu đều nhất trí quan điểm để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc.

Hệ giá trị gia đình Việt Nam là sự tích hợp các giá trị của cộng đồng, thành viên trong một tổ ấm gia đình. Với tư cách là hạt nhân của xã hội, hệ giá trị gia đình Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động lịch sử. Đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, sống nghĩa tình... Hệ giá trị gia đình Việt Nam cũng lưu giữ những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc từ đời này qua đời khác, thông qua những hoạt động cụ thể như gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, ẩm thực truyền thống, trang phục, cưới hỏi, ma chay, thờ cúng ông bà tổ tiên.

Trong bài viết “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới - từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động” đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ VH-TT&DL, TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL đã nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Gia đình là hạt nhân của xã hội, liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban ngành và mỗi cơ quan, ban ngành chỉ tham gia quản lý, thực hiện cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu một phần của chức năng của gia đình.

Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ trung ương đến cơ sở, để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành, giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ quy định để thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”.