Hồ Cấm Sơn - cần lắm một cây cầu

(PLO) - Nằm cách thị trấn Chũ của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang khoảng 20km theo đường lên xã Sơn Hải, hồ Cấm Sơn được biết đến như một “Hạ Long thu nhỏ” với những ai đã từng đặt chân đến. 
Hồ Cấm Sơn - cần lắm một cây cầu
Tuy nhiên, những năm gần đây, do mực nước hồ Cấm Sơn liên tục dâng cao, cầu bắc qua lòng hồ bị nhấn chìm khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các em học sinh nghèo miền sơn cước mỗi khi đến trường.
Hồ Cấm Sơn thuộc địa phận bốn xã Cấm Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn của huyện Lục Ngạn, nằm gọn trong lòng những dãy núi cao trùng điệp, những hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích khi nước dâng là hơn 3000ha, chiều dài gần 30km, bề ngang nơi rộng nhất 7km, chỗ hẹp nhất cũng rộng tới 200m, lòng hồ nơi sâu nhất đến 20 mét. 
Hồ Cấm Sơn được tạo hóa ban tặng thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, hùng vĩ cùng nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số gồm: Sán Dìu, Nùng, Cao Lan, Hoa nên nhiều khách du lịch và người dân nơi đây ví hồ Cấm Sơn như một “Hạ Long thu nhỏ”.
Trước đây khi mới xây dựng, hồ Cấm Sơn là con đập phục vụ tưới tiêu cho vùng miền xuôi của tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Vào mùa khô, hồ có nhiệm vụ tháo đập, lấy nước phục vụ tưới tiêu cho bà con; mùa mưa đến đập sẽ được đóng lại để tích nước. Năm nào mưa muộn thì thuận tiện cho việc thu hoạch, còn năm nào mưa sớm, cả cánh đồng lại chìm trong nước, người dân phải làm một cây cầu gỗ tạm bợ để đảm bảo thông suốt tuyến đường. Còn đối với bà con ở các thôn Đồng Mậm, Đấp, Tam Chẽ, Cổ Vài… gian nan “vượt hồ” trên những con đường đã bị chìm trong nước… 
Cán bộ xã Sơn Hải cho biết, ngày 29/1/2013, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê chuẩn hồ Cấm Sơn nằm trong dự án quy hoạch và xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử; đồng thời chấp thuận cho Cty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh Phát lập quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn, với tổng vốn đầu tư khoảng 4050 tỉ đồng, diện tích khoảng 5300ha thuộc địa phận các xã Sơn Hải, Cấm Sơn, Tân Sơn và Hộ Đáp. Tuy nhiên, việc triển khai dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn đã vô tình đẩy mực nước lòng hồ ngày một lên cao vượt ngưỡng và “nhấn chìm” cuộc sống của người dân vốn đã khốn khó, nay lại càng éo le hơn.  
Ở thời điểm hiện tại, theo những người dân sống lâu năm ở đây thì mực nước hồ Cấm Sơn đã lên tới mức cao nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân nơi đây vì mất diện tích đất nông nghiệp để trồng trọt, đi lại khó khăn. Hiện tại xã Sơn Hải - một trong bốn xã thuộc vùng lòng hồ Cấm Sơn nhiều đoạn đường lên xã, lên thôn bị gián đoạn bởi mực nước hồ Cấm Sơn dâng cao đã nhấn chìm. 
Cụ thể là, tại thôn Cầu Sắt, xã Sơn Hải, những chiếc ngầm qua lòng suối những hôm mưa to, lũ đầu nguồn đổ về cũng không thể qua nổi. Hiện tại, khi mực nước dâng cao thì chiếc ngầm này đã bị chìm trong nước, một cây cầu gỗ tạm bợ do người dân tự góp sức dựng lên để đi lại cũng bị nhấn chìm trong nước… 
Chị Vi Thị Bộ, người dân ở thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải cho biết:“Nước dâng cao thế này ngập hết ruộng, hết đường, không có ruộng để cấy trồng. Bao đời nay, người dân chúng tôi chỉ biết đến nương rẫy, ruộng đồng để duy trì cuộc sống; mỗi khi mùa mưa lũ đến, chúng tôi luôn thấp thỏm, lo âu… vì không đi lên nương được. Bà con chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm xây dựng một cây cầu chắc chắn, cao hơn mực nước khi mưa lũ về để bà con đi lại được thuận tiện, nhất là đối với các em học sinh cắp sách đến trường thì vô cùng gian nan và đầy những nguy cơ đuối nước tiềm ẩn”. 
Chúng tôi có mặt tại Cầu Sắt, nhưng cây cầu này đã bị nhấn chìm bởi mực nước lên cao. Hỏi đường vào xã Sơn Hải, anh Tô Văn Ỷ, cán bộ địa chính xã Sơn Hải cho biết: “Mực nước dâng cao thế này, đường đi từ xã xuống đến thị trấn vô cùng khó khăn, trong điều kiện bão lũ thường xuyên xảy ra, cây cầu tạm bợ do nhân dân dựng tạm khó trụ nổi. Trong khi đó, hàng ngày các em học sinh vẫn phải tìm cách vượt qua hồ để đến trường vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi mong vào mùa cạn, khi mực nước hồ xuống thấp, cống ngầm sẽ được nâng lên cao hơn mức thiết kế của hồ Cấm Sơn để khi mùa mưa bão đến, người dân sẽ không phải di chuyển trên những cây cầu tạm bợ, chòng chành nguy hiểm…”.

Đọc thêm