Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có chiều dài hơn 100km, dung tích chứa gần 9,5 tỷ m³ nước, trải rộng trên địa bàn các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Đây cũng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc có bản sắc văn hóa độc đáo như Mường, Tày, Dao, Thái…
Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đến năm 2035. Quy mô lập quy hoạch lớn chưa từng có, lên tới 52.200ha trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố của Hòa Bình, là “khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc”.
Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài: HỒ HÒA BÌNH & KHÁT VỌNG XỨNG TẦM KHU DU LỊCH QUỐC GIA, ghi nhận ý kiến của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về quy hoạch quan trọng này.
|
Chính quyền TP Hòa Bình kỳ vọng và tin tưởng rằng Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình sẽ tạo ra một “bệ đỡ” cho du lịch Hồ Hòa Bình phát triển bền vững, là căn cứ quan trọng cho việc khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; tạo cơ sở cho việc quản lý, định hướng phát triển các mô hình phát triển du lịch và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch.
Thành phố Hòa Bình với thế mạnh là trung tâm kinh tế - chính trị- văn hóa- xã hội của tỉnh, là cửa ngõ của Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình được định hướng phát triển không gian đón tiếp, dịch vụ du lịch và phân khu chức năng là khu phát triển đô thị, trung tâm dịch vụ hỗn hợp gắn với phát triển du lịch.
|
TP Hòa Bình được xác định là cửa ngõ của KDL Quốc gia Hồ Hòa Bình. |
Hiện thành phố đang có 4 dự án nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đề xuất triển khai. Thành phố chủ trương tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng, phù hợp và đột phá để phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường; đề xuất ban hành cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Đến thời điểm hiện tại, UBND thành phố đã hoàn thành và đang trình ban hành Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố thời kỳ 2021-2030, đồng thời tham mưu cho Ban chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết phát triển du lịch TP Hòa Bình đến năm 2025 có các nội dung, giải pháp cụ thể phát triển du lịch phân khu của thành phố nằm trong Khu du lịch Quốc gia Hòa Bình; Tiếp tục triển khai các đề án, chương trình như: Bảo tồn văn hóa và phát triển điểm du lịch cộng đồng bản Mường Bích Trụ, xã Hòa Bình; cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông nằm trong Khu du lịch Quốc gia Hòa Bình…
|
Tân Lạc với tiềm năng, thế mạnh là huyện thuộc vùng lõi của Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình. Các xã cụm vùng cao thuộc huyện có độ cao so với mực nước biển từ 900 đến 1.200m rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Theo định hướng phát triển không gian của Quy hoạch chung, địa phận Tân Lạc thuộc phân khu 4 - Phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa - Thung Nai - Suối Hoa: là khu trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch Hồ Hòa Bình, trung tâm văn hóa - lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc miền núi phía Bắc…
Đây là một trong những nội dung quan trọng, là cơ sở để huyện thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng, định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở đánh giá tổng hợp những lợi thế về hiện trạng cảnh quan, hiện trạng sử dụng đất, tài nguyên du lịch, lịch sử văn hóa.
|
Hoàng hôn trên lòng hồ Hòa Bình. |
Hiện nay, trên địa bàn Tân Lạc có 4 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh với tổng giá trị đầu tư trên 1.749 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất trên 685ha và 4 dự án đang trong thời gian nghiên cứu, đề xuất nhằm khai thác tiềm năng của Hồ Hòa Bình.
Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của xã Suối Hoa nói riêng, huyện Tân Lạc nói chung; tạo việc làm cho người lao động; phát triển kết cấu hạ tầng, quảng bá, tiêu thụ nông sản; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; tạo điều kiện kết nối các vùng trong huyện, đặc biệt là phát triển các xã vùng cao Tân Lạc.
Để đảm bảo việc thực hiện xây dựng khu du lịch theo đúng quy hoạch, UBND huyện Tân Lạc cùng các sở ngành tích cực tham mưu cho UBND tỉnh một số nội dung như: Sớm cắm mốc ranh giới Khu du lịch Quốc gia Hồ Hoà Bình và các phân khu để thuận tiện trong công tác quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch; sớm ban hành quy định quản lý làm cơ sở cho huyện đề xuất với các sở, ngành đầu tư các hạng mục như: Hệ thống cấp điện, nước, giao thông, xử lý rác thải…
Khi xét duyệt, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư phải đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, năng lực tài chính vững mạnh, phương án tài chính rõ ràng (tính đúng, tính đủ), ràng buộc điều kiện hoàn thiện xong hạ tầng.
|
Đà Bắc rất kỳ vọng vào Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình. Với 7/18 xã thuộc quy hoạch, Đà Bắc có hơn 6.000ha diện tích mặt hồ với cảnh quan sông Đà được ví như Hạ Long trên cạn.
Hiện nay tới Đà Bắc có hai đường, một là đường bộ và hai là đường thủy theo sông Đà. Tỉnh cũng đã có chủ trương trong thời gian tới sẽ đầu tư, cải thiện đường giao thông từ Kim Bôi lên Đà Bắc, cải thiện đường vào huyện, các đường dọc bờ sông, đầu tư nâng cấp đường từ xã Hiền Lương lên xã Tiền Phong....
Địa phương cũng đang kỳ vọng đường cao tốc Hòa Bình – Sơn La được triển khai sẽ là điều kiện để thúc đẩy du lịch cũng như kinh tế - xã hội của Đà Bắc phát triển. Cùng với đó, tuyến đường nối giữa Thị trấn Đà Bắc – Thanh Sơn (Phú Thọ) tới Khu di tích Đá Chông K9 (xã Đồng Luận của huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cũng được đặt nhiều kỳ vọng cho phát triển kinh tế - du lịch giữa hai huyện Đà Bắc và Thanh Thủy.
