Hermes – Thần hộ mệnh cho kẻ trộm thời Hy Lạp cổ đại

(PLVN) - Hermes là một trong 12 vị thần tối cao trên đỉnh Olympus của thần thoại Hy Lạp. Hermes là con trai của thần tối cao Zues và nữ thần Maia, Thần Hermes là một vị thần trẻ mãi không già và bất tử.
Thần trộm cắp Hermes.
Thần trộm cắp Hermes.

Ông là vị thần bảo hộ cho kẻ trộm, người du lịch, các sứ thần, mục đồng và chăn nuôi, người thuyết trình, thương nghiệp, khoa học kỹ thuật ,các đơn vị đo lường, điền kinh, thể thao, sự khôn ngoan, lanh trí, và các phát minh, sáng chế, ngôn ngữ. Ngoài ra Hermes là vị thần đưa thư, truyền tin của đỉnh Olympus, là người dẩn đường cho các linh hồn xuống địa ngục.

Hermes và việc trộm cắp

Trong số những vị thần Olympus thì Hermes là vị thần mà ngay khi mới ra đời tinh hoa đã phát tiết ra ngoài một cách lạ thường. Có thể nói khôn ngoan, ranh mãnh, mưu mô, tinh quái là “tính trời vốn sẵn” của thần Hermes khi còn nằm trong nôi.Cha của Hermes là thần Zeus, còn mẹ là nữ thần Maia. Ông ngoại Hermes là thần Atlas, một Titan đã phải chiu hình phạt giơ vai ra đội, chống cả bầu trời. Bà ngoại Hermes là Pleione sinh được 7 con gái, mẹ Hermes – nữ thần Maia là chị cả.

Theo truyền thuyết Hy Lạp kể lại, khi được tin Atlas bị Zeus trừng phạt, các Pleiades đã buồn rầu đến nỗi không thiết sống nữa. Cả 7 chị em tự tử và sau khi chết biến thành một chòm sao có bảy ngôi liền nhau. Ngày nay những đêm quang mây người ta vẫn có thể nhìn thấy trên bầu trời phương Bắc chòm sao Pleiades.

Thần Hermes được sinh ra trên đỉnh Cyllene ở Arcadia. Câu chuyện về thần được kể trong một ca khúc thần thoại (hymn) của Homer về Hermes. Mẹ của Hermes, Maia, mang thai với Zeus trong một mối quan hệ bí mật. Maia như đoán biết được biệt tài trộm cắp thiên bẩm của Hermes nên nữ thần đã bó con mình trong chăn nhưng khi bà ngủ say thì Hermes đã tìm cách thoát ra được. Hermes đi du ngoạn khắp nơi, thông thuộc hết các đường đi ngõ hẻm.

Rồi Hermes chạy đến Thessalia nơi Apollo đang chăn bầy gia súc của mình. Hermes thấy đàn bò đang gặm cỏ ngon lành nhưng không thấy người trông nom. Câu ta liền nảy ra ý định ăn cắp. Hermes lừa lúc Apollo sơ ý đã lấy trộm 12 con bò cái, 100 con bê và một con bò mộng dắt đi. Nhưng lấy thì dễ đưa đi mới khó. Phải làm cho Apollo không biết, hoặc nếu biết thì cũng không lần ra được dấu vết để mà truy tìm mà đòi lại.

 

Hermes bèn buộc vào mỗi đuôi con bò một cành cây lùm xùm rồi lùa chúng đi. Cành cây đó như một chiếc chổi, sẽ quét sạch mọi vết chân bò in trên mặt đường. Cũng có người lại kể, Hermes còn tinh quái ma quỷ hơn, lấy guốc xỏ vào chân mỗi con bò rồi cầm đuôi bò kéo, bắt chúng đi giật lùi mục đích để Apollo không thể tìm ra. 

Hermes lùa đàn bò về đất Pylos thuộc vùng đồng bằng Peloponnese, sau đó giết hai con bò để tế các vị thần Olympus. Cuối cùng, Hermes giấu lũ bò trộm được vào trong một cái hang sâu.Trong hang, Hermes thấy một con ba ba và thần đã giết chết nó, bỏ hết thịt chỉ giữ lại mai của nó rồi cùng với ruột của một con bò, thần làm nên cây đàn lia đầu tiên.

Apollo đến gặp Maia và than phiền rằng Hermes đã lấy cắp bò của thần nhưng Hermes đã nhanh chóng chui vào chăn trở lại nên Maia không tin lời Apollo. Cuối cùng, Zeus phải can thiệp, thần khẳng định những gì mình đã chứng kiến và đứng về phía Apollo. Khi đó, Hermes bắt đầu chơi cây đàn lia. Là một vị thần của âm nhạc, Apollo lập tức thích ngay nhạc cụ này và đề nghị đổi những con bò đã bị đánh cắp với cây đàn. Vì thế, Apollo trở thành một bậc thầy về đàn lia còn Hermes lại sáng tạo ra một nhạc cụ dạng ống hơi khác là syrinx. Sau đó, Apollo lại đổi vương trượng để lấy cây syrinx của Hermes.

