Hé lộ bất thường trong giám định pháp y

Không chỉ riêng vụ giám định pháp y cái chết của Trưởng VPCC Việt Tín, mà rất nhiều các vụ việc khác cũng đều do “một tay” bệnh viện  Việt - Đức thực hiện và đóng dấu... 

Kỳ 1: "Khoác áo" giám định, đóng dấu...thay

Bệnh viện có tổ chức pháp y?
Như báo PLVN (số 148/2010, ra ngày 28/5) đã thông tin, Công an huyện Thanh Trì  (Hà Nội) cho biết, bản kết luận giám định pháp y về nguyên nhân cái chết của Trưởng VPCC Việt Tín là do Bệnh viện Việt - Đức thực hiện, được đóng dấu của Bệnh viện này.

Một ca giám định tử thi

Thế nhưng, căn cứ theo Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh, cũng như cơ cấu tổ chức pháp y ở tuyến trung ương (cụ thể là trên địa bàn Hà Nội) thì hiện chỉ có 5 tổ chức giám định: Viện Pháp y quốc gia (thuộc Bộ Y tế), Viện Pháp y Quân đội (thuộc Bộ Quốc phòng), Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (thuộc Bộ Công an), Phòng Kỹ thuật Hình sự (thuộc Công an thành phố Hà Nội) và Trung tâm Giám định Pháp y Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội).

Danh sách trên không hề có tên của Bệnh viện Việt - Đức, hay nói cách khác, Bệnh viện Việt - Đức không hề được công nhận là một tổ chức giám định pháp y!

Vậy thì tại sao không chỉ riêng vụ Việt Tín, mà rất nhiều các vụ việc khác cũng đều do “một tay” bệnh viện  Việt - Đức thực hiện và đóng dấu và ngạc nhiên hơn nữa khi cái tên Viện Pháp y trung ương vẫn được lưu hành dù đã không còn?

Tìm câu trả lời tại Viện Pháp y quốc gia thì được biết, trong những năm đầu hình thành, Viện Y học tư pháp trung ương (đóng trụ sở tại 13 Lê Thánh Tông, HN ) chưa có Khoa Giám định riêng biệt, nên đã có sự thỏa thuận và kết hợp với bệnh viện Việt - Đức để thực hiện hoạt động giám định.

Có thể hiểu mọi hoạt động giám định pháp y tại thời điểm này đều do bệnh viện Việt - Đức thực hiện, tuy nhiên con dấu dưới bản kết luận giám định vẫn là Viện Y học tư pháp trung ương và hồ sơ vụ việc cũng được lưu giữ tại Viện.

Cũng trong thời gian này, các bác sĩ hoạt động giám định pháp y tại BV Việt Đức đã được Bộ Y tế bổ nhiệm chức danh Giám định viên y pháp trung ương theo Quyết định số 1119/QĐ-BYT ngày 3/4/2002.

Sau khi Viện Pháp y quốc gia được hình thành, vì trong cơ cấu của Viện lúc này  đã có đầy đủ Khoa Giám định nên lãnh đạo Viện Pháp y quốc gia có đề nghị với bệnh viện Việt - Đức để thu về một mối hoạt động giám định cũng như công tác quản lý giám định viên (GĐV).

Nhưng, thay vì thực hiện theo quy định pháp luật, bệnh viện Việt  - Đức đã từ chối, bảo tồn nguyên nhóm GĐV của mình để tiếp tục hoạt động.

Giám định: Cứ vào Việt  - Đức!
Điều tra riêng của Pháp luật Việt Nam cho thấy, có những dấu hiệu bất thường đằng sau hàng loạt vụ giám định tử thi được đóng dấu của Bệnh viện Việt-  Đức kể từ năm 2006.

Ngày 6/6/2006, căn cứ vào quyết định trưng cầu giám định pháp y của cơ quan thẩm quyền, bác sĩ Đ. T. T. (Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – gọi tắt là Việt - Đức) tiến hành giám định tử thi đối với nạn nhân V.T.N.

Theo thông báo ban đầu, nạn nhân N. bị tử vong tại chỗ, sau đó được chuyển vào Việt - Đức. Ngày 12/6/2006, vẫn bác sĩ Đ. T. T. tiếp tục giám định tử thi một nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tại quận Tây Hồ (Hà Nội). 

Cũng vào ngày 6/6/2006, tại một quyết định trưng cầu giám định pháp y khác, bác sĩ Đ. V. Q. (Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) tiến hành giám định pháp y đối với nạn nhân T.T.T., được chuyển vào Việt - Đức và sau đó bị tử vong do tai nạn giao thông.

