Vụ va chạm kinh hoàng
Hồ Lonar hay còn gọi là miệng núi lửa Lonar là hồ muối natri cacbonat nằm trên vùng cao nguyên ở Lonar, huyện Buldhana, bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ. Từ nhiều năm nay, hồ nước này được phân loại là Di tích Địa lý Quốc gia của Ấn Độ. Đa số các ghi chép đều khẳng định rằng hồ nước này được hình thành cách đây 52.000 năm do một cú va chạm cực mạnh giữa một thiên thạch vào lớp đá bazan của Trái Đất ở khu vực cách thành phố Mumbai của Ấn Độ khoảng 500 km.
Thiên thạch được cho là nặng khoảng 2 triệu tấn, đâm vào Trái đất với tốc độ ước tính 90.000 km/h. Dù thiên thạch chỉ là một mảnh vụn nhưng tác động của hành trình 384.403 km từ mặt trăng đến trái đất vẫn đã để lại một vết lõm rộng 1,8 km và sâu 150m. Đây chính là diện tích của hồ nước hiện nay.
Suy đoán nguồn gốc ngoài Trái Đất của hồ nước nói trên xuất phát từ sự hiện diện của loại kính mas carvednite, chỉ được hình thành do các tác động vận tốc cao. Theo nghiên cứu của Học viện Công nghệ Ấn Độ, một số khoáng chất trong đất ở hồ Lonar giống với một số thành phần trong đất đá do tàu Apollo mang về từ Mặt trăng. Theo thời gian, sau cú va chạm mạnh tạo thành lòng hồ, rừng rậm dần mọc lên xung quanh vùng đất này và một dòng suối qua nhiều năm đã biến miệng hố khi xưa thành một hồ nước tự nhiên xanh ngọc bích yên bình.
Hiện nay, khu vực xung quanh hồ vẫn còn nguyên diện mạo như ban đầu do khoáng chất của núi lửa bazan đã bồi đắp thêm độ cứng xung quanh. Nhìn bề ngoài, hồ Lonar có thể trông giống như bất cứ hồ nước nào khác trên thế giới nhưng hồ có hình bầu dục gần như hoàn hảo này là một trong hai miệng núi lửa tự nhiên duy nhất trên thế giới được hình thành hoàn toàn từ bazan - một loại đá núi lửa hạt mịn và sẫm màu và có nước mặn gấp 7 lần nước biển!
Bao quanh hồ là những ngôi đền hấp dẫn của Ấn Độ như ngôi đền Shankar Ganesha bị ngập một phần, đền Ram Gaya, đền Kamalja Devi, đền Daitya Sudan thờ Chúa Vishnu - người tiêu diệt quỷ Lonasura. Bỏ qua vấn đề khoa học, về mặt tâm linh, nhiều người dân địa phương vẫn truyền tai nhau câu chuyện cho rằng hồ Lonar được hình thành khi Lonasura - một con quỷ trong thần thoại bị Chúa Vishnu đẩy trở lại thế giới khác với sức mạnh khủng khiếp sau khi hắn thường quấy rối và gây rắc rối cho người dân địa phương. Cái tên hồ Lonar cũng xuất phát từ câu chuyện này.
Chuyển màu trong đêm
Trong một thời gian dài, hồ Lonar là một trong những bí mật ít người biết đến nhất của bang Maharashtra của Ấn Độ. Nhiều khách du lịch khi đến với vùng này thường đến thăm những địa điểm xung quanh hồ như Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là hang động Ajanta và Ellora nhưng không mấy ai tìm đến hồ này vì họ không biết về sự tồn tại của nó. Dù hồ nước tuyệt đẹp này chỉ cách Aurangabad khoảng 170 km và cách Mumbai 550 km nhưng vì đường hồ khá khó đi, trơn trượt và nhiều người tin rằng bờ hồ là cát lún nên không ai cố gắng đến gần hồ nước.
Đến năm 1823, một nhà thám hiểm người Anh tên J.E. Alexander đã tình cờ phát hiện ra hồ khi ông đang nghiên cứu các ngôi đền cổ trong khu vực. Tuy nhiên, trong suốt 1 thời gian sau đó, các nhà khoa học vẫn tin rằng nó là một miệng núi lửa. Mãi đến 1896, nhà địa chất nổi tiếng G.K. Gilbert mới chỉ ra điểm tương đồng của hồ với miệng núi lửa do thiên thạch tạo ra trên sa mạc Arizona ở Mỹ.
