Hồ Michigan là một trong 5 hồ lớn của Bắc Mỹ. Nó tiếp giáp từ tây qua đông với các bang Wisconsin, Illinois, Indiana và Michigan. Chính vì diện tích rộng lớn, nên đôi lúc người ta gọi nó là một biển nội địa. Đứng từ bờ hồ nhìn ra, đây chẳng khác gì một vùng biển rộng xa ngút tầm mắt, không thể nhìn thấy bờ bên kia. Đây cũng là hồ duy nhất trong Ngũ Đại Hồ nằm hoàn toàn trong nước Mỹ, các hồ kia nằm giữa Mỹ và Canada.
Với diện tích lên đến 57.750 km2, Michigan cũng là hồ nước ngọt lớn nhất nước Mỹ. Độ sâu trung bình của hồ là 85m, nơi sâu nhất có thể lên đến 281m, có thể chứa lượng nước lên tới 4.918km3. Hàng năm, hồ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở các khu vực giáp ranh.
Nơi 6.000 tàu bị chìm, 30.000 người thiệt mạng
Hàng năm có rất nhiều khách du lịch trên khắp thế giới tìm đến Michigan vì những cảnh đẹp tuyệt mỹ đến nao lòng, nhưng Michigan cũng nổi tiếng với những vụ biến mất không dấu tích của hàng nghìn tàu thuyền và máy bay.
Đặc biệt, các sự vụ xảy ra trong vùng hồ này thường tập trung trong một khu vực hình tam giác, được mệnh danh là “Tam giác Michigan”, hay người ta còn ví von nó với vùng “Tam giác Bermuda” bí ẩn ở rìa bên kia châu lục, nơi ghi nhận hàng loạt vụ mất tích tàu bè và máy bay không lời giải.
Lịch sử các vụ mất tích bắt đầu được báo cáo từ thế kỷ 15. Bảo tàng Shipwreck ở Ngũ Đại Hồ đã thống kê rằng, có xấp xỉ khoảng 6.000 tàu bị chìm, ít nhất 40 chiếc máy bay đã hoàn toàn “mất tăm mất tích” và 30.000 người đã thiệt mạng trong vùng này.
“Nằm rải rác dưới đáy của Ngũ Đại hồ là tàn tích của hơn 6.000 tàu chìm trên Ngũ Đại hồ kể từ cuối những năm 1.600 khi các tàu thuyền thương mại đầu tiên hoạt động tấp nập trong khu vực này, nhất là trong thời kỳ hoàng kim trong thế kỷ XIX”, Hiệp hội Nghiên cứu tàu đắm Michigan cho biết.
Hiệp hội này cũng nói rằng, thời tiết bất thường làm cho Ngũ Đại Hồ là một trong những vùng biển nguy hiểm nhất trên thế giới. Bão đột ngột, sương mù cùng những cơn gió và sóng nước dữ dội đập chúng vỡ hàng nghìn con tàu thành từng mảnh trôi vào bờ.
Cho đến nay, chỉ có khoảng 300 con tàu đắm được tìm thấy gần khu vực lướt sóng ở hồ Michigan trong các vùng biển của bang Wisconsin, Illinois, Indiana và Michigan.
Những vụ mất tích bí ẩn
Một trong những con tàu nổi tiếng nhất bị đắm ở hồ Michigan là Griffin, được nhà thám hiểm người Pháp René-Robert Cavelier cho đóng vào năm 1679, để khám phá vùng hồ và sông Mississippi, nhưng không may mắn đã bị đắm trong cùng năm đó.
“Thuyền Griffin đã đến đây vào ngày 18/9/1679, mang hàng hóa với lông thú có giá trị từ 50.000-60.000 franc. Con tàu này nằm dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Luc và sự hỗ trợ áp tải của nhiều thủy thủ giỏi, đi thẳng về hướng Mickili-mackinac, từ đó tiến tới điểm đích Niagara”, cuốn Lịch sử Ngũ Đại hồ cho biết, “Chuyến đi thuận buồm xuôi gió cho đến khi tiến vào vùng hồ, người ta không bao giờ thấy nó một lần nữa và cũng không tìm ra nguyên do tại sao con thuyền biến mất”.
Sự vụ bí ẩn tiếp theo diễn ra vào năm 1891, thuyền trưởng Thomas Hume cùng 7 ngư dân tiến vào Michigan để lấy gỗ. Cả đoàn quyết định ở lại qua đêm và khởi hành vào sáng ngày hôm sau vì thời tiết quá lạnh, kèm theo giông gió lớn.
Sau đêm định mệnh ấy, không một ai trong đoàn quay trở lại. Một cuộc tìm kiếm cũng mở ra nhưng cho đến nay người ta vẫn không tìm thấy tung tích chiếc thuyền chở gỗ hay thi thể của bất kỳ người nào trong đoàn.
|
Xác một con tàu bị chìm dưới lòng hồ Michigan |
Vào năm 1921, xác chiếc thuyền Rosa Belle bị lật úp trôi nổi ngoài rìa vùng “tam giác Michigan” trong khi 11 thuyền viên đã biến mất hoàn toàn.
