Sống, chết chỉ cách… cái cửa sổ
“Thấy cháu bé đứng một mình trên lầu 5 của căn nhà và rất gần lan can, chúng tôi chưa kịp cảnh báo cho người dân sống trên đó thì thấy cháu trườn ra bên ngoài rồi trượt chân té lộn nhiều vòng xuống. Trước khi rơi xuống đất, cháu bị đập vào bó dây cáp. Khi chúng tôi chạy tới, cháu nằm sấp bất động trên vỉa hè, tử vong ngay sau đó”, một số người ngồi uống cà phê ở phía đối diện khu nhà tập thể số 135 đường Ngô Gia Tự (Phường 2, Quận 10, TP.HCM) kể lại sau cái chết đau lòng của cháu Lê Hữu H. (SN 2007) vào sáng 12/12/ 2012.
Trước cái chết quá tức tưởi của con trai, chị Đoàn Thị H. gào khóc thảm thiết: “Mẹ đi chợ 15 phút về với con liền mà… Mẹ hỏi con có đi với mẹ không, con bảo ở nhà xem tivi...”.
Trước đó, tại một căn hộ ở tầng 15 lô C - chung cư Phú Mỹ Thuận, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP. HCM, bé gái L.A 4 tuổi cũng rơi từ tầng 15 xuống tử vong. Vào thời điểm trên, bà ngoại bế em của L.A qua nhà hàng xóm có chút việc, chỉ có mình L.A ở nhà.
Khoảng 5 phút sau bà ngoại trở về thì không thấy cháu đâu. Tìm khắp nơi, bà T. giật mình phát hiện cửa sổ phòng khách mở tung. Nhìn qua cửa sổ xuống dưới đất, bà ngoại L.A chết đứng khi thấy cháu mình đang nằm bất động bên chiếc máy tính bảng vỡ nát.
Bốn tháng trước đó, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội. Đưa con lớn đến lớp, khi trở về, anh T. ở tầng 15, tháp B Hà Thành Plaza (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) hốt hoảng khi thấy cậu con trai 5 tuổi tên L. không ở trong phòng, cửa sổ đã mở toang…
Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân chứng kiến gọi xe cứu thương tới nhưng cháu bé đã tử vong. Theo quan sát, khoảng cách tính từ nền nhà đến chân cửa sổ chỉ khoảng 1m, một đứa trẻ khoảng 5-7 tuổi chỉ cần với tay đu người lên là có thể dễ dàng trườn người ra ngoài.
Trước đó nữa, vào sáng 3/12/2011, nhiều người chứng kiến cảnh một người mẹ gào khóc, lăn lộn trước thi thể đứa con trai bé bỏng. Chỉ ít phút trước đó, cháu bé còn ngủ an lành trong căn phòng nhỏ trên tầng 9. Vào thời gian trên, chị Trần Thị H. (SN 1976, tầng 9 chung cư No21 thuộc khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội) đưa con gái lớn đi học trong lúc cháu Đ. vẫn đang nằm ngủ.
Tuy nhiên, khi chị H. về đến nhà mới hốt hoảng không thấy cháu Đ. đâu. Người mẹ vội vàng đi tìm khắp chung cư, cho đến khi sững người phát hiện xác cháu bé nằm dưới lan can tầng hai của tòa nhà. Được biết, khi đưa con gái đi học, chị H. chỉ đóng cửa ra lan can chứ không khóa lại. Tại khu vực lan can, một chiếc ghế nhựa xanh nằm ngay sát thành lan can cao 1,3m. Rất có thể cháu bé đã trèo lên từ đây và bị rơi xuống.
Trên đây chỉ là vài trong số rất nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra ở trẻ em trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở những khu chung cư cao tầng. Đây không chỉ là sự lo ngại về mức độ đạt chuẩn an toàn xây dựng của các tòa nhà chung cư cao tầng mà còn cả về trình độ nhận thức cũng như ý thức chăm sóc, bảo vệ con cái của những bậc ông bà, cha mẹ hiện nay.