Ngoài Apollo, Hermes cũng từng trộm cây đinh ba của Poseidon, thanh tầm sét của Zeus, và một lần nữa Apollo lại mất cung và tên vào tay Hermes, Ares thì bị trộm mất thanh gươm,... nên từ đó, người Hy Lạp xem Hermes là vị thần trộm cướp, bảo hộ cho các kẻ trộm.

Người dẫn đường cho các linh hồn xuống địa ngục

Nhờ việc Hermes là người truyền tin của các vị thần, Hermes có khả năng đi lại tự do giữa các thế giới, bầu trời, đại dương, sông, suối, nhân giới, địa ngục, mà không bị bất kỳ ai kiểm soát, ngăn cấm. Tận dụng việc đó, Zeus đã giao cho Hermes việc dẫn dắt linh hồn người chết đến cổng âm phủ, giao cho Charon, người lái đò đưa các linh hồn qua sông Styx đến âm phủ. 

Hermes rất bất bình với việc này nhưng cũng đành chấp nhận. Nên xưa kia, khi trong nhà có người chết, người ta thường nói “Thần Hermes đã lấy đi linh hồn của họ”. Hermes có trong tay chiếc gậy có thể khiến cho thần thánh hoặc người trần ngủ say như chết và cũng có thể đánh thức bất cứ ai dù ngủ say đến mức nào đi nữa.

Trong lúc rời khỏi nôi của mình, Hermes đã đi du ngoạn khắp nơi. Do đó, Hermes biết rõ tất cả các con đường. Thần Zeus vì không muốn phí phạm trí nhớ siêu phàm ấy nên thần đã lệnh cho Hermes làm nhiệm vụ truyền tin, san sẻ gánh nặng với nữ thần cầu vồng Iris.Hermes với một đôi giày có cánh đi khắp nơi đưa các tin lành, tin dữ cho các thần và cả loài người. Người Hy Lạp cổ tin rằng từ việc này nên Hermes bảo hộ cho các sứ giả, người đưa thư.Hermes thường đội một chiếc mũ có cánh, khoác một tấm áo choàng. 

Hermes còn đảm đương sứ mạng bảo vệ cho những lữ khách đang rong ruổi dặm trường, chỉ cho họ biết mọi đường ngang lối tắt để tránh khỏi lầm lạc, giúp cho họ thoát khỏi nanh vuốt của bọn cướp đường, cướp biển.

Ông bảo hộ cho các thương gia và người buôn bán. Trong thương nghiệp, người ta tin rằng các đơn vị cân, đo, đong, đếm đều do Hermes sáng chế, giúp các thương gia dễ dàng hơn trong việc trao đổi buôn bán hàng hóa. Những người Hy Lạp cổ tin rằng thần bảo hộ cho thương nghiệp và những thương gia luôn cầu nguyện thần phù hộ cho công việc trao đổi thuận lợi.

Ở Hy Lạp xưa, người ta dựng cột Herma ở các ngã ba, ngã tư đường. Đó là cây cột cao với cái đầu của người đàn ông mà người ta tin rằng đó là thần Hermes. Tại vùng đồng bằng Attique trên đường đi cứ chừng 2.000 bước người Hy Lạp lại dựng một cột Herma. Lại có khi cột Herma được dựng lên như một đài tưởng niệm các liệt sĩ với những dòng chữ khắc, thể hiện sự thành kính và biết ơn của người dân Hy Lạp. Đôi khi ở cột Herma tạc tượng hai vị thần, khi thì Hermes và Athena, khi thì Apollo và Artermis,…

Hermes còn được người Hy Lạp ban cho chức năng người bảo vệ những lực sĩ thi đấu thể dục thể thao. Tượng Hermes được dựng ở hầu hết các đấu trường. Các lực sĩ Hy Lạp cầu khấn thần trước khi bước vào một cuộc thử thách. Tiếp cả đến chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật hùng biện cũng do thần Hermes sáng tạo ra.

Vì thế, đối với người Hy Lạp xưa kia thì Hermes là một vị phúc thần được ghi công tôn thờ như Promethee – những vị thần đã đem cuộc sống văn minh, văn hoá cho loài người. Hình ảnh thần Hermes trong trí tưởng tượng của người Hy Lạp là một thanh niên cường tráng, bình dị. Đôi khi Hermes còn được đồng nhất với vị thần Thoth của thần thoại tôn giáo chiêm tinh, một vị thần tiêu biểu cho sự sáng suốt và hiểu biết, một đấng hiền minh của thần thoại cổ Ai Cập.

Đọc thêm