Hephaistos - Vị thần của lửa trong thần thoại Hy Lạp

(PLVN) - Trong tất cả các vị thần tối cao trên đỉnh Olympus, Hephaistos được cho là vị thần có bản tính con người nhất.Ông là vị thần của kỹ nghệ, bao gồm nghề rèn, thủ công, điêu khắc, kim loại và luyện kim, và lửa. Ông được thờ phụng trong khắp các trung tâm chế tạo và công nghiệp ở Hy Lạp, đặc biệt ở Athena.
Hephaistos - Vị thần của lửa trong thần thoại Hy Lạp

Trả thù người mẹ của mình

Hephaistos là con trai của thần Zeus và nữ thần Hera, thế nhưng khi ra đời thần không được đẹp mã. Với cái chân què và hình hài xấu xí, nữ thần Hera đã ném ông ra khỏi đỉnh Olympus. Ông rơi mãi đến một vùng biển và tại đây cậu được các nữ thần Eurynome và thần biển Thetis thương tình đem về nuôi đến lúc khôn lớn.

Sau một thời gian, vì căm giận mẹ Hera độc ác cho nên ông đã lên kế hoạch quyết định trả thù. Sao đó, ông đã đúc một ngai vàng vô cùng tuyệt đẹp chỉ dành riêng cho Hera. Khi nữ thần vừa ngồi lên, Hera đã lập tức bị xích lại. Không ai phá được khoá, chỉ có ông mở được. Biết điều đó, thần Zeus sai Hermes xuống nói nếu Hephaistos phá xích sẽ gả Aphrodite cho. Nhưng Hephaistos không nghe. 

Hermes nhờ Dionysus yểm trợ. Vị thần vĩ đại và vui tính này đã lừa Hephaistos uống rượu nho, hai anh em nói chuyện vui vẻ. Cuối cùng Hephaistos bị say hoàn toàn. Hai anh em Hermes và Dionysus đưa ông lên đỉnh núi Olympus. Bị say hoàn toàn, ông nhanh chóng phá khoá cho mẹ. Từ đấy mẹ con hoà giải, Hephaistos không còn giận Hera nữa.

Thần Hephaistos là một người có thân hình vạm vỡ và đôi tay rắn chắc nhưng lại vô cùng khéo léo mà nhờ nó chàng đã chế tạo và dạy cho con người làm ra những đồ kim khí, những công trình xây dựng từ đơn giản đến phức tạp nhất.

Ông còn làm những đồ trang sức bằng vàng và bạc tặng cho các nữ thần biển để cảm tạ ơn cứu sống và nuôi dưỡng mình khôn lớn nên người. Dân chúng Hy Lạp kính trọng và tôn chàng làm vị thần thợ rèn hay vị thần lửa của họ, là ông tổ của nghề đúc đồng, làm gốm, luyện kim và xây dựng. Những nghề trên là những nghề quan trọng trong nền văn hóa của người Hy Lạp cổ đại điều đó cho thấy thần Hephaistos có ảnh hưởng sâu rộng tới mức nào trong tâm linh những người Hy Lạp xưa.

Hephaestus đã thực hiện được rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo như những cung điện nguy nga xây cho các vị thần ở trên đỉnh núi Olympus, hoặc là bộ áo giáp làm cho Achilles trong cuộc chiến thành Troy (mô tả về chiếc áo giáp này chiếm khá nhiều bút mực trong sử thi Homer về cuộc chiến thành Troy).

Ông đồng thời cũng tạo ra người đàn bà đầu tiên cho loài người tên là Pandora, theo yêu cầu của phụ vương Zeus, nhằm trả đũa vụ thần Titan Prometheus lừa thần linh làm điều lợi cho con người mà gây ra tổn thất cho thần linh (đó là Prometheus đã đem lửa xuống cho loài người).

Pandora được gả làm vợ anh trai của Titan, Epimetheus. Của hồi môn của Pandora là một cái bình chứa đầy điều xấu xa độc ác, khi nàng kéo nắp bình ra nàng sẽ đem khổ đau, vốn là một thứ xa lạ, đến cho con người vì họ phải làm lụng cực nhọc và đau yếu. Chỉ có hy vọng là còn nằm lại trong chiếc bình đó.

Trong Thần thoại Hy Lạp có viết: “Từ nàng Pandora này sẽ sinh sôi, nảy nở ra giống đàn bà, một loài độc hại cho giống đàn ông mà giống đàn ông không sao dứt bỏ được bởi vì, theo sự sáng tạo của các vị thần, giống đàn bà là loại không thể chịu đựng được cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, nghèo túng, khó khăn mà chỉ sinh ra để sống trong cảnh an nhàn, sung túc và hưởng thụ kết quả lao động khó nhọc của người đàn ông, cũng như gây ra cho đàn ông biết bao điều đau khổ, phiền muộn trong chuyện hôn nhân và gia đình. Người đàn bà sẽ là người bạn đường của người đàn ông nhưng là người bạn đường gây ra những nỗi bất hạnh cho người đàn ông. Đó là cái tai họa mà thần Zeus ban cho loài người”.