Những hiểm họa khó lường
Trong năm 2011, tại nhà trẻ tư nhân số 91, ngõ 39, đường Miếu Hai Xã thuộc phường Dư Hàng, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm làm chết một bé trai. Trong lúc các cháu đang ngủ trưa, bất ngờ chiếc tivi 29 inch đã rơi vào đầu cháu Lê Nhật Minh, sinh ngày 15/3/2006. Sau đó cháu Nhật Minh đã mất khi vào viện.
Ngày 22/10/2012, anh Hoàng Trọng Chuyên trú tại tổ 10, phường Bắc Cường (TP.Lào Cai) chở con trai lớn đi học. Khoảng 20 phút sau anh quay về thì thấy cậu con trai 4 tuổi nằm bất động ở dưới cánh cửa cuốn. Khi không thấy ai ở nhà, con anh Chuyên đã xuống, ấn công tắc cửa cuốn và chui ra ngoài. Cháu đã bị kẹt ở đó dẫn đến tử vong.
Sáng 19/3, đang giờ học, em Vừ Thị Sinh, 9 tuổi, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học xã Chung Chải có biểu hiện bị mệt nên giáo viên chủ nhiệm đã cho em nghỉ học sớm. Thấy con ốm, vợ chồng ông Vừ A Lỳ sang nhờ hàng xóm là ông Vừ A Lử đến đánh cảm và đắp chăn xông hơi cho con chóng khỏi bệnh.
Vì nóng quá nên em Sinh tung chăn ra không đắp nữa. Thấy vậy, người bố là Vừ A Lỳ lấy 2 chiếc chăn bông trùm kín lên người em Sinh và đứng giậm chân lên giữa người em với mục đích không cho Sinh đạp chăn ra nữa.Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nên ông Lỳ đã giẫm quá mạnh lên ngực em Sinh làm em bị giập tim, tử vong ngay sau đó.
Có trường hợp trẻ bị bỏng do điện cao thế gây ra, như trường hợp cháu Huỳnh Hữu H. (7 tuổi, ở huyện Côn Đảo) xảy ra vào trung tuần tháng 12/2012. Theo lời kể của cháu H., trong lúc xoay cho chong chóng bay lên thì không may chong chóng bị vướng lên cành cây, gần trụ điện cao thế.
H. trèo lên cây và dùng sào tre chọc cho chong chóng rơi xuống. Bất ngờ, đường điện cao thế phóng điện khiến cháu bị phỏng khắp người. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bệnh nhi bị phỏng 20% diện tích cơ thể, vị trí phỏng bao gồm: bụng, tay, đùi. Riêng phần bụng, tay có những vị trí phỏng nặng và sâu. Cánh tay phải của bệnh nhi có dấu hiệu hoại tử da bàn tay, co rút.
Bên cạnh bị tai nạn thương tích do bỏng, trẻ còn có nguy cơ bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn trong sinh hoạt do ông bà, bố mẹ, người trông trẻ trông nom không cẩn thận để trẻ bị hóc, nghẹn, ngộ độc thức ăn hoặc các vật dụng đâm vào…
Ngoài ra, tại các tỉnh miền Trung, do thiếu hiểu biết, chơi đùa với bom mìn, khai thác phế liệu chiến tranh là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn do bom mìn gây ra trong thanh, thiếu niên.
Trong cả nước, tỷ lệ nạn nhân bom mìn là thanh, thiếu niên thường chiếm gần 30% tổng số nạn nhân. Thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hiện nay, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng hơn 7.000 em bé bị chết do tai nạn thương tích…
Tuy nhiên, thời gian gần đây một tình trạng nhiều trẻ em bị tử vong do ngã từ nhiều khu chung cư cao tầng đang ngày càng trở nên đáng báo động. Trong số các tai nạn dẫn đến tử vong, đa số là lỗi do sự bất cẩn của các bậc cha mẹ.