Hé lộ sức mạnh chết người của tên lửa chống hạm “bất khả xâm phạm” của Nga

(PLVN) - Các tên lửa chống hạm của Liên Xô và Nga được coi là những loại tên lửa tốt nhất thế giới. Chúng được phát triển từ giữa thế kỷ trước và đến nay vẫn liên tục được hiện đại hóa. Ngày nay, một số loại tên lửa như vậy được trang bị cho tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và được trển khai trên bờ biển.
Tên lửa chống hạm của  Nga được coi là những loại tên lửa tốt nhất thế giới
Tên lửa chống hạm của Nga được coi là những loại tên lửa tốt nhất thế giới

Từ P-6 đến Vulkan

Trong nửa cuối của thế kỷ 20, sau khi Mỹ đặt cược vào các mẫu tàu sân bay, Hải quân Liên Xô đã có nhu cầu về vũ khí chống hạm có độ cơ động cao, có thể tự tìm và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm km. Đó chính là động lực cho sự ra đời của các tên lửa chống hạm đầu tiên có tên P-6. Được trình làng vào năm 1964, những tên lửa này ngay từ khi đó đã có sự hỗ trợ dẫn hướng từ cả một hệ thống phức tạp.

Đến năm 1968, Hải quân Liên Xô đã nhận tổ hợp tên lửa P-70 Ametist và vào năm 1975 là hệ thống tên lửa P-500 Bazalt tầm xa có khả năng tăng tốc lên tới 2.386 km/h - vận tốc gấp 2 lần vận tốc âm thanh và có tầm bay tới 550 km. Tên lửa Bazalt đã có khả năng chống nhiễu cao. Tổ hợp tên lửa hiện đại hóa có tên P-1000 Vulkan được công bố vào năm 1987 đã trở nên mạnh hơn và thông minh hơn những mẫu tên lửa trước đó về mọi mặt.

Càng về sau, tên lửa của Liên Xô trước đây và của Nga ngày nay càng trở nên hiện đại hơn, mang nhiều đặc tính vượt trội hơn. Tên lửa chống hạm hiện đại không chỉ là quả tên lửa có động cơ và đầu đạn mà là một thành phần trong hệ thống phức tạp bao gồm đạn dược, tàu mang tên lửa và hệ thống phát hiện và dẫn đường. Mỗi quả tên lửa đều có “bộ não” riêng (hệ thống điều khiển) để biết nó phải làm gì tại từng thời điểm, trong từng tình huống khác nhau.

Tên lửa chống hạm bất khả xâm phạm
Tên lửa chống hạm bất khả xâm phạm  

“Khi phóng tên lửa, cần phải xem xét một cách nghiêm túc những yếu tố như độ cao và tốc độ bay. Biển là bề mặt phẳng. Ở đây, nguyên tắc phát hiện sớm - đánh sớm hoạt động hiệu quả nhất”, Đô đốc Vyacheslav Popov (Tư lệnh Hạm đội phương Bắc của Nga từ năm 1999 đến năm 2001) cho hay. Theo vị cựu chỉ huy, ban đầu, các tên lửa chống hạm của Nga đã bay ở cùng độ cao nên các hệ thống phòng không rất nhanh chóng “học” được cách bắn hạ chúng.

Do đó, các chuyên gia của Nga trong quá trình hiện đại hóa những mẫu tên lửa mà họ có đã nghĩ ra cách để đường bay của tên lửa trở nên phức tạp hơn: sau khi được phóng, tên lửa bay lên độ cao đủ lớn, sau đó hạ xuống và bay sát mặt biển. Radar của đối phương chỉ phát hiện ra khi tên lửa tiếp cận con tàu, gần như không còn thời gian để đánh chặn nó.

Một ví dụ nổi bật về sự vượt trội về các tính năng của tên lửa Nga là tổ hợp tên lửa tầm xa Granit P-700 đã được đưa vào biên chế vào năm 1983. Tổ hợp này được trang bị cho cả tàu ngầm và tàu nổi và được NATO đặt cho cái tên là Shipwreck, tức tàu đắm. Tên lửa Granit nặng 7 tấn. Tên lửa này có thể bay với tốc độ Mach 2,5 (tức gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh, hay gần 3.000 km/giờ), có khả năng khiến cho tàu địch tan nát khi bị đánh trúng bởi đầu đạn của tên lửa này là đầu đạn hạt nhân 500 kiloton, có sức công phá tương đương với 750 kg TNT.

Ngoài ra, một đặc tính ưu việt khác khiến tên lửa Granit có sức công phá mạnh mẽ, có khả năng triệt tiêu mục tiêu một cách triệt để là việc tên lửa này không hoạt động đơn độc mà bay trong “bầy đàn”. Sau khi được phóng đi, các tên lửa sẽ tương tác với nhau. Một quả tên lửa dẫn đàn sẽ bay lên vài km, bắt mục tiêu và truyền thông tin cho những tên lửa khác đang bay thấp hơn để tránh hệ thống phòng không của đối phương.