Hồ Lonar càng trở thành địa điểm thu hút sự chú ý khi vào tháng 6 vừa qua, đoạn clip ghi lại cảnh nước này đổi màu nhanh chóng từ xanh lá sang hồng chỉ sau một đêm đã được lan truyền rộng rãi trên internet. Theo các chuyên gia, dù hiện tượng đổi màu ở hồ Lonar không phải là chuyện mới xảy ra chỉ 1 lần nhưng trước đây, việc đổi màu chưa bao giờ rõ rệt đến như vậy. Chỉ trong 1 đêm, nước hồ từ trong xanh văn vắt đã đổi thành hồng rực.
Một số ý kiến cho rằng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này đến từ sự thay đổi độ mặn và tảo trong nước do thời tiết nắng và khô hạn kỷ lục diễn ra hồi giữa năm. “Độ mặn trong hồ tăng lên khi mực nước giảm mạnh khiến tảo sinh sôi do nước hồ ấm hơn”, nhà địa chất học Gajanan Kharat lý giải. Theo ông Gajanan, điều kiện này làm nhiều loại tảo và vi khuẩn trong hồ xuất hiện và phát triển nhanh chóng.
Trong đó, nhóm vi khuẩn halobacteriaceae - vi sinh vật ưa nước mặn, sử dụng chất màu đỏ để hấp thụ và chuyển hóa ánh sáng mặt trời thành năng lượng – được cho là nguyên nhân chính tạo ra màu hồng cho hồ. Vi khuẩn Halobacteriaceae phát triển mạnh mẽ trong môi trường ấm. Do đó, khi nhiệt độ trong hồ tăng, hồ nước chuyển sang màu hồng chỉ sau một đêm.
Trong khi đó, Tiến sỹ Madan Suryavashi ở trường Đại học Babasaheb Ambedkar của Ấn Độ nhận định hoạt động sản xuất của con người bị đình trệ do dịch Covid-19 cũng khiến cho môi trường trong hồ có điều kiện phù hợp để nhanh biến đổi. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, hồ Lonar là môi trường nghiên cứu của nhiều nhóm khoa học, trong đó có Viện Smithsonia, Cơ quan địa chất Mỹ và Ấn Độ, Đại học Sagar... Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều khách tham quan ưa trải nghiệm khám phá.
Sở dĩ hồ Lonar được cho là hồ nước của những bí ẩn là bởi mỗi năm có đến gần 30.000 đến 1.50.000 thiên thạch lao xuống Trái Đất nhưng hồ nước này được cho là hồ duy nhất được hình thành do thiên thạch va vào Trái đất. Các nhà khoa học lâu nay cũng vẫn cảm thấy khó hiểu trước những bí ẩn kỳ lạ xung quanh hồ Lonar. Bởi, môi trường nước ở hồ có cả kiềm và mặn - một điều hoàn toàn chưa từng có.
Các nhà khoa học nói rằng gần như không thể có một hồ nước có tính kiềm và nhiễm mặn cùng một lúc, khiến hồ này trở thành một trong những hồ có một không hai trên thế giới. Hồ có hai vùng riêng biệt không bao giờ trộn lẫn - vùng bên ngoài trung tính và vùng bên trong có tính kiềm, mỗi vùng lại có hệ động thực vật riêng. Ở trong hồ có các vi sinh vật được cho là hiếm có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất.
Một điểm đặc biệt nữa là la bàn và các thiết bị điện tử khi đặt gần hồ đều bị nhiễu loạn. Các nhà khoa học từ lâu đã bối rối trước hoạt động hỗn loạn của các la bàn trong khu vực này và đã cố gắng tìm ra nguyên nhân nhưng không ai có thể biện minh cho lý do. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích hiện tượng này.
Trong đó, một số nhà khoa học nói rằng lực điện từ lạ gây nhiễu các thiết bị điện và làm cho la bàn bị hỏng. Họ cho rằng các vật thể đến từ không gian thường có tính điện từ cao hơn vật chất mà chúng va chạm vào Trái đất. Và vì hồ Lonar là một hố thiên thạch va chạm nên trường điện từ của nó mạnh hơn. Nói một cách khác, cách lý giải này nghiêng về hướng cho rằng các đặc tính từ trường kỳ lạ của hồ có nguồn gốc từ ngoài Trái đất. Một giả thuyết khác cho rằng kim la bàn xoay rộng là do hàm lượng sắt dư thừa trong đất.
Với những đặc điểm như vậy, hồ Lonar được cho là có một không hai, là tập hợp của kỳ quan địa chất, địa lý, lịch sử, thần thoại, khảo cổ, sinh thái và khoa học. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang cố làm sáng tỏ hoàn toàn những bí ẩn liên quan đến hồ nước này. Trong khi việc đó chưa đạt được, nhiều người thậm chí còn đồn đoán rằng có thể có một kho báu cổ xưa nào đó ngoài Trái đất ẩn chứa trong hồ nước này.