Tấm lưới của thần Hephaistos

Hephaistos lấy được vợ đẹp, thần đã dựng cho vợ một toà lâu đài nguy nga tráng lệ, với mục đích là muốn dành thời gian cho vợ mình. Nhưng sau đó, Hephaistos ngày đêm ở lò rèn nên trong lâu đài chỉ có mình Aphrodite ở.  Aphrodite thấy chồng xấu xí lại thọt chân nên không chung thuỷ với chồng, nàng đã gian díu với anh trai Hephaistos là Ares.

Nhưng mọi điều sao có thể thoát được đôi mắt của thần Helios, người ngày đêm kéo cỗ xe mặt trời đi khắp nhân gian. Thần Mặt Trời Helios đã trông thấy đôi tình nhân đang bí mật ân ái với nhau trong lâu đài của Hephaistos. Helios liền mách cho chồng của Aphrodite biết. Nghe tin động trời, Hephaistos đã tức giận và ngồi tại lò rèn nghĩ cách trừng phạt đôi gian phu dâm phụ.

Hephaistos lấy vàng, nhôm, thép,.. rèn lên một tấm lưới từ sớm hôm nay tới sáng sớm ngày mai. Hephaistos đem lưới về cung điện, khéo léo giăng bẫy rồi báo với Aphrodite rằng mình sẽ đi vắng một thời gian. Aphrodite nghe vậy, liền báo tin cho Ares. Nhận được tin của người tình, Ares lao tới bên Aphrodite. Vào đúng thời điểm thích hợp, tấm lưới này buông xuống tóm chặt cả hai đang ôm ấp nhau.

Hephaistos còn mời tất cả những vị thần trên đỉnh Olympus đến xem. Một vài vị bình phẩm về nhan sắc của Aphrodite, số khác lại bình luận rằng họ rất muốn đổi chỗ cho Ares, nhưng tất cả đều chế giễu hai người. Hephaistos bắt Ares nộp tiền phạt, và trả lại Aphrodite cho cha mẹ nàng - thần Zeus và nữ thần Dione. Poseidon bảo lãnh đưa tiền thay. Khi đôi tình nhân được thả ra, Ares, xấu hổ, trốn thẳng về quê nhà ở Thrace, Aphrodite ôm mặt chạy về đảo Cyprus, còn các vị thần được một trận cười vỡ bụng.

Một dị bản khác kể chi tiết rằng Ares đã cho một vị thần trẻ tuổi là Alectryon đứng ở cửa để báo hiệu khi nào Helios đến, vì Helios sẽ nói với Hephaistos sự không chung thủy của Aphrodite nếu hai người bị phát hiện, nhưng Alectryon đã ngủ quên. Helios đã phát hiện ra cặp uyên ương và báo cho Hephaistos. Ares rất tức giận và biến Alectryon thành con gà trống, con vật đến nay không bao giờ quên báo hiệu lúc mặt trời mọc.

Hiện nay, đền thờ Hephaistos - cách trung tâm Athens 1 km, Acropolis 500m về phía tây bắc, được cho tạo dựng vào khoảng năm 449 TCN. Đây được xem là ngôi đền Hy Lạp cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên thế giới cho đến ngày nay. 

Tuy vậy, trên thực tế, ngôi đền này lại được ít người biết đến hơn người hàng xóm nổi tiếng của mình, Parthenon. Ngôi đền còn được biết đến với cái tên là Theseum. Người ta quan niệm rằng trong thời Byzantine, xương của Theseus - người anh hùng huyền thoại Hy Lạp đã được chôn cất ở đó. Ngôi đền này cũng là dành riêng cho Athena Ergane, nữ thần bảo trợ của thành phố chịu trách nhiệm về đồ gốm và đồ thủ công.

Đền thờ Hephaistos được làm bằng đá cẩm thạch từ núi Pentelus, theo phong cách kiến trúc Doris quen thuộc của Hy Lạp với 6 cột phổ biến, sáu cột mặt chính, và mười ba cột ở hai bên (kể các cột góc hai lần). Cả cổng vào điện thờ và hậu sảnh có các phù điêu cột Lonic (thay vì lối kiến trúc điển hình triglyphs Doris) dùng để trang trí. 

Các bức phù điêu tại đền chủ yếu mô phỏng Theseus và Heracles với cuộc chiến với Minotaur (quái vật nửa người nửa bò). Bên cạnh đó, trong đền còn có hai bức tương bằng đồng của Athena và Hephaistos, tuy nhiên ngày nay hai bức tượng đã không còn, nên tất cả hình ảnh chỉ là được tái hiện lại.

Đọc thêm