Liên quan đến một vụ tai nạn giao thông khác làm một nạn nhân tử vong, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Hà Nội cũng ra quyết định trưng cầu giám định pháp y (ngày 5/2/2006).

Theo đó, bác sĩ P. K. B. (Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cũng đã tiến hành giám định pháp y với nạn nhân theo quyết định trưng cầu trước đó.

Như vậy, trong năm 2006, hàng loạt vụ tai nạn giao thông dẫn đến việc nạn nhân được chuyển vào Việt - Đức điều trị và với những nạn nhân bị tử vong, cơ quan chức năng trưng cầu giám định pháp y ngay tại bệnh viện này.

Ngoài ba bác sĩ Đ. T. T., Đ. V. Q., P. K. B., thì việc giám định tử thi cũng được các bác sĩ khác tại bệnh viện này thực hiện theo quyết định trưng cầu.

Đóng dấu … thay?
Trong phần lớn các trường hợp giám định tử thi do các bác sĩ Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện mà phóng viên có được, thì quyết định trưng cầu của cơ quan thẩm quyền được gửi đến Viện Y học tư pháp Trung ương.

Thế nhưng, kết thúc bản giám định, ngoài chữ ký của giám định viên, góc trái của văn bản này lại được đóng con dấu của Việt - Đức.

Mặt khác, những bác sĩ này đều khẳng định (trong biên bản giám định pháp y) chức vụ là “Giám định viên Y pháp TW”.

Theo đó, tư cách pháp lý để các giám định viên này tiến hành hoạt động giám định pháp y là dựa vào quyết định 1119 của Bộ Y tế ngày 3/4/2002 mà căn cứ để Bộ Y tế ra quyết định là dựa vào Nghị định năm 1998 trước đó.

Theo một cán bộ công tác tại Viện Pháp y Quốc gia, nếu lấy tư cách là “Giám định viên Y pháp TW” như các bản giám định tử thi năm 2006 tại Việt Đức, thì con dấu được đóng phải là của Viện Y học tư pháp TW chứ không phải bệnh viện này.

Về mặt quản lý nhà nước, thời điểm nói trên, Viện Y học tư pháp TW là đơn vị quản lý nhân sự của 1 giám định viên trưởng và 51 giám định pháp y theo quyết định 1119 của Bộ Y tế. “Nếu các giám định viên hoạt động theo quyết định 1119 thì toàn bộ việc quản lý cũng như khi đóng dấu kết quả giám định pháp y phải là con dấu của Viện Y học tư pháp TW”, cán bộ Viện Pháp y Quốc gia cho biết.

Bên cạnh đó, cần dặc biệt nhấn mạnh, đã có sự “nhầm lẫn” rất nghiêm trọng trong các con dấu của Việt - Đức khi đóng vào các kết quả giám định pháp y.

Cụ thể, hai  bác sĩ  Đ.T. T., L. S. H. công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội, nhưng Việt - Đức vẫn đóng dấu xác nhận vào giám định pháp y của hai bác sĩ này.

Về mặt nhân sự, hai bác sĩ này không thuộc quyền quản lý của Việt - Đức nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn đóng dấu xác nhận trái thẩm quyền kết quả giám định pháp y của họ” - một cán bộ củaViện Pháp y Quốc gia cho hay...

Nhóm PV

Giám định viên chính danh:  Có thẻ GĐV do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký
Thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, ngày 20/7/2007, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1187/QĐ-BTP cấp thẻ GĐV tư pháp cho các GĐV đã qua quy trình bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới Trên góc trái của thẻ có logo của Bộ Tư pháp và thẻ được đích danh Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký. Đến nay đã có 474 GĐV được cấp thẻ. Như vậy, với các GĐV hoạt động đường đường chính chính, thẻ này là “vật chứng” đáng tin tưởng để xác nhận.

Mẫu  kết luận giám định pháp y - đa… sáng kiến
Hiện nay, mẫu bản kết luận giám định pháp y cũng đang rơi vào tình thế đa địa phương, đa sáng kiến. Cụ thể, cùng là bản kết luận giám định pháp y nhưng mỗi nơi lại sử dụng một kiểu mẫu khác nhau, cái thì có nội dung này, cái lại thiếu mục, khoản kia nên không những làm cho cơ quan trưng cầu khó hiểu mà cả cơ quan tố tụng cũng lúng túng khi áp dụng vì không thống nhất, không chứa đựng đủ thông tin cần thiết.

Đọc thêm