Cuối năm 2019, Đà Bắc đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp du lịch. Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã biết đến Đà Bắc. Trước đây nghe nói tới Đà Bắc người ta cứ tưởng là xa lắm. Nhưng thực tế, Đà Bắc rất gần TP Hòa Bình, còn từ Hà Nội lên Hòa Bình cũng chỉ khoảng 1,5 tiếng đi ô tô.
Thời tiết của Đà Bắc cũng rất dễ chịu, nhiệt độ chênh với Hà Nội khoảng 2 – 30c. Độ che phủ rừng của Đà Bắc trên 61% cũng rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, Đà Bắc có 5 dân tộc anh em Mường, Dao, Kinh, Thái, Tày cùng chung sống. Ở Hòa Bình, người Tày chỉ sinh sống ở Đà Bắc, các đặc trưng bản sắc của người Tày vẫn đang được lưu giữ hầu như nguyên vẹn.
|
Hòa Bình là nơi sinh sống của nhiều dân tộc với bản sắc độc đáo (Ảnh: Trương Đại Dương) |
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên của hồ Hòa Bình, Đà Bắc đang phát triển mô hình du lịch homestay như ở xóm Ké, xã Hiền Lương của người Mường, ở bản Sưng, xã Cao Sơn người Dao, homestay ở xóm Đá Bia, xóm Mó Hém cùng thuộc xã Tiền Phong…
Hiện đã có gần 50 nhà đầu tư xin khảo sát và lập quy hoạch phân khu các diện tích trên hồ. Địa phương kỳ vọng khi có các nhà đầu tư vào sẽ tạo ra các cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, kéo theo đời sống của người dân được nâng lên và các dịch vụ khác cũng phát triển theo.
Huyện cũng đang nghiên cứu bổ sung đề án đến năm 2045 về du lịch, khôi phục một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa như: lễ hội xuống đồng của người Mường, xã Tu Lý; lễ hội cầu mùa của người Tày; lễ hội Tết, lễ cấp sắc và khôi phục chữ viết của người Dao, người Tày…
|
Mai Châu từ lâu đã được biết đến là địa điểm du lịch của tỉnh Hòa Bình, riêng với khu vực lòng hồ, hiện đã thu hút được một số nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án như Khu du lịch sinh thái Ba Khan, khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà resort…
Có hai dự án đã đi vào hoạt động là: Làng du lịch sinh thái Ba Khan và Mai Châu Hideaway Resort; Có 4 dự án đang lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư với vốn đăng ký đầu tư 2.650 tỷ đồng gồm: Dự án Du lịch văn hóa sinh thái cộng đồng tại xóm Khan Hạ; Khu du lịch sinh thái Alicia Mai Châu; Khu du lịch sinh thái Nàng Thơ; Dự án Lake view.
|
Vẻ đẹp của Hồ Hòa Bình là "mảnh đất vàng" cho các nhà đầu tư. |
Huyện Mai Châu kỳ vọng các xã vùng lòng hồ sông Đà nằm trong Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình sẽ được quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ… Chú trọng công tác quảng bá hình ảnh hồ Hòa Bình và các điểm du lịch trên địa bàn; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, thân thiện môi trường, mang đắc trưng văn hóa Hòa Bình.
Nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng và khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Tranh thủ tận dụng các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung vào hạ tầng giao thông: Các dự án đường giao thông quanh hồ đã và đang thực hiện như: Đường Phúc Sạn - Ba Khan; đường Đồng Bảng - So Lo; đường Sộp - Đoi; đường Tân Mai - Tân Dân để tạo sự kết nối giao thông đường bộ quanh hồ.
|
Kỳ vọng, mong muốn của huyện Cao Phong là khi phát triển hồ Hòa Bình sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút về du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với lịch sử, văn hóa các dân tộc, bản sắc địa phương và hệ sinh thái lòng Hồ.
Huyện đã định hướng quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ gắn với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan sinh thái rừng cho khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình; kết nối với các danh lam thắng cảnh, các khu du lịch của huyện; khai thác các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch; Không gian du lịch văn hóa, tín ngưỡng: Đền Thác Bờ, động thác Bờ là không gian du lịch văn hóa tín ngưỡng, tâm linh; bản sắc dân tộc Mường được thể hiện ở các bản du lịch: Xóm Mỗ xã Bình Thanh, xóm Tiện xã Thung Nai…
|
Hồ Hòa Bình bảng lảng khói sương như một bức tranh thủy mặc. |
Hiện nay, trên địa bàn đã có một số tổ chức doanh nghiệp đang khảo sát và đã đầu tư về lĩnh vực du lịch vào địa bàn huyện, đặc biệt là khu vực hồ Hòa Bình như: Khu Du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên Đảo Ngọc Hồ Sông Đà, Khu Du lịch nghỉ dưỡng Parahill Hòa Bình, Khu Du lịch sinh thái Thung Nai Peninsula Resort, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh…
UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty Cổ phần xây dựng Thăng Long Hòa Bình và Công ty cổ phần Greenhomes Hòa Bình nghiên cứu, khảo sát lập thủ tục đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Greenhomes Hòa Bình tại xã Bình Thanh và xã Thung Nai. Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng đang khảo sát, lập quy hoạch dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Thung Nai.
Cùng với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương, chắc chắn trong tương lai gần các khu điểm du lịch huyện Cao Phong nói riêng khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình nói chung sẽ phát huy được lợi thế của mình, thu hút được nhiều hơn nữa khách du lịch trong nước và quốc tế, trở thành một thương hiệu du lịch có tiếng.
(*Bài viết có sử dụng hình ảnh từ một số trang web, blog du lịch, ảnh của khu rersort)