Câu chuyện cậu học trò dùng tay không móc rác ở miệng cống khơi thông dòng chảy khiến nhiều người cảm phục. Cậu bé nói trên là Phạm Trọng Đạt (học lớp 6/1, Trường THCS Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Hoàn cảnh của Đạt cũng éo le, đáng thương. Người nuôi dưỡng Đạt cùng chị gái hiện nay là bà ngoại Nguyễn Thị Thu đã 67 tuổi ở Xóm Trầu (xã Long An, huyện Long Thành). Ông ngoại cậu bé là thương binh, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên cơ thể yếu ớt. Hai người cậu của Đạt không được bình thường, nhanh nhẹn như người ta.
Bà Thu kể người con út cũng học hành giỏi giang nhưng đến lớp 10 tự nhiên “giở chứng” đưa đi khám người ta nói bị khùng. Người này hay đi lang thang, về đến nhà là chửi bới đòi giết cha mẹ. Người con trai thứ 2 bị nhẹ hơn nên vẫn tự lao động, thế nhưng 37 tuổi mà mãi không có vợ con.
Niềm hi vọng của bà Thu là mẹ của Đạt tên Phạm Tú Nhi (SN 1980), người học hành giỏi giang, làm việc ở huyện ủy Long Thành. Năm 2005, chị Nhi kết hôn và sau đó sinh ra 1 người con gái và Đạt. Nhưng rồi, duyên số đứt đoạn, bố mẹ Đạt ly hôn.
Chẳng bao lâu sau, do nợ ngân hàng, ngôi nhà của mẹ Đạt bị phát mãi. Xấu hổ với đồng nghiệp, tự ti bản thân, chị Nhi bỏ việc rồi đi biệt xứ. Thương 2 đứa cháu còn chưa hết tuổi thơ đã thiếu thốn cả cha lẫn mẹ, ông bà ngoại đón Đạt và chị gái về chăm sóc.
Người mẹ của Đạt trước cũng gọi về nói bà Thu nuôi con giúp rồi cũng “bặt vô âm tín”. Toàn bộ sinh hoạt 4 người gia đình bà Thu dựa vào lương hưu của người chồng.
Về phần Đạt, hàng ngày buổi sáng đến nhà ông cậu coi nhà giúp, buổi chiều cậu đi học ở trường. Cuộc sống của Đạt sẽ bình thường trôi qua như thế, chẳng ai biết đến hành động của em nếu camera không vô tình ghi lại được.
Hỏi Đạt vì sao lại làm thế, cậu bé bẽn lẽn nói “vì em thích” rồi ngồi im. Thì ra Đạt vẫn âm thầm nhặt rác ở các miệng cống từ lâu nay. Và không chỉ một, trên đoạn đường đi học về, chỗ nào cống có rác, em lại dừng xe nhặt bỏ lên lề đường. Đạt nghĩ đơn giản rằng nếu chẳng vớt lên thì làm sao nước chảy được.
Từ lúc nổi tiếng, thấy nhiều người đến thăm, cậu bé tỏ ra sợ hãi. Bà ngoại Đạt kể rằng, mấy ngày gần đây, thấy nhiều người đến, Đạt lại trốn đi khiến bà phải tìm rất vất vả.
Nhận xét về cậu học trò, cô Phan Thị Ngọc Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Long An cho biết, Đạt là học sinh ít nói, trầm lắng. Thế nhưng, cứ vào những ngày trời mưa, sau khi tan học, Đạt lại đến tất cả các miệng cống xung quanh khuôn viên nhà trường để móc hết rác lên.
|
Em Phan Trọng Đạt được khen thưởng. |
Vì hành động đẹp của mình, sáng 22/6, UBND huyện Long Thành đã trao giấy khen đột xuất cùng tiền thưởng cho em Phạm Trọng Đạt.
Lãnh đạo UBND huyện Long Thành đánh giá, hành động của em Đạt có ý nghĩa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân trong xử lý rác, cần nhân rộng cho học sinh toàn huyện.