Hòa khí ngày xuân cần giữ

(PLO) - Đang tiết tháng Giêng rét đài, cảnh vật tốt tươi, giữa mùa lễ hội du xuân. Ai cũng mong khởi đầu một năm thuận lợi cả sức khỏe và công việc. Dù hành hương về nơi đất Phật hay du xuân thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh của đất nước cũng nhằm mục đích di dưỡng tinh thần, làm giàu có tâm hồn, hấp thụ khí thiêng trời đất mà cầu an, cầu may cho một năm mới tốt lành. Vì thế, người ta giữ gìn một phong cách lịch thiệp, hòa nhã, vui vẻ trong cư xử với nhau, gọi là hòa khí ngày xuân.

Thế mà, đã có những sự việc khiến cái hòa khí đó không còn giữ được. Người hành hương về đất Phật ngán ngẩm trước cảnh phải nộp tiền mới qua cổng được, gọi là “BOT thu phí lễ chùa”. Chẳng nên thương mại hóa lĩnh vực tâm linh đến vậy, bản thân những khách thập phương đến nơi này đã bỏ ra một khoản tiền để mua sắm lễ, trả các khoản dịch vụ, góp tiền công đức,... và các khoản chi phí khác ở địa phương mà họ đến.

Trớ trêu là những trường hợp đi lễ chùa để cầu may của các cơ quan, công chức nhà nước, ngang nhiên vi phạm lệnh cấm của Chính phủ. Họ đi lễ bằng xe công hoặc đi vào giờ hành chính, khi bị phát hiện thì phải đình chỉ công tác, tường trình và nhận một hình thức kỷ luật nhất định. Cầu may mà vận xui đến ngay tức khắc, còn đâu là hòa khí ngày xuân. Dường như cái tâm lý thích thú khi “bất tuân thượng lệnh”, cố ý vi phạm điều cấm, “coi trời bằng vung” vẫn còn ngự trị trong cách hành xử của cán bộ ta nhiều lắm. Mà, cứ bảo dân mê tín nhưng có là mức độ mê tín ở cán bộ còn cao hơn nhiều, ở các cơ quan công quyền, tư pháp, kho bạc nhà nước,... mà cứ phải đi vay tiền Bà Chúa Kho, xin lộc rơi, lộc vãi là thế nào nhỉ.

Hòa khí ngày xuân cũng giảm đi nhiều trước nạn “chặt chém” thậm chí lừa đảo của các loại dịch vụ khác nhau, từ ăn uống, dâng lễ, dẫn đường, phương tiện đi lại, viết sớ, trông giữ xe,... đến các trò “vui chơi có thưởng”, cờ bạc bịp, thuốc nam rởm,... Lễ hội là cơ hội làm ăn, kiếm tiền vô lương của một số người thì còn đâu là sự vui tươi, lành mạnh nữa. Đó là chưa kể đến các hành vi “buôn thần, bán thánh” dẫn dụ người ta vào cõi mê muội để rút hầu bao. Đến chốn linh thiêng mà phải chứng kiến cảnh nhốn nháo, phàm tục thì lòng sao “thiền” được?

Bản thân du khách hay người hành hương cũng không giữ được tư thế trang nghiêm, thành kính cần có. Họ vô tư xả rác, nói cười thản nhiên, những chuyện cãi cọ, đánh nhau, gây sự,... xảy ra ở lễ hội nào cũng có. 

Một lễ hội được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, đảm bảo an ninh trật tự thì con người cư xử với nhau cũng hòa nhã, tôn trọng và vui vẻ. Mang tâm thức mùa xuân đi trảy hội, phơi phới những dự cảm tốt lành, tràn ngập niềm vui, đến những nơi mà mình được chào đón thịnh tình, ấm áp. Điều đó làm nên hòa khí ngày xuân mà ai cũng phải giữ gìn!

Đọc thêm