Nếu tên lửa dẫn đàn bị đánh chặn, một quả tên lửa khác tự động thay thế nó. Hệ thống máy tính của tên lửa Granit có chứa các đặc điểm của tàu địch, nhờ đó, tên lửa có thể xác định độc lập mục tiêu chính theo thứ tự và tấn công nó. Sau khi tiêu diệt mục tiêu chính, các tên lửa chống hạm tấn công vào những con tàu còn lại.

Tuy nhiên, để đánh chìm một tàu sân bay hạt nhân, cần phải có ít nhất một chục cú đánh chính xác bằng tên lửa chống hạm. Và có tính đến hoạt động của hệ thống phòng không của đối phương, trong đợt tấn công phải có ít nhất 20 tên lửa Granit. Theo Đô đốc Vladimir Komoyedov (cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen) thì khó khăn chính là tầm bắn hiệu quả của các tên lửa chống hạm không vượt quá 600 km, ví dụ như tên lửa Granit bay theo đường bay tổng hợp có tầm bắn 550 km, tầm bay tối đa trong điều kiện thuận lợi là 625 km.

Như vậy, để tấn công mục tiêu, tên lửa phải đến sát gần đoàn tàu địch mà không bị phát hiện. Đây là một nhiệm vụ khá phức tạp. “Mỗi nhóm tàu sân bay được trang bị hệ thống phòng không mạnh mẽ bao phủ khu vực có bán kính lên tới 1.500 km. Do đó, khi phóng tên lửa, chiếc tàu ngầm phải nằm trong “vòng tròn” này.

Tàu ngầm mang tên lửa cần phải lén đến gần mà không bị phát hiện với sự yểm trợ của tàu ngầm đa năng. Các tàu mặt nước có tầm bắn lớn hơn nhiều, vượt trội khả năng của các hệ thống phòng không. Ví dụ, tên lửa Kalibr có thể được bắn từ khoảng cách xa hơn nhiều. Nhưng Kalibr là loại tên lửa cận âm, tức có tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh”, Đô đốc Vladimir Komoyedov cho biết. 

Vũ khí chống hạm thế kỷ 21

Tuy nhiên, theo Đô đốc Vladimir Komoyedov, các tên lửa chống hạm hiện đại của Nga đã được cải tiến đáng kể và có độ chính xác rất cao, khiến các mục tiêu gần như không thể tránh được chúng. Tên lửa được phát triển hiện đại nhất của Nga hiện nay là tên lửa siêu thanh Zircon. Năm 2010, Nga đã tuyên bố sẽ phát triển tên lửa chống hạm có tốc độ siêu thanh.

Đến năm 2019, Tổng thống Vladimir Putin trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Nga đã tiết lộ một phần các đặc tính của tên lửa mới có tên Zircon. Theo đó, tên lửa này có tốc độ 9 Mach (tương đương 10.740 km/giờ), tầm bay là hơn 1.000 km, có thể sử dụng cả ở đất liền và trên biển. Với tốc độ như vậy, các tên lửa này di chuyển nhanh hơn so với tên lửa Harpoon của Mỹ và Oniks R-800 của Nga. Zircon được xem là “vũ khí bất khả xâm phạm” đối với bất kỳ hệ thống phòng không bởi đối phương sẽ không thể phát hiện ra tín hiệu của nó hoặc chỉ phát hiện ra khi tên lửa đã ở cự ly gần, nên không còn kịp để triển khai đánh chặn.

Các nhà phát triển cũng khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của đối thủ có thể phát hiện ra tên lửa Zircon khi tên lửa đang bay nhưng không thể đánh chặn. Lý do là bởi trong phần lớn quãng đường di chuyển, tên lửa của Nga sẽ bay ở độ cao vài chục km đồng thời liên tục thay đổi quỹ đạo và cơ động. Đầu đạn của tên lửa này tương đối nhỏ, chỉ khoảng 200 kg nhưng riêng động năng khổng lồ của nó đã đủ để phá hủy một con tàu mặt nước cỡ lớn, chưa kể đến sức mạnh của chất nổ thông thường hoặc hạt nhân.

Hồi tháng 1 vừa qua, Nga đã tiến hành vụ phóng tên lửa Zircon đầu tiên từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov - tàu đầu tiên được đóng theo dự án 22350. Một tháng trước đó, tháng 12 năm ngoái, người đứng đầu Tập đoàn đóng tàu United Alexei Rakhmanov cho hay, tất cả các tàu chiến của Nga sẽ có thể sử dụng vũ khí siêu thanh, trong đó có các tên lửa hành trình Zircon và Kalibr.

Trong tương lai, tên lửa Zircon sẽ được trang bị cho các tàu mặt nước với bệ phóng của tên lửa hành trình Kalibr và Onyx, trên tàu ngầm hạt nhân đa năng Khasky thế hệ thứ 5, tàu chống ngầm cỡ lớn Shaposhnikov và tàu ngầm hạt nhân đa năng sau nâng cấp Irkutsk của Hạm đội Thái Bình Dương.

Đọc thêm