Hiệp ước Bầu trời mở

(PLVN) - Hiệp ước về Bầu trời mở là một trong những hiệp ước đa phương quốc tế đặc biệt nhất về kiểm soát vũ trang và giải trừ quân bị. Nó được Mỹ, Nga và 32 quốc gia khác ký kết năm 1992. Nội dung cốt lõi nhất của nó là cho phép các nước tham gia tiến hành các chuyến bay trinh sát trên lãnh thổ của nhau. 
Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các thành viên tham gia tthực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau.
Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các thành viên tham gia tthực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau.

Mục đích chính của Hiệp ước Bầu trời mở là tạo dựng, củng cố và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau thông qua minh bạch hóa mọi thông tin về bố phòng quân đội ở các bên tham gia. 

Năm 2020, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp ước này. Mới đây, Nga cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Trên danh nghĩa chính thức, hiệp ước này vẫn còn có được sự tham gia của 32 quốc gia. Trên thực tế và trong thực chất, hiệp ước trở nên vô tác dụng sau khi Mỹ và Nga không còn tham gia - giống như một vở kịch mà các kép chính không chịu đến thủ vai nữa.

Một khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này thì việc Nga hành động tương tự chỉ là vấn đề thời gian. Nga có lý do chính đáng để lo ngại về việc có bên tham gia hiệp ước sẽ chia sẻ hay cung cấp thông tin tình báo và trinh sát về Nga có được từ việc vận dụng hiệp ước này cho Mỹ.  Mỹ rút khỏi thì hiệp ước sẽ trở nên lợi bất cập hại và thậm chí còn cả gây rủi ro lớn mới về an ninh đối với Nga.

Tiến trình giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang trên thế giới bị giáng cú đòn đau và sẽ chỉ lùi chứ không thể tiếp tục tiến sau khi Mỹ và Nga đều không còn tham gia Hiệp ước về bầu trời mở nữa. Như thế sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho đẩy mạnh chạy đua vũ trang trên thế giới, đặc biệt giữa Mỹ và NATO ở một phía với Nga ở phía bên kia. Việc Mỹ và Nga từ bỏ hiệp ước này phản ánh sự sa sút nghiêm trọng mức độ tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Nga cũng như mức độ tồi tệ hiện tại của mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Mỹ rút ra khỏi hiệp ước nói trên trong thời gian nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nga quyết định hành động tương tự vào thời điểm ông Trump chỉ còn tại nhiệm có vài ngày và trước khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức có vài ngày. Khía cạnh thời điểm này cho thấy Nga không chờ đợi cho đến sau khi ông Biden nhậm chức và chờ xem ông Biden có khác biệt người tiền nhiệm trong chính sách hay không.

Lời giải thích ở đây xem ra chỉ có thể là Nga không tin ông Biden sẽ chủ trương cải thiện quan hệ nên Nga tạo sự đã rồi trước khi ông Biden nhậm chức. Ông Biden đã tuyên bố lật ngược nhiều quyết sách của ông Trump nhưng nhiều khả năng sẽ không đưa nước Mỹ tham gia trở lại hiệp ước nói trên hoặc nếu có thì cũng sẽ phải sau một thời gian nhất định nữa chứ không phải ngay trong thời gian tới.

Đọc thêm