Một trong những vụ mất tích đáng chú ý khác được ghi nhận tại khu vực này là của thuyền trưởng George R. Donner vào năm 1937. Khi đó, ông điều khiển con tàu của mình đi qua hồ Michigan, mang theo 9.800 tấn than hướng về Washington.
Đêm 28/4, George căn dặn thủy thủ đánh thức mình khi tàu gần tới nơi. Thế nhưng, chỉ 3 giờ sau đó, ông mất tích. Thủy thủ đoàn tìm khắp nơi đều không có dấu vết của thuyền trưởng.
Không chỉ tàu thuyền, khu vực này cũng đã chứng kiến khoảng 40 vụ máy bay “bốc hơi” khi bay ngang qua đây. Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay vận chuyển hành khách đường dài loại DC4 mang số hiệu 2501 của hãng hàng không Northwest Airlines. Trên chuyến bay có chở 58 người, khởi hành từ New York đến Minneapolis vào tháng 6/1950.
Khi bay ngang qua vùng hồ Michigan, chiếc máy bay bỗng dưng mất tín hiệu trên màn hình radar của đài không lưu sân bay Chicago, sau đó bị rơi một cách bí ẩn, mang đi tính mạng của tất cả phi hành đoàn và hành khách.
Chicago có sân bay quốc tế Chicago O’Hare, được xếp vào sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới. Hệ thống radar của sân bay này quản lý và theo dõi lưu lượng bay trong khu vực lân cận, bao gồm vùng hồ Michigan và tất nhiên bao hàm cả vùng tam giác Michigan bí hiểm.
Tại đây đã ghi nhận rất nhiều máy bay không hiểu vì sao liên tục “thoát ẩn thoát hiện” trên màn hình radar, sau đó biến mất, gây bối rối cho bộ phận kiểm soát không lưu và DC4 nằm trong số đó.
Sau nhiều lần cố gắng liên lạc nhưng không có kết quả, Đài không lưu Chicago đã phát lệnh tìm kiếm máy bay mất tích, huy động một đoàn cứu hộ cùng với nhiều nhóm chuyên gia tìm kiếm kỹ lưỡng và sử dụng các thiết bị tiên tiến như máy dò sonar. Hải quân Mỹ cũng đã điều động 3 tàu lặn sục sạo khắp đáy hồ trong nhiều ngày liền. Đội cứu hộ tuyệt nhiên không tìm thấy bất cứ thứ gì dù chỉ một mảnh vụn của chiếc DC4 gặp nạn.
Cuộc tìm kiếm kéo dài cho đến tận tháng 9/2008, dưới sự tài trợ của nhà triệu phú Clive Cusler, có người thân đi trên chuyến bay, nhưng vẫn không mang lại bất cứ manh mối nào dù đã sử dụng các thiết bị dò tìm tối tân nhất. Điều gì đã gây nên thảm kịch rơi máy bay 2501 kỳ lạ này và nó đã an nghỉ ở đâu? Đây là những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải.
Cho đến nay, vùng hồ Michigan sẽ vẫn là một khu vực rình rập hiềm nguy trắc trở, khiến nhiều tàu bè máy bay phải dè chừng khi phải bén mảng qua đây. Nhưng cũng chính những bí ẩn và tàn tích của những con tàu, máy bay bị đắm dưới lòng hồ đã trở thành một điểm hấp dẫn thu hút các thợ lặn đến đây phiêu lưu, khám phá.
Vụ mất tích gần đây nhất xảy ra với toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 4 người có mặt trên chiếc du thuyền Petoesky II. Đây là một chiếc du thuyền nhỏ được Derek Batten, Peter Tunstead, James Tunstead và Ivan Ormes điều khiển rời thành phố Ludington khởi hành đến thành phố Benton Harbor vào sáng ngày 15/4/2006.
Đến chiều cùng ngày, một trực thăng tuần tra của Lực lượng Biên phòng bờ biển Mỹ phát hiện chiếc Petoesky II trôi dạt trên vùng Airlie, nhưng lại không có sự hiện diện của một ai trên tàu. Trong khi máy tàu vẫn hoạt động, trên bàn vẫn còn thức ăn, một chiếc máy tính xách tay vẫn để ở chế độ hoạt động, radar và thiết bị liên lạc thông tin qua vệ tinh vẫn hoạt động tốt. Chiếc Pentoesky II không bị hỏng hóc hay gặp bất cứ tai nạn nào trước đó.
Sau đó, chính quyền bang Michigan quyết định triển khai một cuộc truy tìm quy mô đối với các thuyền viên của chiếc du thuyền. Chín tàu tuần tra, 4 máy bay trực thăng cùng nhiều tàu thuyền dân sự tình nguyện cùng tham gia cuộc truy tìm quy mô nhất lịch sử thành lập bang Michigan.
Cuộc tìm kiếm được duy trì cả ngày lẫn đêm trên một vùng mặt nước có diện tích đến hàng trăm km2 kéo dài suốt nhiều ngày liền nhưng vẫn không có kết quả. Không còn bất cứ hy vọng nào tìm ra dấu vết của các thuyền viên bị mất tích, chính quyền bang Michigan buộc phải quyết định ngừng các cuộc tìm kiếm.