Hiểu đúng về Lễ Xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan

(PLO) - Cùng đúng ngày  Rằm tháng 7 âm lịch nên nhiều người vẫn chưa phân biệt được Lễ Xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan.
Lễ cúng cô hồn
Lễ cúng cô hồn
Rất nhiều người nhầm lẫn hai ngày này và cho rằng, lễ Vu Lan chỉ là tên gọi khác của ngày Xá tội vong nhân - Rằm tháng 7. Trên thực tế, đây thực sự là hai lễ khác nhau, tuy có chung nguồn gốc Phật giáo song xuất phát từ những điển tích riêng biệt.
Theo cách hiểu của văn hóa tín ngưỡng, lễ xá tội vong nhân là để cầu cúng cho các cô hồn. Cô hồn là những vong linh không/chưa được thờ cúng ở một gia tiên nào. 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế cũng như quần áo, và một ít tiền vàng, mã, do vậy ngày này là ngày xá tội vong nhân. 
Tích khác nói rằng, phật A Nan Đà khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo rằng, ba ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để sống là cúng cho bọn quỷ đói những hộc thức ăn để được tăng thọ. Ngài còn được Phật truyền cho bài chú "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. 
Trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể thêm nước ngọt, bia nếu có điều kiện), đĩa gạo trộn lẫn với muối (đĩa này sẽ được rắc ra vỉa hè phía xa nhà), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa… và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.
Đại lễ Vu Lan.
Đại lễ Vu Lan. 
Đúng rằm tháng 7, Lễ Vu lan báo hiếu cũng là một đại lễ trong Phật giáo. Vu Lan thể hiện một trong "Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: 1. Ân Cha Mẹ; 2. Ân Tam Bảo Sư trưởng; 3. Ân quốc gia xã hội; 4. Ân chúng sinh vạn loại.
Ân Cha Mẹ là ân đầu tiên trong tứ ân. Tuy nhiên Cha Mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành ra mình mà có thể hiểu là chúng sinh. 
Truyền thuyết kể về sự ra đời của ngày này liên quan tới bồ tát Mục Kiền Liên. Trong kinh Vu Lan của đạo Phật, Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo tu luyện thành công nhiều phép thần thông vẫn không nguôi nỗi nhớ mẹ.
Mẫu thân ông là Thanh Đề đã qua đời, nhưng khi sống gây nhiều ác nghiệp nên bị đày xuống địa ngục làm ngạ quỷ (quỷ đói). Hiếu tử dùng mắt phép biết điều ấy, đã đem cơm xuống địa ngục cho mẹ.
Nhưng khi ăn, bà Thanh Đề đã không cho cô hồn khác ăn cùng nên cơm hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên đau xót, nhờ Phật Tổ chỉ cách giúp cứu mẹ. Phật Tổ dạy, chỉ có hợp sức của chúng tăng vào ngày rằm tháng 7 mới mong cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo và đã giải thoát được bà Thanh Đề.
Ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày rằm tháng 7 hoặc nhiều người cúng Lễ Xá tội vong nhân sớm hơn với ý nghĩ cúng các cô hồn sớm để họ không quấy quả gia chủ. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn, còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.
Theo sư thầy Thích Đàm Trung (chùa Phổ Linh, Tây Hồ, Hà Nội), Vu Lan là cầu siêu báo hiếu cha mẹ nên làm riêng vào ban ngày, còn cúng cô hồn thì nên cúng vào buổi chiều tối.

Đọc thêm